Tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước tết
Lực lượng Quản lý thị trường bắt giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc đang đưa đi tiêu thụ trên địa bàn. |
Còn nhiều loại thực phẩm không đạt tiêu chuẩn
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã tổ chức hơn 300 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về VSATTP tại các tuyến (tỉnh, huyện, xã) trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 và các ngày lễ lớn của tỉnh. Đã kiểm tra trên 4.786 cơ sở, trong đó có gần 5.713 cơ sở sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP chiếm 98,5%; số cơ sở không đảm bảo ATTP là trên 80 cơ sở (chiếm 1,5%).
Cũng theo thống kê Công an tỉnh Điện Biên lực lượng liên ngành đã kiểm tra 42 cơ sở, phát hiện 12 vụ, 12 đối tượng vi phạm pháp luật về kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa hết hạn sử dụng và kinh doanh hàng nhập lậu. Thu 100 lít rượu, 148kg xúc xích, 1.000 cái nem chua, 9kg bánh kẹo.
Những lỗi vi phạm chủ yếu tập trung vào việc khám sức khỏe, xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, người lao động không sử dụng trang phục bảo hộ theo quy định; không đảm bảo điều kiện vệ sinh khu vực chế biến, sản xuất và trang thiết bị dùng để chế biến sản xuất. Hàng hóa vi phạm bị tiêu hủy tại chỗ, chủ yếu là hàng kém chất lượng, hàng hóa hết hạn sử dụng...
Ðảm bảo ATVSTP là một trong những nhiệm vụ chiến lược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người. |
Cần tăng cường kiểm tra vệ sinh thực phẩm nhất là dịp cuối năm.
Càng gần tết các mặt hàng bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo…sẽ được bày bán nhiều chính vì vậy để tránh ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Tỉnh Điện Biên sẽ tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng.
Xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn không đảm bảo ATTP phải có các biện pháp khắc phục có hiệu quả thì mới được tiếp tục hoạt động.
Nhưng để công tác đảm bảo ATVSTP đạt hiệu quả cao hơn, bên cạnh việc tăng cường vai trò quản lý, giám sát việc thực thi pháp luật về ATTP, các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Xử lý nghiêm minh, công khai và thích đáng đối với những hành vi vi phạm, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về ảnh hưởng của thực phẩm bẩn. Cùng với đó, tôn vinh, quảng bá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn.
Ðảm bảo ATVSTP là một trong những nhiệm vụ chiến lược để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người. Vì vậy, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn của các cơ quan chức năng, mỗi người dân hãy dành thời gian để tìm hiểu, đọc, nghe các nội dung tuyên truyền của Chi cục ATVSTP, cán bộ ngành Y tế các cấp... để có kiến thức sử dụng các loại thực phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng, vệ sinh thực phẩm tránh để ngộ độc thực phẩm nhất là thời điểm trước, trong và sau tết./.