Tiếp sức cho người nghèo từ Tín dụng chính sách
Điện Biên TV - Nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH được coi là nguồn lực tiếp sức cho vùng khó, tạo sinh kế cho hàng nghìn lao động, giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, đặc biệt ở vùng khó khăn của tỉnh.
Tín dụng chính sách xã hội được triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được cấp ủy chính quyền các cấp đánh giá cao, được nhân dân nhiệt tình đón nhận, thể hiện sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế xã hội tại địa phương.
Tỉnh Điện Biên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện thì 7/10 đơn vị là huyện nghèo với các đặc trưng vùng cao, vùng sâu, biên giới, đại đa số cư dân là người dân tộc thiểu số với những trở ngại không dễ gì có thể vượt qua. Trong tình hình đó, cùng với các chính sách đầu tư phát triển từ nhiều chương trình, dự án... thì nguồn tín dụng do Ngân hàng CSXH mang lại đã và đang giúp các hộ nghèo, người nghèo, các đối tượng chính sách thêm quyết tâm cho nỗ lực xóa đói giảm nghèo, ổn định dân sinh, góp phần củng cố lòng tin của người dân vào đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn hơn 57 ngàn hộ nghèo. |
Thống kê cho thấy tính đến hết tháng 6/2019, tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt hơn 2.800 tỷ đồng, tăng gần 170 tỷ đồng so với đầu năm và đã đạt hơn 80 % kế hoạch năm. Ngân hàng CSXH tỉnh Điện Biên đã khắc phục khó khăn, triển khai một cách năng động các mô hình cho vay hiệu quả theo từng địa bàn dân cư; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... thực hiện tốt việc ủy thác vay vốn để hội viên được tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng hơn.
Xác định có được đồng vốn đã khó, nhưng để đồng vốn sinh lời còn khó khăn hơn, nhất là với hộ nghèo, hộ chưa có việc làm ổn định, hộ sản xuất - kinh doanh tại vùng đặc thù... Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện không chỉ đơn thuần giải ngân cho vay mà còn tư vấn cho người vay kinh nghiệm sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả cao nhất.
Theo kết quả điều tra chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn hơn 57 ngàn hộ nghèo. Theo thống kê phân loại hộ nghèo của cơ quan chuyên môn, cho thấy, dân tộc Mông có số hộ nghèo cao nhất tỉnh chiếm hơn 50 % tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, tiếp đến là dân tộc Thái chiếm hơn 35% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, còn lại là các dân tộc khác chiếm hơn 10% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Mục tiêu của Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững không gì khác nhằm tạo ra những hệ giá trị mới cho nông thôn, bền vững về kinh tế - văn hóa - xã hội, cuộc sống cộng đồng thôn bản an toàn và hạnh phúc. Người dân không chỉ thực hiện mà còn được bàn bạc, đóng góp công sức, tham gia kiểm tra, kiểm soát và cuối cùng chính họ là đối tượng thụ hưởng những gì mà Chương trình mang lại. Đến tháng 8/2019, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 37,08%.
Như vậy, tín dụng chính sách xã hội đã phát huy được đa dạng các nguồn lực để chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, quản lý và hướng dẫn người nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả và đảm bảo khả năng hoàn trả vốn.
Hoạt động tín dụng chính sách đã góp một phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Điện Biên. Vốn tín dụng đã kịp thời hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân ổn định đời sống, từng bước đưa khoảng cách giầu nghèo trên địa bàn dần được thu hẹp. Tín dụng chính sách xã hội được coi là nguồn lực tiếp sức cho vùng khó, tạo sinh kế giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là hộ nghèo.
Tín dụng chính sách xã hội được coi là nguồn lực tiếp sức cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là hộ nghèo. |
Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và ổn định, nạn di dịch cư tự do được hạn chế, góp phần tích cự trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đặc biệt đã góp phần tích cực vào giảm nghèo tại cơ sở, trật tự xã hội được duy trì quốc phòng an ninh và biên giới chủ quyền quốc gia được giữ vững, niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố
Với phương thức quản lý vốn tín dụng thông qua ủy thác cho các tổ chức Chính trị - Xã hội thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay, thông qua hoạt động ủy thác thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, chất lương hoạt động công tác Hội, đoàn thể được nâng lên rõ rệt , đặc biệt tại cơ sở.
Tín dụng chính sách xã hội được triển khai đã tác động không nhỏ đời sống xã hội của hộ nghèo. Người dân cho rằng, nhờ nguồn vốn này đã cải thiện cuộc sống của họ. Khi tiếp cận được vốn, lại được giúp đỡ của các ngành các cấp, đặc biệt là hội đoàn thể, tổ tiết kiệm vốn tại địa phương thông qua hình thức này nên đã tạo nên tác động kép. Mặc dù giảm nghèo còn chậm nhưng cuộc sống của đồng bào yên ổn, thắt chặt mối đoàn kết dân tộc.
Có thể nói, Tín dụng chính sách xã hội được coi là nguồn lực tiếp sức cho vùng khó, tạo sinh kế giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt là hộ nghèo, từ đây đã góp phần không nhỏ làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn. Bởi lẽ, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội học tập, tìm kiếm việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện cuộc sống và tăng thu nhập cho gia đình
Với những phản hồi tích cực, tín dụng chính sách đã và đang phát huy vai trò của mình và trở thành một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo cơ bản và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Hương Trà/DIENBIENTV.VN