Huyện Điện Biên thực hiện hỗ trợ thiệt hại dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Năm, 26/09/2019, 07:38 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung hoàn tất các thủ tục để tiến hành hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi do dịch tả lợn Châu Phi. Địa phương bị thiệt hại lớn nhất ở tỉnh là huyện Điện Biên và huyện này cũng tiến hành sớm nhất việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, huyện cũng gặp phải những khó khăn nhất định và đang tập trung khắc phục, tháo gỡ để việc hỗ trợ được đảm bảo đúng, đủ và kịp thời.

f
Tránh trường hợp người dân bới lên để cân lại, tính lại lần nữa, ngành chức năng huyện đã cắt tai hoặc rạch bụng con lợn trước khi tiêu hủy

Hỗ trợ kịp thời nhưng phải đảm bảo đúng, đủ với tình hình thực tiễn và các quy định về chính sách. Đó là quan điểm của huyện Điện Biên trong việc triển khai hỗ trợ thiệt hại dịch tả lợn Châu Phi. Do đó, huyện đã sớm thực hiện việc thống kê, thẩm định thiệt hại song hành với quá trình giám sát dịch.

Tập trung thực hiện các thủ tục hỗ trợ

Ngay trong thời điểm dịch tả lợn Châu Phi còn lây lan mạnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên đã ban hành văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ lợn bị chết do bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo kế hoạch hỗ trợ lần một trên địa bàn huyện.

Theo đó, việc hướng dẫn được đề cập cụ thể về những chứng từ cần và đủ cho một hồ sơ hỗ trợ như: Tờ trình đề nghị hỗ trợ; biên bản tiêu hủy lợn; đơn đề nghị hỗ trợ của hộ dân; biểu tổng hợp hỗ trợ thiệt hại và tổng hợp bổ sung thêm các thông tin... Trên cơ sở đó, các xã đã tiến hành từng bước theo hướng dẫn, trong đó việc quan trọng và cần tiến hành đầu tiên phục vụ cho việc hỗ trợ thiệt hại là thống kê số lợn bị chết.

Việc thống kê được thực hiện chi tiết với từng loại lợn theo biểu mẫu được thống nhất, quy định từ Cục Thú y như: Lợn con, lợn thịt, lợn nái... Để đảm bảo việc thống kê được trung thực và không bỏ sót, huyện Điện Biên đã chỉ đạo, hướng dẫn tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch tả lợn Châu Phi của huyện và các xã những cách làm cụ thể.

Theo đó, những người tham gia thực hiện việc thống kê lợn chết đều thực hiện nghiêm túc các quy định theo hướng dẫn. Ông Lường Văn Thiện, cán bộ Thú y xã Thanh An, huyện Điện Biên cho biết: "Để thống kê chính xác số lợn bị chết do dịch tả lợn Châu Phi thì chúng tôi, trưởng thôn và Ban chỉ đạo xã triển khai, rà soát từng hộ một, rồi thống kê số đầu lợn trong từng thôn, có cân đo đàng hoàng nên không bị thiệt cho dân."

Việc thống kê số lợn phải tiêu hủy để lập danh sách hỗ trợ thiệt hại còn được giám sát bởi cơ quan chức năng từ huyện đến xã như: Thú y, tài chính... Theo đó, việc giám sát cũng được thực hiện bằng những cách riêng để việc thống kê hỗ trợ được chuẩn xác với thực tế.

"Khi có báo lợn chết thì chúng tôi trực tiếp đến tại gia đình kiểm tra, trong đó có đầy đủ các ban, đoàn thể xã rồi một số đơn vị chức năng của huyện để cùng cân đo, đong đếm. Để tiêu hủy thì chúng tôi có biện pháp là cắt tai hoặc rạch bụng con lợn trước khi chôn nhằm tránh trường hợp người dân bới lên để cân lại, tính lại lần nữa." - Ông Lê Văn Quang, Trạm Thú y huyện Điện Biên cho biết.

Sau khi hoàn tất việc thống kê, tổng hợp gửi huyện cùng với các chứng từ liên quan cần thiết khác, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Điện Biên tiến hành thẩm định và trình phê duyệt phương án hỗ trợ theo quy định.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Điện Biên cho biết: "Trên địa bàn huyện Điện Biên cũng triển khai rất linh hoạt, linh hoạt theo chính sách của tỉnh, của Trung ương. Đến thời điểm này, huyện cũng đã thẩm định và phê duyệt phương án hỗ trợ lần 1, từ tháng 3 đến 10/5 cho các hộ dân có lợn bị thiệt hại và đợt 1 này có 17/25 xã có dịch thì huyện cũng đã thẩm định, phê duyệt xong lần 1. Hiện tại đang thẩm định và phê duyệt phương án hỗ trợ lần 2 cho người dân, đảm bảo đời sống, tiếp tục ổn định sản xuất một cách nhanh nhất."

Cũng theo ông Chu Văn Bách, việc hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi ở Điện Biên được chia thành 3 đợt để đảm bảo việc hỗ trợ vừa kịp thời cho người chăn nuôi, vừa không bị dồn đắp kinh phí cùng một lúc. Ngay trong tháng 5/2019, huyện đã chỉ đạo các xã tiến hành làm các thủ tục để hỗ trợ và đến nay, các thủ tục cho cả lần 1 và 2 đã cơ bản hoàn tất.

Hiện huyện Điện Biên đã sẵn sàng kinh phí đối ứng, chờ thêm nguồn phân bổ từ Trung ương sẽ tiến hành cấp tiền cho các xã để hỗ trợ lần 1 cho các hộ chăn nuôi. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện các thủ tục cho hỗ trợ lần 3, tính từ 27/6/2019, bởi hiện nay, dịch tả lợn Châu phi vẫn xảy ra rải rác ở các xã trên địa bàn huyện.

g
Việc hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi ở huyện Điện Biên được chia thành 3 đợt

Cũng bởi huyện sớm thực hiện để kịp thời hỗ trợ cho người dân nên ban đầu, huyện đã áp dụng theo Quyết định 21 của UBND tỉnh về “Quy định mức hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh” trên địa bàn. Mức hỗ trợ theo Quyết định này là 38 nghìn đồng một kg lợn hơi.

Sau khi huyện Điện Biên hoàn tất thủ tục hỗ trợ đợt 1 theo Quyết định 21, UBND tỉnh mới ban hành Quyết định 663 về “Quy định mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi” trên địa bàn toàn tỉnh. Do đó, huyện Điện Biên lại phải tiến hành điều chỉnh, bổ sung, làm chậm tiến độ thực hiện thủ tục hỗ trợ.

Khó khăn và cách tháo gỡ

Trong quá trình thực hiện, huyện Điện Biên chủ động triển khai sớm theo Quyết định 21, nên khi có Quyết định mới của UBND tỉnh về “Quy định mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi” huyện phải mất thêm thời gian, công sức cho việc điều chỉnh, bổ sung.

"Thời gian đầu, chúng tôi hỗ trợ mức 38 nghìn đồng 1 kg. Sau khi đến 5/7 nhận được Quyết định của UBND tỉnh là có sự thay đổi về chính sách nên một số nội dung chúng tôi phải bổ sung thêm. Ví dụ, những hộ có lợn đực, lợn nái mức hỗ trợ là 57 nghìn đồng 1kg, trước là chúng tôi phê duyệt hỗ trợ mức 38 nghìn đồng 1 kg nên giờ phải bổ sung thêm để đảm bảo theo chế độ hiện hành." - Ông Chu Văn Bách cho biết thêm.

Sau khi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định xong phương án hỗ trợ thì Phòng Tài chính Kế hoạch sẽ trên cơ sở phương án đó cân đối nguồn ngân sách của huyện để hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, việc cân đối ngân sách với huyện cũng gặp phải những khó khăn do ngân sách eo hẹp. Trong khi đó, số tiền cần hỗ trợ thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi cho huyện Điện Biên theo quy định lại quá lớn.

Bà Nguyễn Thị Sơn, Trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Điện Biên cho biết: "Đến thời điểm 26/6, huyện Điện Biên thiệt hại gần 12 tỷ đồng. Qua tổng hợp như vậy cho thấy, mức kinh phí rất là lớn so với khả năng cân đối ngân sách của huyện để hỗ trợ kịp thời cho người dân. Do đó, phòng đã tham mưu phân bổ hỗ trợ trực tiếp thiệt hại lần 1 thôi. Còn kinh phí cần chi trả cho các công tác khác trong phòng chống dịch tả thì phải tham mưu cho huyện đề xuất với tỉnh, Trung ương để đảm bảo kinh phí hỗ trợ cho người dân để họ tái đàn."

Cũng theo đại diện Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Điện Biên, hiện nay, huyện mới chỉ cân đối được trên 2 tỷ 300 triệu đồng để hỗ trợ lần 1 cho người dân. Còn lần 2, lần 3 thì hiện huyện không chủ động được do mức đối ứng vượt quá khả năng của huyện. Do đó, huyện đã làm tờ trình, báo cáo, đề nghị Sở Tài Chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh để kịp thời hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi. Vì vậy, việc các hộ chăn nuôi có lợn bị thiệt hại do dịch tả Châu Phi được nhận tiền các đợt sau sớm hay muộn còn phụ thuộc vào tỉnh và Trung ương./.

 

 

Lê Dung – Ngọc Bích
 

.