Bác sĩ lý giải vì sao bé 3 tuổi bị bỏ quên 7h trên xe thoát chết
Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, cháu bé khi tới bệnh viện các chức năng sống vẫn còn, em bé vẫn còn thở, nhịp tim đập tương đối tốt, chỉ có tri giác lơ mơ.
Sáng 16/9, tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về tình trạng sức khỏe của bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, liên quan đến vấn đề sốc nhiệt và bỏ quên trên xe, trẻ em có tình trạng tăng thân nhiệt nhanh hơn người lớn. Vì vậy, khi đó, trẻ có nguy cơ bị mất nước cao. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Minh Điển, điều này còn tùy vào từng đứa trẻ và tùy theo thời điểm, thời gian trẻ ở trên xe.
Bệnh viện Nhi Trung ương họp báo thông tin về sức khỏe của cháu bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe ở Tiên Du, Bắc Ninh |
“Trường hợp này rất may mắn là em bé khi được Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận, các chức năng sống của cháu vẫn còn, em bé vẫn còn thở, nhịp tim vẫn đập tương đối tốt. Chỉ có tri giác em bé bắt đầu bị ảnh hưởng là bị lơ mơ. Như vậy là em bé chưa ở mức độ nặng nề ngay ở giai đoạn đó.”- PGS Trần Minh Điển cho biết.
PGS Điển cũng cho biết, hiện tri giác của cháu bé khá tỉnh táo, không có dấu hiệu của tổn thương thần kinh khu trú. Kết quả chụp CT sọ não cho thấy, bệnh nhân khá ổn và không có tổn thương gì. Tiên lượng sức khỏe của cháu bé khá tốt.
Cũng tại buổi họp báo, TS.BS Lê Xuân Ngọc, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương- Giảng viên quốc tế về cấp cứu nhi khoa APLS cho biết, cháu bé bị bỏ quên trên ôtô suốt 7 giờ đồng hồ đã thoát chết, được cứu sống là nhờ khâu cấp cứu ban đầu đúng, kịp thời.
Theo TS Lê Xuân Ngọc, với cơ sở y tế tuyến dưới, ngay khi tiếp xúc với nạn nhân, nếu thực hiện đúng, kịp thời những bước sơ cứu cơ bản thì không những đứa trẻ phục hồi nhanh nhất có thể mà còn tạo tiền đề thuận lợi cho việc điều trị tại những tuyến y tế trên cao hơn. “Nếu chúng ta chậm trễ 1 phút hoặc điều trị ban đầu sai thì dẫn tới 2 yếu tố, một là khả năng hồi phục của đứa trẻ không những chậm, thứ hai là nguy cơ dẫn đến biến chứng do cấp cứu sai ban đầu. Khi đó, các tuyến điều trị cấp cao hơn sẽ mất cơ hội để giúp đứa trẻ khôi phục một cách trọn vẹn nhất, tức là đứa trẻ phục hồi hoàn toàn mà không có di chứng”- TS Lê Xuân Ngọc cho biết.
Trước đó, một bé trai 3 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường mầm non tại huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Bé bị bỏ quên trên xe khoảng 7 tiếng, từ sáng đến chiều. Khi phát hiện, cháu bé được chuyển vào bệnh viện huyện, rồi chuyển lên Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Ninh cấp cứu. Sau đó, cháu bé tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương vào chiều 13/9 trong tình trạng lơ mơ, sốt cao trên 38 độ do mất nước. Trước đó, cháu bé có biểu hiện hạ đường huyết.
Sau 2 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé hiện đã tỉnh táo, tiếp xúc được với cha mẹ, tuy nhiên vẫn còn sốt nhẹ nên đang tiếp tục được điều trị tích cực.
Cũng trong sáng nay (16/9), UBND huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) đã tổ chức cuộc họp khẩn chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tập trung làm rõ và xử lý vụ việc./.
Theo Minh Khánh/VOV