Tiền lương tối thiểu, đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu?

Thứ Bảy, 12/08/2017, 16:38 [GMT+7]

 Mức tăng lương tối thiểu này liệu có đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động?

Tiền lương tối thiểu vùng năm 2018 vừa được Hội đồng tiền lương Quốc gia thảo luận, thượng lượng và chốt phương án cuối cùng, với mức tăng 6,5%.

Với mức này, trong năm tới, tiền lương tối thiểu của người lao động sẽ tăng thêm nhiều nhất là 230.000 đồng/người/tháng đối với vùng 1 và mức tăng thấp nhất là 180.000 đồng/người/tháng, đối với vùng 4.
 

1
Tiền lương tối thiểu vùng năm 2018, mức tăng 6,5%.


Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là mức tăng lương tối thiểu này liệu có đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội- Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia về nội dung này.  

PV: Thưa ông, trước hết xin ông cho biết dựa vào cơ chế hay yếu tố nào mà Hội đồng tiền lương Quốc gia năm nào cũng họp bàn về tiền lương tối thiểu vùng?

Ông Doãn Mậu Diệp: Năm nào cũng có câu chuyện là Hội đồng tiền lương Quốc gia phải họp để thương lượng, thảo luận và đề xuất phương án tăng tiền lương tối thiểu vùng, với sự tham gia của 3 bên là đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động cũng như đại diện cơ quan của Chính phủ; thảo luận, thương lượng về phương án tối thiểu hoàn toàn vận hành đúng theo cơ chế thị trường.

Tiền lương tối thiểu không phải do Chính phủ ấn định được. Theo Công ước 131 của Tổ chức Lao động quốc tế, thì hàng năm Chính phủ sẽ quyết định mức tăng lương tối thiểu, dựa trên sự tham vấn đối với đại diện của người lao động và đại diện của người sử dụng lao động. Hầu như các nước đều vận hành theo cơ chế này.

Chẳng hạn Nhật Bản và Hàn Quốc năm nào tháng 3 cũng là tháng bắt đầu đối thoại tăng tiền lương tối thiểu. Hội đồng tiền lương Quốc gia ghi nhận hai bên phía đại diện của người sử dụng lao động và đại diện người lao động bước vào các phiên họp của Hội đồng tiền lương Quốc gia với thái độ thiện chí, trên tinh thần xây dựng, cân nhắc nhiều mặt.

Từ tiền lương tối thiểu cố gắng để đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, cân nhắc đến việc tăng trưởng của nền kinh tế, cân nhắc đến tình hình mức độ tăng của năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp, rồi mong muốn các doanh nghiệp của chúng ta ngày càng mạnh hơn, có tích lũy, có đầu tư, có cải thiện công nghệ. Từ đó có thể tạo ra năng suất lao động cao hơn và trong tương lai lâu dài có thể tăng tiền lương tối thiểu nhiều hơn cho người lao động.

PV: Vâng, nhưng có ý kiến cho rằng, năm nào tiền lương tối thiểu cũng được bàn và có tăng, nhưng mức tăng thực tế của người lao động lại không đáng bao nhiêu. Vậy việc tăng này có thực chất không, thưa ông?

Ông Doãn Mậu Diệp: Mức tăng không nhiều, nhưng quả thực chúng tôi thấy mức tăng cũng là đáng kể, không phải là không thực chất.

Theo phương án hàng năm mà Hội đồng tiền lương Quốc gia đề xuất, mức lương tăng tối thiểu ít nhất khoảng 180.000 đồng/tháng đối với vùng 4 và tăng nhiều nhất ở vùng 1 khoảng 230.000 đồng/tháng. Đấy là tiền lương tối thiểu.

Dựa trên thang lương, bảng lương mà doanh nghiệp xây dựng để mà trả lương cho người lao động. Không phải người lao động chỉ tăng mỗi mức tăng của tiền lương tối thiểu, và tăng như vậy là thực chất. Hiện nay người lao động nhận được khá nhiều khoản chi từ phía doanh nghiệp. Ví dụ tiền lương, tiền thưởng, tiền phúc lợi, tiền chuyên cần. Tức là tiền lương – tiền thực chất trả cho người lao động có rất nhiều khoản. Và vì thế mà tiền lương đóng vào bảo hiểm xã hội như Tổng liên đoàn lao động đã nói: Nếu chỉ dựa trên tiền lương mà nhận thôi thì không phản ánh được hết các khoản mà người lao động được nhận, mà phải đóng bảo hiểm xã hội để lo khi về già.

Vì thế, Hội đồng tiên lương Quốc gia cho rằng, với việc thương lượng, thỏa thuận và đưa ra kiến nghị Chính phủ mức tăng lương tối thiểu thực sự là có cải thiện thu nhập của người lao động; đồng thời đưa dần tiền lương vào đúng quỹ đạo là tiền của doanh nghiệp trả cho người lao động vì những cống hiến của người lao động đối với doanh nghiệp.

PV: Thưa ông, tăng lương tối thiểu nhằm đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Song dường như rất khó để xác định thế nào là mức sống tối thiểu. Vậy đến nay chúng ta đã có kết quả điều tra nào về mức sống tối thiểu của người lao động chưa, thưa ông?

Ông Doãn Mậu Diệp: Mức sống tối thiểu là khái niệm có lẽ tất cả các quốc gia trên thế giới đều thống nhất phương pháp tính toán nó bao gồm những nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm và nhu cầu tối thiểu về phi lương thực, thực phẩm như: Ăn, ở, học hành, vui chơi, giải trí, chữa bệnh và các nhu cầu khác không thuộc về nhu cầu lương thực, thực phẩm.

Nhu cầu lương thực, thực phẩm dựa trên rổ hàng hóa, những thực phẩm thiết yếu, mức giá tính toán làm sao để đảm bảo lượng calo tiêu thụ được, đảm bảo có thể tái tạo lại được sức lao động.

Trong bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia có chuyên gia đến từ Tổng cục Thống kê, chuyên gia đến từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia – nơi tính toán các rổ hàng hóa cùng với mức chi phí. Giá cả thì tính toán xem nhu cầu về lương thực thực phẩm là bao nhiêu, nhu cầu về phi lương thực thực phẩm là chừng nào.

Thực chất là cả phía người sử dụng lao động và người lao động đều có hình dung mức sống tối thiểu là bao nhiêu, chứ không phải là không xác định được. Chẳng hạn như mức tăng tiền lương tối thiểu là 6,5% thì cả hai phía người lao động và người sử dụng lao động đều cho rằng ở từng vùng đều đáp ứng được từ 92% đến 96% nhu cầu sống tối thiểu.

Như vậy việc nói rằng không có căn cứ xác định được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động thì dường như cũng chưa hẳn đã là đúng. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã xác định được mức sống tối thiểu. VCCI- đại diện cho người sử dụng lao động cũng tính toán được mức sống tối thiểu của người lao động là tiền lương này chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông./.

 

Thep VOV

.