Những điều thú vị về 5 nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam
Những thành tựu nghiên cứu mà các nhà khoa học đã gặt hái được và đang tiếp tục nghiên cứu sẽ phục vụ thiết thực vào đời sống kinh tế-xã hội.
Năm nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam năm 2016 vừa được vinh danh nhận Giải thưởng Khoa học L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học.
VOV.VN xin giới thiệu những thành tựu nghiên cứu mà các nhà khoa học đã gặt hái được và đang tiếp tục nghiên cứu để phục vụ thiết thực vào đời sống kinh tế-xã hội.
Nhà khoa học gắn với các loại giống lúa cho năng suất cao
Hơn 25 năm tham gia công tác nghiên cứu khoa học, GS.TS Nguyễn Thị Lang, Trưởng phòng Công nghệ sinh học, ĐH An Giang và ĐH Cửu Long đã tạo ra hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia.
Nhà khoa học Nguyễn Thị Lang |
GS.TS Nguyễn Thị Lang đã có hơn 110 bài báo khoa học trong nước và quốc tế, xuất bản 21 sách khoa học chuyên ngành, chủ trì 93 đề tài trong đó có 29 đề tài quốc tế và 6 đề tài cấp Nhà nước. Hơn 43 công trình nghiên cứu của giáo sư đã mang đến giải pháp và ứng dụng thực tiễn cho sản xuất và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Từ năm 2011 đến 2015, đã có 334 công trình khoa học được công bố với 59 hội thảo khoa học quốc tế được tiến hành.
Trong kế hoạch 2016 - 2020, GS.TS Nguyễn Thị Lang đang tiếp tục hoàn chỉnh các đề tài có liên quan đến nghiên cứu chọn giống xuất khẩu cho Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện nghiên cứu ứng dụng marker phân tử chọn giống kháng khô hạn, chống chịu mặn kết hợp khô hạn, ngập kết hợp với mặn, kháng rầy nâu và bệnh và hoàn chỉnh 5 bản đồ gen mới với 4 nghiên cứu sinh đang hướng dẫn.
Các nghiên cứu chế tạo mẫu vật liệu chịu nhiệt
TS. Nguyễn Thị Mùa, Phó Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học - công nghệ và kiểm định phương tiện phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an được Hội đồng Khoa học bình chọn qua nghiên cứu về chế tạo vải chịu nhiệt có chứa Neoprence (Ne) dùng trong công tác Phòng cháy chữa cháy. Đây là tiền đề cho việc nghiên cứu sản xuất quần áo chữa cháy cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy trong cả nước.
Nhà khoa học Nguyễn Thị Mùa |
TS. Nguyễn Thị Mùa đã công bố tổng cộng 31 công trình khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước, bên cạnh đó Tiến sĩ Mùa cũng xuất bản 2 sách chuyên khảo được sử dụng trong giảng dạy hệ Đại học của trường Đại học Phòng Cháy Chữa Cháy.
Các kết quả nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Mùa đã được ứng dụng trong chế tạo thành công mẫu vật liệu chịu nhiệt chứa Ne với các thông số đạt tiêu chuẩn Việt Nam và nước ngoài như độ bền nhiệt đến 554oC, độ bền cơ học >20kN/m và thời gian chịu nhiệt 15 phút.
Nhà khoa học với ước mơ công trình sẽ hỗ trợ điều trị bệnh ung thư
PGS.TS Đỗ Thị Hà, Phó trưởng khoa Hóa thực vật, Viện Dược liệu được biết đến với những phát hiện mới về nguồn dược liệu có nguồn gốc Việt Nam – thân rễ của cây bảy lá một hoa. Loại dược liệu này trên thực tế đã được sử dụng trong dân gian từ khá lâu trong nỗ lực ức chế tế bào ung thư trên người.
Tuy nhiên, chưa có các nghiên cứu khoa học chính thức về nguồn dược liệu tiềm năng ở vùng núi Tây Bắc này.
Nhà khoa học Đỗ Thị Hà |
Những phát hiện mới trong nghiên cứu của PGS. TS. Đỗ Thị Hà sẽ giúp nhận diện cấu trúc của hợp chất chính trong thân rễ của nguồn dược liệu từ cây thân bảy lá một hoa thông qua phương pháp phổ hiện đại.
Từ đó giúp xây dựng cấu trúc của hoạt chất chính và đánh giá tác dụng sinh học trên các loại ung thư là ung thư gan, ung thư vú, ung thư biểu mô… Điều này cũng sàng lọc để tìm ra hoạt chất chính cho nghiên cứu sâu về cơ chế nhằm xây dựng quy trình chiết xuất cao về hợp chất tiềm năng, phát triển phương pháp định lượng để phát triển thành sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư cho tương lai.
Nghiên cứu hiện tượng methyl hóa microARN164 ở cây lúa
TS Đỗ Thị Phúc, Giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội được biết đến với đề tài Nghiên cứu hiện tượng methyl hóa microARN164 ở cây lúa trong điều kiện mặn với mục tiêu nhằm tăng cường khả năng chịu mặn ở cây trồng.
Nhà khoa học Đỗ Thị Phúc |
Với nền tảng lúa là cây lương thực chủ lực, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam, năng suất lúa gạo và diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đất nhiễm mặn, và mức độ ảnh hưởng đã, đang và sẽ càng nặng nề hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu toàn cầu nên nghiên cứu của TS. Đỗ Thị Phúc sẽ đóng góp quan trọng cho việc chọn ra giống lúa có khả năng chịu mặn cao đáp ứng cho nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống.
Nghiên cứu của TS. Đỗ Thị Phúc sẽ giúp mang đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về mối liên quan giữa sự methyl hóa ADN và miARN đáp ứng được các điều kiện bất lợi của môi trường qua việc nghiên cứu ảnh hưởng của điều kiện mặn đến sự methyl hóa và mức độ biểu hiện của gen Osa- miARN164 ở các giống lúa khác nhau, khả năng điều hòa biểu hiện gen Osa-miARN164 đáp ứng điều kiện mặn thông qua sự methyl hóa ở các giống lúa nghiên cứu.
Phát hiện mới của loại vật liệu Titanium trong ngành nha khoa phục hồi
TS. Nguyễn Thị Hiệp, Giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Y Sinh, Đại học Quốc Tế - Đại học Quốc gia TP HCM là nhà khoa học trẻ được Hội đồng Khoa học đánh giá là có năng lực cao, khả năng nghiên cứu tốt, có tâm huyết với nghiên cứu khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế vật liệu sinh học.
Nhà khoa học Nguyễn Thị Hiệp |
Hiện nay, titanium (Ti) implant trong xương dạng chân đang là sự lựa chọn tốt nhất trong nha khoa phục hồi, tuy nhiên, giới hạn mà Titanium implant chưa khắc phục được chính là khả năng tạo một tương tác tốt giữa gingival tissue vào abutment và khả năng bám dính kém mang lại rất nhiều rủi ro trong quá trình phục hồi và tái tạo mô, bên cạnh đó là rủi ro lớn về quy trình đào thải Titanium implant sau thời gian cấy. Vì thế, biến tính bề mặt Titanium là một thách thức cho các nhà khoa học hiện nay.
Nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Hiệp tập trung vào phương pháp điện hóa để điều chỉnh lực bám, bề dày và độ phân rã. Từ đó, khảo sát ảnh hưởng của 3 yếu tố này lên sự phát triển và sự phân bố hai loại tế bào fibroblast và mesenchymal stem cells.
Công trình nghiên cứu sẽ giúp mang đến các hiểu biết mới trong nỗ lực cải tiến bề mặt của Titanium implant nhằm khắc phục đặc điểm trơ về mặt sinh học này, để tăng tốc và tối ưu hoá sự tích hợp mô nhằm đáp ứng lực nhai ở giai đoạn sớm sau khi cấy ghép implant./.
Theo VOV