Đổi giấy phép lái xe: Bộ GTVT sửa Thông tư 58 để "chữa cháy"

Thứ Năm, 01/12/2016, 14:51 [GMT+7]

Bộ GTVT cho biết, sẽ sửa đổi Thông tư 58 theo hướng không bắt buộc phải đổi GPLX, các GPLX ôtô hết hạn mới phải đổi sang bằng PET.
 
Bộ GTVT sẽ “gọt chân cho vừa giầy”

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi giấy phép lái xe (GPLX) sang vật liệu PET của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Tư pháp vừa có văn bản “tuýt còi” vì cho rằng văn bản này không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp. Đại diện lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ sẽ sửa đổi Thông tư 58 theo hướng không bắt buộc phải đổi GPLX, các giấy phép lái xe ô tô hết hạn mới phải đổi sang bằng PET.

1
Người dân đang nháo nhào đi đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu PET gây quá tải tại nhiều nơi. Ảnh minh họa


Cụ thể, Điều 57 của Thông tư 58/2015/TT-BGTVT quy định GPLX bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET theo lộ trình như sau: GPLX ô tô và GPLX hạng A4 trước ngày 31/12/2016; GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) phải trước ngày 31/12/2020. Sau sáu tháng theo lộ trình chuyển đổi này mà người có bằng lái xe bằng giấy bìa không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại.

Là đơn vị quản lý trực tiếp việc đổi GPLX, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đã tiếp thu và sửa đổi Thông tư 58 theo hướng bãi bỏ chế tài quy định buộc sát hạch lại lý thuyết đối với những người không đi đổi GPLX sang thẻ PET theo lộ trình. Thông thư 58 sửa đổi đã được trình lên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và ban hành trong tháng 12 này.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Huyện, đến ngày 31/8 vừa qua, theo thống kê, cả nước đã đổi được xấp xỉ 5 triệu GPLX ôtô sang vật liệu PET, trong tổng số 5,3 triệu GPLX ô tô, Như vậy, chỉ còn khoảng 300.000 bằng lái ôtô và lộ trình hết 31/12/2016 cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước là khả thi. Hiện nay, tại các địa phương, hầu hết người dân đi đổi bằng lái xe máy.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, Bộ sẽ sửa đổi Thông tư 58 theo hướng không bắt buộc, các bằng lái ôtô hết hạn mới phải đổi sang bằng PET. Với GPLX máy (không quy định thời hạn), không bắt buộc đổi, những ai mất bằng hoặc có nhu cầu chuyển sang bằng PET thì thực hiện.

Đề cập đến việc Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện Bộ GTVT chưa xem xét trách nhiệm liên quan.

“Chủ trương đổi GPLX sang bằng vật liệu PET xuất phát từ thực trạng bằng lái xe giả rất nhiều, đổi bằng là hợp lý để quản lý, ngăn ngừa bằng giả. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GTVT không thu phí cấp đổi nhưng Tổng cục Đường bộ cho rằng nếu không thu phí thì chi phí đổi bằng quá lớn, ngân sách không đáp ứng được nên Thông tư 58 cho phép thu phí.”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Nháo nhào vì thông tư không rõ ràng

Mới đây, nhiều người thông tin với nhau về việc Bộ GTVT vừa ban hành một quy định trong đó yêu cầu người có bằng lái (GPLX) phải đổi sang vật liệu PET trước 31/12/2016, nếu không sẽ phải thi lại phần lý thuyết và bị phạt khi cơ quan chức năng kiểm tra.

1
Cảnh người dân xếp hàng chờ đổi GPLX tại Sở GTVT Hà Nội. Ảnh Công an Nhân dân


Thông tin này khiến người dân đổ xô đi đổi bằng tạo ra cảnh tượng tắc nghẽn ở nhiều trụ sở GTVT. Tại Hà Nội, hàng trăm người xếp thành hàng dài, chật như nêm cối để chờ tới lượt mình, phần lớn là đến để đổi giấp phép lái xe (GPLX) mô tô hạng A1 từ giấy sang vật liệt PET.

Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý phương tiện đường bộ, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, tại 3 điểm cấp đổi bằng lái xe của Sở này đang rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng, trung bình có khoảng 1.500 người đến đổi giấy phép lái xe mỗi ngày, trong khi những tháng đầu năm là 600-800 người.

Cụ thể, đến ngày 20/11 vừa qua, Sở đã cấp 42.000 GPLX, trong đó 27.000 bằng xe máy, cùng với khoảng 2.500 GPLX cấp đổi qua mạng mỗi tháng.

“Từ 5 giờ sáng, tại các điểm đổi bằng lái, người dân xếp hàng rất đông. Cán bộ, nhân viên xử lý hồ sơ cũng rất áp lực. Máy móc và con người đều làm việc hết công suất,” ông Nghĩa cho biết./.

 

Theo VOV
 

.