Mào Ết - Cha đẻ của những cây đàn tính tẩu
Điện Biên TV - Khi nhắc tới đàn tính tẩu trên mảnh đất Điện Biên, người ta sẽ nghĩ ngay tới nghệ nhân Mào Văn Ết - người có thâm niên chế tác đàn tính tẩu giỏi có tiếng ở vùng Tây Bắc. Với hơn nửa thế kỷ gắn bó với cây đàn tính, ông đã chế tác hàng nghìn cây đàn và đã cải tiến thành công cây đàn tính cổ truyền.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Mào Văn Ết cho biết: Cơ duyên của ông với đàn tính tẩu được chuyển sang một trang mới khi ông được cố nhạc sĩ Tạ Thâm - nguyên Trưởng khoa Âm nhạc, Trường Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc mời về để khai thác kỹ thuật chế tác và đánh đàn truyền thống để cải tiến nâng cao cây đàn dân gian.
Ông đã cùng với nhạc sĩ Tạ Thâm cải tiến thành công bộ tính gồm tính cao, tính trung, tính đại, đàn đẹp hơn, bền hơn, âm sắc đảm bảo hơn. Trải qua thời gian cùng thầy Tạ Thâm cũng là lúc nghệ nhân Mào Ết học nhuần nhuyễn kỹ thuật chế tác theo tiêu chuẩn lý tính và vật lý âm thanh.
Một nét đặc trưng trong cây tính tẩu mà nghệ nhân Mào Văn Ết làm ra, đó là ông đã đưa biểu tượng 3 hình trái tim vào cây đàn. Theo như ông, đó là biểu tượng của tình yêu mà ông lấy ra từ truyền thuyết về cây đàn tính tẩu.
Nghệ nhân Mào Văn Ết rất tâm huyết với việc chế tác đàn tính tẩu nhằm bảo tồn một nhạc cụ độc đáo của người Thái trắng Tây Bắc. |
Chế tác đàn tính đòi hỏi người thợ phải kiên trì, có đôi bàn tay khéo và hiểu biết về đàn tính, quan trọng nhất phải tìm được bầu đàn tốt. Nhìn tuy đơn giản nhưng để làm ra chiếc đàn tính cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Có một điều đặc biệt là người làm nhạc cụ không chỉ là một người thợ thông thường mà còn phải là nghệ sĩ để họ có thể nghe được âm thanh, thử dây, chỉnh đàn, chọn gỗ cho phù hợp mới tạo ra được một nhạc cụ hoàn chỉnh.
“Chất lượng cây đàn phải là quả bầu, quả bầu quan trong nhất là cái tai của người sản xuất, nó dày quá là phải khử nó đi, non quá thì phải xử lý như thế nào. Cán của nó thì cũng là gỗ rừng thôi nhưng phải biết chọn để không cong, không vênh; chọn gỗ mịn như gỗ dổi, dỗi mỡ chứ dổi găng không làm được vì nó cứng quá và nặng. Nhẹ, xốp, không cong vênh, đó là yêu cầu, còn mặt gỗ thì yêu cầu mỏng.” - nghệ nhân Mào Ết chia sẻ.
Đàn tính tẩu có loại 2 dây, có loại 3 dây, có thể độc tấu, đệm cho hát, múa và hòa tấu cùng các loại nhạc cụ dân tộc thuộc bộ hơi, như: sáo trúc, sáo bầu, đàn nhị, pí pặp. Cây đàn tính tẩu của người Thái trắng vùng Tây Bắc có điểm khác với cây đàn tính tẩu của các dân tộc Tày, Nùng vùng Ðông Bắc, bởi đàn tính tẩu của người Thái trắng Tây Bắc có mỏ đàn được cách điệu thành hình chiếc đuôi con gà trống. Tổng thể hài hòa hình dáng cây đàn tính tẩu của người Thái vùng Tây Bắc là biểu tượng của con gà trống.
Diễn tấu đàn tính trong một tiết mục văn nghệ. |
Đối với mỗi người con của dân tộc Thái, tính tẩu là nhạc cụ chính dùng để đệm hát trên giai điệu múa, các chàng trai người dân tộc Thái vừa đàn tính tẩu, vừa múa bằng loại nhạc cụ này, khi đệm hát tính tẩu thường trên giai điệu của lời ca. Tiếng đàn tính có một sức sống mãnh liệt đã mang hồn núi, hồn rừng, chắp gió thành lời yêu thương gửi tới mọi người và là chất keo kết dính mọi người lại với nhau.
Còn riêng với bản thân ông Mào Văn Ết một người con của dân tộc Thái, được sinh ra trong chính cái nôi của văn hóa dân tộc mình nên ông ý thức rất sâu sắc được việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Ngoài việc chế tác những cây đàn tính, ông còn tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương và tích cực truyền dạy cách làm và chơi đàn tính cho những người yêu thích.
Gần cả cuộc đời gắn bó với đàn tính, với ông đàn tính không chỉ là một nhạc cụ mà đó là những đứa con tinh thần. Khi chế tác ông tỉ mẩn, cẩn thận từng chi tiết, để cây đàn tính tẩu đạt được chuẩn mực. Với suy nghĩ còn sức khỏe, còn cống hiến, ông Mào Văn Ết vẫn từng ngày cần mẫn, miệt mài bên cây đàn tính bằng sự say mê, lòng nhiệt huyết cặm cụi so từng dây, từng phím gửi gắm tình yêu nghề vào từng sảm phẩm mà ông đã chế tác góp phần quan trọng vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc trên các điệu múa, điệu hát và trên những chiếc đàn tính tẩu./.
Tuấn Trung - Tiến Dũng/DIENBIENTV.VN