Triển khai chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030

Thứ Ba, 21/12/2021, 07:26 [GMT+7]

Điện Biên TV - "Triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030: Chủ động thích ứng, góp phần lan tỏa giá trị và quảng bá sản phẩm Việt Nam" là nội dung của Hội nghị trực tuyến được Bộ Ngoại giao tổ chức vào chiều 20/12 với sự tham gia của 200 điểm cầu trên cả nước và tại các quốc gia trên thế giới.

Đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

G
Điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa theo Quyết định số 208/QĐ -TTg của Thủ Tướng Chính phủ giai đoạn 2011-2020, công tác ngoại giao văn hóa được triển khai sâu rộng ở nhiều cấp độ, cả trong và ngoài nước.

Một trong những trọng tâm công tác của đối ngoại, ngoại giao văn hóa là đã bám sát các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng về đối ngoại và phát triển văn hóa; gắn kết với các chiến lược ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; linh hoạt thích ứng với tình hình mới; thu hút nguồn lực phục vụ phát triển bền vững đất nước và góp phần nâng cao vị thế, uy tín và sức mạnh mềm quốc gia.

Cùng với đó, ngoại giao văn hóa đã góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới. Đồng thời, đẩy mạnh tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần làm giàu có hơn văn hóa dân tộc, đóng góp vào nhiệm vụ “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg sẽ tập trung thực hiện 5 mục tiêu cơ bản về: Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ, lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức khu vực và quốc tế; hội nhập một cách chủ động, sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; vận động mới, bảo vệ và phát huy các di sản, danh hiệu Việt Nam đã được quốc tế công nhận để vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống vừa tạo thêm nguồn lực để các địa phương phát triển nhanh, bền vững…

Tại hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến vào các nội dung xoay quanh công tác triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 - chủ động thích ứng trong tình hình mới;  Ngoại giao văn hóa góp phần lan tỏa giá trị và quảng bá sản phẩm Việt Nam: Lấy địa phương, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; công tác hỗ trợ địa phương trong lan tỏa giá trị và quảng bá sản phẩm địa phương...                                                                   

 

 

Phương Dung - Đức Bình/DIENBIENTV.VN
 

.