Độc đáo nhà sàn mái đá của người Thái Mường Lay
Điện Biên TV - Những ngôi nhà sàn truyền thống mái lợp bằng đá màu nâu, đen, loại đá đặc trưng tại các khu vực ven sông Đà đã tạo nên những công trình kiến trúc độc đáo của người Thái trắng tại thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Đây là một nét đẹp văn hóa, nét đẹp kiến trúc truyền thống được cộng đồng người Thái nơi đây giữ gìn và bảo tồn bao đời nay.
Những nếp nhà sàn mái đá bên dòng sông Đà tại thị xã Mường Lay. |
Đưa chúng tôi đi tham quan ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình, ông Khoàng Văn Đón ở bản Hốc, phường Na Lay, thị xã Mường Lay cho biết: Sở hữu căn nhà sàn truyền thống của người Thái trắng là một điều tự hào của mọi thành viên trong gia đình cũng như những gia đình người Thái trắng nơi đây.
Mái của căn nhà sàn gia đình ông sử dụng hơn 4.000 viên đá để lợp. Số lượng đá này đã sử dụng từ hàng chục năm trước do cha ông để lại. Sau khi di dân nhường đất cho lòng hồ thủy điện đến địa điểm mới này, ông vẫn dùng số đá này.
Để nâng đỡ được mái đá nặng cả mấy tấn, cấu trúc căn nhà sàn kết cấu bằng hàng chục cây gỗ to cả người ôm với hệ thống hoành, xà, kèo, cột, giằng, bệ đỡ…tạo nên một chỉnh thế chắc chắn, vững chãi, bề thế.
Hệ thống mái nhà sàn cũng đòi hỏi phải tính toán về độ dốc để các viên ngói hàng trên và hàng dưới đè lên nhau kiểu so le với một diện tích nhỏ nhất, tiết kiệm diện tích nhất vừa để đảm bảo không được vênh, mất tính thẩm mỹ, lại vừa không tạo ra kẽ hở để tránh mưa, nắng, gió hắt, lùa vào nhà.
Công đoạn khai thác và gia công đá đen. |
Những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Thái, ngành Thái trắng ở thị xã Mường Lay hầu hết được lợp bằng đá. Đây là loại đá đặc biệt được lấy từ các vỉa đá trên núi hoặc từ các sông suối, có cấu tạo thành nhiều lớp, khi mới khai thác đá khá mềm và dẻo nên dễ dàng xẻ ra thành lớp mỏng và cắt gọt thành hình thù như ý.
Những phiến đá trước khi sử dụng lợp mái sẽ được cắt thành hình vuông, theo một kích thước nhất định, thường là 20x20cm, hoặc 30x30cm. Hai đỉnh hình vuông chéo nhau phải cắt đi để có thể ghép mí lên nhau, một đỉnh được đục lỗ nhỏ.
Cách lợp nhà mái đá của người Thái trắng Mường Lay. |
Khi lợp, người ta sẽ xuyên thép qua lỗ rồi buộc vào xà. Để lợp đủ mái cho một ngôi nhà sàn gỗ 5 gian như vậy, sẽ phải cần đến ít nhất 4.000 viên đá xếp chéo, so le nhau như hình vảy cá. Ngoài việc tính toán kỹ lưỡng để tránh các yếu tố về thời tiết và tạo tính thẩm mỹ, thì xếp đá như vậy cũng bắt nguồn từ cuộc sống gắn liền với sông nước của người dân nơi đây. Theo ý nghĩa tâm linh, nó còn tượng trưng cho vị thần cá, che chở và mang lại sự no ấm. Qua nhiều đời, cách lợp mái này vẫn được người Thái trắng nơi đây gìn giữ và trở thành nét văn hóa đặc trưng khác biệt với văn hóa Thái ở các vùng miền khác.
Cũng không ai biết chính xác văn hóa làm nhà sàn lợp đá có từ khi nào, nhưng từ rất lâu rồi người ta vẫn yêu thích dùng loại đá này để lợp nhà vì nó vừa đem lại sự chắc chắn cho ngôi nhà và vừa tạo ra một không gian mát và thân thiện. Ngoài những ưu điểm tự nhiên như cách nhiệt, bền đẹp theo thời gian, việc sử dụng đá đen để lợp mái còn thể hiện tinh hoa trong nghệ thuật kiến trúc của cộng đồng người Thái trắng nơi đây, lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa truyền thống, tiêu biểu của người Thái trắng Mường Lay./.
Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN