Lung linh điệu xòe Tây Bắc

Chủ Nhật, 11/08/2019, 15:45 [GMT+7]

Điện Biên TV - Với những động tác đơn giản mà mềm mại, uyển chuyển, múa xòe dân tộc Thái là những điệu múa mang tính chất cộng đồng. Tính chất cộng đồng khiến các điệu múa này có sức cuốn hút và lan tỏa mạnh mẽ. Múa xòe cũng là nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Thái Tây Bắc. 

1
Múa xòe là nét sinh hoạt có từ ngàn đời trong cộng đồng người dân tộc Thái

Mềm mại, uyển chuyển và có sức thu hút lớn đối với cộng đồng là những điệu xòe của đồng bào Thái. Là những điệu múa tập thể, múa xòe thường được biểu diễn trong những ngày hội vui hoặc trong lễ mừng nhà mới, mừng cơm mới. Đến với những đêm hội bản mường của người Thái Điện Biên, được hòa mình cùng những điệu xòe mê say, bạn sẽ thấy lòng mình thêm rộng mở.

Múa xòe là nét sinh hoạt có từ ngàn đời trong cộng đồng người dân tộc Thái. Các động tác xòe rất đơn giản, thường giống như những động tác lao động hoặc sinh hoạt hàng ngày. Có điệu xòe không giới hạn người tham gia, càng đông càng vui, càng đông càng gây hưng phấn.

Có điệu xòe người múa kết thành từng tốp với những động tác đầy gắn kết. Sau này khi sưu tầm, nghiên cứu về các điệu xòe Thái cổ, các nghệ nhân ghi chép lại được 6 điệu xòe khác nhau: Điệu nâng khăn mời rượu, điệu xòe bổ bốn, xòe tung khăn, xòe tiến – lùi, xòe cầm tay nhau và xòe vòng tròn vỗ tay. Ngày nay đồng bào Thái ở Điện Biên vẫn còn giữ phong tục múa xòe trong ngày hội vui, nhưng phần lớn chỉ sử dụng điệu múa cầm tay nhau cùng xòe. Đây là điệu múa vừa đơn giản, vừa có tính cộng đồng cao và không giới hạn số người tham gia.

Để bảo tồn 6 điệu xòe cổ dân tộc Thái, tháng 7/2019 vừa qua, lần đầu tiên Trung tâm văn hóa tỉnh Điện Biên phối hợp với Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên, tổ chức lớp tập huấn, trao truyền 6 điệu xòe cổ này. Bà Vương Thị Lướt, một trong những nghệ nhân tham gia sưu tầm và phục dựng các điệu xòe Thái cổ cho biết, không chỉ khác nhau về động tác biểu diễn, 6 điệu xòe Thái còn mang những ý nghĩa tinh thần khác nhau.

6 điệu xòe cổ dân tộc Thái có từ lâu đời. Từ hồi còn nhỏ tôi cũng thấy các ông, các bà thường múa xòe vào ngày lễ, ngày Tết, không phân biệt già trẻ, gái trai. Từ 6 điệu xòe cổ này còn biến hóa ra 36 động tác. Xưa múa theo trống, không có nhạc như bây giờ.

Động tác “khắp mứ căn” là nắm tay nhau cùng xòe. Động tác vỗ tay là lời mời mở tấm lòng, mời cả cộng đồng cùng đến múa xòe với mình. Động tác chào hỏi là động tác dang ngang. Động tác dang ngang, hất chân là động tác tung khăn. Kết thúc là động tác tất cả cầm tay nhau cùng hú, hú vui và hú để gọi hồn mình về nhà, không mãi lạc vào điệu múa.

1
Mỗi khi nhạc xòe vang lên, bất cứ ai đến với ngày hội bản cũng được mời tham gia vòng xòe

Không gian càng rộng thì càng có thể tạo ra nhiều vòng xòe lớn, nhỏ. Váy đen, áo cóm thướt tha cùng những đạo cụ đơn giản và quen thuộc của các cô gái thái là khăn piêu, quạt màu được sử dụng trọng điệu múa, tạo nên những hình ảnh lung linh, gây xúc động.

Điệu xòe tung khăn với động tác chân bước theo nhạc, hai tay cầm hai đầu piêu vung lên cao, được cho là điệu múa của những phụ nữ Thái làm nghề trồng bông dệt vải. Họ múa tung khăn thể hiện niềm vui trước thành quả lao động của mình. Đây là điệu múa mềm mại, uyển chuyển, vừa thể hiện vẻ đẹp dịu dàng của người con gái Thái, vừa cho thấy niềm tự hào của họ về nghề dệt truyền thống, thể hiện qua điệu múa khoe những nét hoa văn tinh tế trên chiếc piêu hoa truyền thống.

Điệu xòe nâng khăn mời rượu với động tác chân nhún nhẩy theo điệu nhạc, hai tay nâng ngang trước ngực đung đưa theo nhịp chân bước, là điệu xòe thể hiện lòng hiếu khách của người Thái Tây Bắc. Mỗi khi khách đến nhà, đồng bào Thái đều đón tiếp rất trân trọng. Nâng chén rượu mời khách thể hiện tấm lòng của gia chủ với bạn bè thân quen, là nét văn hóa ứng xử được đồng bào rất coi trọng. Phong tục lâu đời này đã được đồng bào Thái đưa vào nghệ thuật múa một cách vô cùng tinh tế và nhuần nhuyễn.

Điệu xoè bổ bốn với từng tốp 4 người đan chặt tay nhau, khi bước chân lên, khi bước xuống, khi áp sát nhau, khi lại lần lượt tách ra, thể hiện sự gắn kết của các cá nhân trong cộng đồng. Cuộc sống có khi đẩy mỗi người đi xa làng bản, xa những người thân quen, nhưng bởi có tấm lòng, có tình cảm gắn bó với quê hương, với cộng đồng, dù có đi bốn phương trời, người ta cũng không bao giờ quên nguồn cội.

Xòe tiến – lùi, mọi người trong vòng xòe một người bước tiến, một người bước lùi, tay cầm khăn tung cao như điệu xoè nâng khăn. Điệu xòe này mang ý nghĩa: cuộc sống có lúc vui, lúc buồn, cũng lắm khi sóng gió, gian nan, nhưng tấm lòng son sắt của những người trong cuộc cùng nhau hướng tới, cùng nhau xây dựng, sẽ giúp họ vượt qua muôn ngàn sóng gió.

Cầm tay nhau cùng xòe luôn là điệu xòe thu hút đông đảo người tham gia nhất. Người ta đốt lửa lên, những người tham gia xòe có thể xếp thành một hoặc nhiều vòng tròn xung quanh đống lửa cùng nắm tay nhau vui múa. Những bàn chân khi bước tiến, khi bước lùi, tay nắm tay đưa lên cao theo nhịp bước. Đây được cho là điệu xòe thể hiện niềm vui của cộng đồng, được hình thành từ rất xa xưa khi con người còn sống đời sống săn bắn, hái lượm trong tự nhiên.

Bắt được con thú hay khi có việc vui, mọi người đều nắm tay nhau nhảy quanh đống lửa. Nắm tay nhau cùng xòe, thể hiện sâu sắc tinh thần đoàn kết trong cộng đồng người Thái. Ngày nay điệu xòe này cũng được dùng như điệu xòe thể hiện tinh thần đại đoàn kết giữa cộng đồng người Thái với các dân tộc anh em.

Mỗi khi nhạc xòe vang lên, bất cứ ai đến với ngày hội bản cũng được mời tham gia vòng xòe. Điệu xòe đại đoàn kết của đồng bào Thái Điện Biên, đã tạo nên ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè cả nước và thế giới về một Điện Biên tươi đẹp và gần gũi.

1
Kết thúc đêm xòe thường là điệu bước vòng tròn vỗ tay.

Kết thúc đêm xòe thường là điệu bước vòng tròn vỗ tay. Cũng có khi thay cho tiếng vỗ tay là điệu hú. Điệu múa này thể hiện sự hân hoan của những người tham gia đêm xòe nồng ấm tình đoàn kết. Cùng vui múa với biết bao cảm xúc, sau đêm xòe mỗi người đều mang về cho mình một kỉ niệm không thể nào quên.

Người Thái có tinh thần đoàn kết cộng đồng rất cao, nền văn hóa của họ có nhiều nét đa dạng. Điệu múa xòe là điệu múa mang tính chất cộng đồng rất cao. Tôi thì tham gia múa xòe dân tộc Thái rất là nhiều. Câu lạc bộ chúng tôi cũng thường tổ chức mùa xòe, nhưng sau mỗi lần múa xòe vẫn thấy rạo rực. Múa xòe làm cho người ta gần gũi nhau hơn. Người Kinh và cả khách nước ngoài cũng rất thích điệu múa xòe này, người ta rất là thích và người ta rất là nhớ.

Kết thúc đêm xòe thường là điệu bước vòng tròn vỗ tay. Cũng có khi thay cho tiếng vỗ tay là điệu hú. Điệu múa này thể hiện sự hân hoan của những người tham gia đêm xòe nồng ấm tình đoàn kết. Cùng vui múa với biết bao cảm xúc, sau đêm xòe mỗi người đều mang về cho mình một kỉ niệm không thể nào quên.

 
                                                                               

 

Minh Giang – Huy Long/DIENBIENTV.VN

.