Những thanh âm trên núi

Thứ Tư, 25/07/2018, 14:10 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xa xôi vời vợi trên đỉnh núi cao, là những bản làng người Mông thấp thoáng trong sương mây. Sống nơi núi non cao thiên nhiên khoáng đạt, cuộc sống của người Mông thật trong lành, nhưng cũng có đôi phần lặng lẽ và tách biệt. Tuy nhiên vào những thời điểm nhất định, cũng ở cái nơi xa xôi tuyệt mù ấy, âm thanh bỗng trở nên rộn rã và màu sắc cũng trở nên rực rỡ khác thường. Ấn tượng nhất là những thanh âm vùng cao, mỗi khi cất lên đều bồng bềnh, bay bổng, lay động lòng người. Đó là tiếng khèn, tiếng sáo, là tiếng hát “Gầu plềnh” da diết.  

Bản Mông ở mãi trên núi cao. Đường lên bản Mông như đường lên trời. Ở cái nơi bồng bềnh mây trắng, lưa thưa mấy cụm nhà này, cuộc sống trôi đi thật chậm. Bao nhiêu cái trong lành, êm ả như đều lắng đọng nơi đây. Có lẽ vì bản Mông xa xôi cách biệt với chốn đô thị, hay vì bản tính người Mông luôn thủy chung, nên những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mông còn đó nhiều nét cổ xưa. Những giá trị đó vẫn luôn lạ lùng và cuốn hút.

Một trong những giá trị truyền thống tạo nên sức cuốn hút ấy là dân ca, dân nhạc dân tộc Mông. Đó là những thanh âm vùng cao vừa bay bổng, vừa mượt mà và đằm thắm, là tiếng lòng của người Mông gửi trao nhau. Những thanh âm ấy, khiến cho cuộc sống lặng lẽ trên núi cao trở nên rộn ràng hơn và thi vị hơn.

1
Những thanh âm vùng cao, mỗi khi cất lên đều bồng bềnh, bay bổng, lay động lòng người. Đó là tiếng khèn, tiếng sáo, là tiếng hát “Gầu plềnh” da diết.

 

Từ trung tâm xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng lên tới bản Chăn 2 mất nửa tiếng đồng hồ. Bản có sáu chục nóc nhà nhưng lại nằm rải rác và ẩn khuất sau những cụm rừng thưa đang kì tái sinh. Người Mông ở bản Chăn 2 rất chăm chỉ, nên hộ nào cũng dựng được nhà gỗ, mái ngói khang trang. Nhà là không gian quần tụ, là nơi thờ cúng tổ tiên, nhưng với người Mông nương đồi, trang trại mới là nơi họ dành nhiều thời gian nhất.

Ngày thường bản Chăn 2 chỉ có người già, trẻ em ở bản, còn đàn ông, phụ nữ đang tuổi lao động đều ở trên nương, hoặc ở các khu chăn nuôi. Những khu vực này đều nằm trên núi cao chót vót, nơi gió thổi lồng lộng suốt đêm ngày, còn mây mù bất kì lúc nào cũng sẵn sàng sà xuống vai người. Từ bản Chăn 2 lên khu chăn nuôi của gia đình ông Lý A Lệnh, là con đường dốc đứng vừa mới mở. 8 km vật lộn với chúng tôi, nhưng lại là quãng đường đơn giản với những tay lái cừ khôi của bản Mông.

Ông Lý A Lệnh là một người Mông làm kinh tế giỏi. Ông cũng là người khèn giỏi, sáo hay. Căn nhà của ông ở khu chăn nuôi trâu, bò, dê, ngựa, lợn rừng, và ao cá rộng rãi không kém nhà ở bản. Khi chúng tôi đến ông Lệnh đang ngồi sửa một cây khèn. Khèn, sáo với ông như những người bạn bất ly thân. Chúng mang tới nhạc điệu, mang tới niềm vui cho ông sau những buổi làm nương vất vả. Chúng xua đi sự quạnh quẽ ở nơi đỉnh trời quanh năm không mấy khách vãng lai.

1
Ông Lý A Lệnh - Bản Chăn 2 – xã Mường Đăng – huyện Mường Ảng,Ông là người   làm kinh tế giỏi, cũng là người khèn giỏi của bản


Cây khèn, người Mông gọi là “kềnh” – là một loại nhạc cụ độc đáo được ghép bởi những ống trúc và bầu gỗ, khi thổi tạo nên thanh âm trầm, bổng, ngân vang, bồng bềnh khắp miền núi non trùng điệp. Tiếng khèn gắn bó với người Mông suốt cả cuộc đời. Tiếng khèn cất lên cả khi vui cũng như khi buồn. Đồng bào Mông còn có truyền thuyết kể về sự tích cây khèn: Ngày xưa, gia đình nọ có 6 anh em, ai cũng hát hay, sáo giỏi.

Mỗi lần họ cùng nhau thổi sáo, tiếng sáo khi réo rắt, lúc du dương ; khi dập dìu như mây bay trên sườn núi, lúc vút lên như gió cuốn từng không. Tiếng sáo của họ có thể giúp vui hội hè, cũng có thể an ủi những gia đình có người xấu số về với thế giới bên kia. Tuy vậy, những lúc không hợp đủ cả 6 người, tiếng sáo lại trở nên lạc điệu. Sáu anh em bèn suy nghĩ và bàn nhau chế ra loại nhạc cụ có thân gỗ được khoét thành bầu. Trên bầu gỗ này có lỗ để ghép nối 6 ống sáo trúc đặt theo chiều ngang. Khi thổi giống như tiếng sáo của 6 anh em hợp lại. Đó là chiếc khèn Mông ngày nay.

Sống trên núi, người Mông ăn cơm gạo, cơm ngô do họ tự trồng. Rau xanh và các loại thực phẩm khác cũng đều ở sân, vườn mà ra. Những nhạc cụ độc đáo giúp vui cho đời sống họ cũng tự tay làm. Không chỉ giỏi làm nương và săn bắn, đàn ông dân tộc Mông thường tự gọt gỗ, lựa trúc, rèn, cắt lam đồng, làm sáo, làm khèn. Bởi vậy đôi tay họ không chỉ khỏe mạnh mà còn khéo léo.

1
Ông Lý A Lệnh - Bản Chăn 2 – xã Mường Đăng – huyện Mường Ảng đang biểu diễn điệu khèn Mông

 
Bao đời nay người Mông đã gắn bó với cây khèn. Các chàng trai Mông mang tiếng khèn đi tìm người yêu. Người già dùng tiếng khèn gọi hồn vía tổ tiên về đoàn tụ, đưa linh hồn người chết về với cõi thiêng. Khèn theo bước chân người Mông xuống chợ. Khèn đến với các hội xuân. Tiếng khèn Mông vang động, trầm hùng như đưa người nghe bay lên cùng núi rừng kì vĩ.

Tiếng khèn bồng bềnh trôi, như áng mây màu nhiệm, đưa chúng ta trôi theo dòng chảy văn hóa mãnh liệt ngàn năm của người Mông. Ai đã một lần lên với nơi đỉnh trời và được nghe tiếng Khèn Mông, hẳn không khỏi vấn vương, thương nhớ. Những bài hát nổi tiếng mang âm vang từ núi cao như: Bài ca trên núi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, hay Gặp nhau giữa rừng mơ của Bảo Chung, phải chăng được sáng tác từ cảm hứng về tiếng khèn, tiếng sáo người Mông, những thanh âm dễ khiến lòng người lay động và say đắm.          

Về bản Mông ngoài tiếng khèn và ngàn vạn âm thanh của tự nhiên, chúng ta còn có thể bắt gặp tiếng kèn lá và tiếng sáo giao duyên cất lên giữa núi rừng. Các chàng trai, cô gái người Mông khi tâm tình với nhau, thường dùng kèn lá, đàn môi, hoặc sáo, thổi thành nhạc điệu. Với năng khiếu đọc tâm tình qua âm nhạc, những người trong cuộc có thể nghe và hiểu được nội dung bài hát mà “đối phương” đang diễn tả. Đó là những bài ca giao duyên được thể hiện bằng âm thanh vô cùng độc đáo, là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân nơi rẻo cao.
 
Luôn sống ở địa bàn khó khăn, khắc nghiệt, người Mông vốn mạnh mẽ, kiên cường trong đấu tranh sinh tồn. Nhưng sống bên thiên nhiên phóng khoáng và thơ mộng, họ còn có tâm hồn nhạy cảm, có tình yêu mạnh mẽ và lãng mạn. Từ đó giúp họ sáng tạo nên một kho tàng dân ca giao duyên phong phú và không ngừng được bổ sung.

1
Dân ca giao duyên, tiếng hát tình yêu hay “Gầu Plềnh”, là những bản tình ca vừa mộc mạc, ý nhị, mà cũng vừa sâu sắc

 

Dân ca giao duyên của người dân tộc Mông vừa có nội dung đa dạng, vừa phản ánh được tập quán, tư tưởng, tình cảm của cộng đồng. Dân ca giao duyên, tiếng hát tình yêu hay “Gầu Plềnh”, là những bản tình ca vừa mộc mạc, ý nhị, mà cũng vừa sâu sắc. Đó là những bài hát thường được hát theo lối đối đáp, được sáng tác ngẫu hứng hoặc vận dụng theo những câu hát có sẵn, cho phù hợp với hoàn cảnh, câu chuyện đôi nam nữ muốn nói với nhau. Bài hát giao duyên được các chàng trai, cô gái dân tộc Mông hát khi đi làm nương rẫy, khi vào rừng lấy củi. Họ cũng hát trong những lúc rảnh rỗi gặp nhau trò chuyện tâm tình.
 
Xứ sở người Mông thấp thoáng trong bạt ngàn rừng xanh, bát ngát trên đỉnh trời. Ai đã đến đây một lần sẽ nhớ mãi không quên. Nhớ con đường xa xôi, dốc đứng, đá lô nhô dưới chân ; nhớ đỉnh trời đầy mây và gió, phóng tầm mắt ra xung quanh, đâu đâu cũng là đồi núi điệp trùng. Càng không thể nào quên những thanh âm trên núi, tiếng khèn, tiếng sáo và tiếng hát giao duyên. Đó là di sản văn hóa nghệ thuật đang được truyền giữ trong dân gian, là nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật thơ ca đương đại.
                                                                         

 

 

Minh Giang – Anh Tuấn/Dienbientv.vn

.