Bảo tồn và phát huy các giá trị trò chơi dân gian trong lễ hội

Thứ Hai, 11/06/2018, 17:00 [GMT+7]

Điện Biên TV- Trong kho tàng văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của 19 anh em dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt thể hiện qua các trò chơi dân gian trong lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Trong đó các trò chơi như: Táu lasa, ngu kìn khiết, pít mắc tành, sừa khốp mù và phăn viêng là những trò chơi thể hiện nét văn hóa độc đáo của dân tộc Lào ở bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên được diễn ra trong lễ hội té nước.

Các trò chơi thể hiện được sức khỏe dẻo dai, tinh thần đoàn kết của người chơi và mang tính cộng đồng dân tộc rất cao. Tuy nhiên trong xu thế hội nhập hiện nay do nhiều yếu tố tác động khác nhau nên các giá trị văn hóa truyền thống nói chung và các trò chơi dân gian nói riêng đang có nguy cơ bị mai một thay vào đó là những trò chơi tiêu khiển hiện đại.

Thực tế ấy khiến chúng ta nghĩ tới việc phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị của trò chơi dân gian với tư cách một di sản văn hóa phi vật thể và như một giải pháp cân bằng đời sống văn hóa giải trí theo hướng lành mạnh, bền vững và cho dân tộc.

1
Trò chơi Pít mắc tành đã mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả.

 

Ông Hà Văn Phiêng- Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: “Để bảo tồn và lưu giữ các trò chơi dân tộc, UBND huyện Điện Biên đã chỉ đạo phòng văn hóa huyện Điện Biên đưa các trò chơi dân gian truyền thống vào các dịp tổ chức văn hóa, văn nghệ từ huyện đến cơ sở, cùng với đó tích cực chỉ đạo chính quyền địa phương tiếp tục duy trì Tết té nước (Bun huột nặm) và các trò chơi dân gian diễn ra trong khuôn khổ lễ hội- đã được nhà nước trao bằng công nhận văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đặc biệt là quảng bá hình ảnh tới khách du lịch biết những dịp lễ, tết để họ đến thăm, hiểu, biết về nét văn hóa đặc sắc từ trang phục thổ cẩm đến các trò chơi dân gian của dân tộc Lào”.

Một trong những trò chơi thu hút được rất nhiều người đến xem bởi sự lạ mắt là trò Ngu kìn khiết (rắn bắt ngóe). Ý nghĩa của trò chơi này cho thấy một quy luật tự nhiên diễn ra hết sức logic, chặt chẽ và phù hợp gắn với đời sống tinh thần của người dân 

Nếu như trò rắn bắt ngóe mang lại sự hồi hộp cho người xem bởi những pha đuổi nhau, thì trò chơi Pít mắc tành (hái dưa chín) lại mang tiếng cười nhiều đến với khán giả. Trò chơi nói lên một năm mưa thuận gió nên mùa màng bội thu, người dân có một năm no đủ.

1
Trò chơi Ngu kìn khiết (rắn bắt ngóe) là trò chơi mang tính chất ngay cấn giữa những pha đuổi bắt

 

Khác với 2 trò chơi trên, trò chơi phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu) tham gia có cả nam và nữ, người chơi chia làm 2 đội, mỗi đội 3 người, ở giữa là một vạch kẻ hoặc một đoạn tre đặt làm ranh giới đường biên. Hai đội dùng tay múa linh hoạt và đưa qua vạch để chạm vào đầu hoặc đầu gối của đối phương, ai bị chạm phải thì người đó bị thua và phải ra khỏi đội. Cứ thế chơi cho đến khi 1 đội không còn người nào thì trò chơi kết thúc.

Dù các trò chơi có độ đơn giản hay phức tạp thì chúng vẫn giữ được nét văn hóa độc đáo riêng biệt của mỗi dân tộc và được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những giá trị văn hóa trong các trò chơi dân gian của dân tộc Lào nói riêng và trò chơi dân gian của 19 anh em dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung cần được bảo tồn và quan tâm.

Các trò chơi phải gắn với các lễ hội, gắn với phong trào thể dục thể thao quần chúng, gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư thì mới góp phần xây dựng vào nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và không bị mai một đi./.
                                                                                                                    

 

 

Thúy Hằng

.