Điện Biên

Các thiết chế văn hóa góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Thứ Sáu, 15/06/2018, 07:27 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các thiết chế văn hóa đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các địa phương.

Hiện nay các thiết chế văn hóa, của các địa phương trên địa bàn tỉnh, đã luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, phục vụ có hiệu quả việc tổ chức các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, của địa phương.

Thiết chế văn hóa cơ sở, bao gồm: Các cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động; tổ chức bộ máy cán bộ và các nội dung công tác để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; đáp ứng nhu cầu của nhân dân về hưởng thụ văn hóa tinh thần, là nơi sáng tạo và bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Điện Biên. Do vậy, các thiết chế văn hóa cơ sở đã làm tốt vai trò là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, nhất là các chính sách về dân tộc, về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của Tỉnh.

1
Chi hội Phụ nữ bản Pa Cáu, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ ở cơ sở.

 

Thực hiền Đề án “Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và phát triển văn hóa nông thôn tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”. Trong những năm qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là các thiết chế văn hóa đã được quan tâm đầu tư xây dựng.

Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin đại chúng, tuyên truyền cổ động luôn hướng về cơ sở, đặc biệt là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã đạt nhiều kết quả rõ nét. Nói đến xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, không chỉ bao gồm các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư, mà còn bao gồm cả cơ sở vật chất kỹ thuật và thiết chế văn hóa. Do vậy, bằng nhiều nguồn vốn, bằng nhiều hình thức tổ chức thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nên nhiều thiết chế văn hóa ở cơ sở đã được quan tâm đầu tư xây dựng.

Để đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt văn hóa, thể thao của nhân dân, các thiết chế văn hóa phục vụ cho hoạt động cộng đồng, đang được quan tâm đầu tư, xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh đã có 01 Trung tâm văn hóa tỉnh; 7/10 huyện có Nhà văn hóa huyện, 50/130 xã có nhà văn hóa, có 58 sân Bóng đá, 01 sân Điền kinh, 12 sân Tennis, 70 nhà tập luyện và 11 Bể bơi, 30 sân Bóng rổ, 20 sân Bóng ném, 350 sân Bóng chuyền ngoài trời, trên 500 sân cầu lông và các khu thể thao, vui chơi giải trí khác.

Với 407/1.813 thôn, bản, tổ dân phố có Nhà văn hóa hoặc Nhà sinh hoạt cộng đồng, đây là những thiết chế văn hóa quan trọng ở cơ sở để từng bước đổi mới, nâng cao về chất lượng hoạt động văn hóa, tiếp tục khẳng định tính toàn dân, toàn diện, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa ở cơ sở. Các thiết chế văn hóa này đã phát huy tốt hiệu quả trong sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt là hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Hiện nay, hầu hết các bản, tổ dân phố đều có đội văn nghệ, có nhà văn hóa và trang bị hệ thống loa đài phục vụ cho những buổi sinh hoạt cộng đồng thôn, bản. Qua các thiết chế văn hóa cơ sở, việc trình diễn các bài hát dân ca, điệu múa cổ truyền thống các lễ hội dân gian, các trò chơi thể thao dân tộc như: Ném pao, ném còn, đẩy gậy, đánh cù, giã bánh dày, chơi đu, thi leo cây... ở các địa phương đã được chú trọng, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc và các địa phương. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gắn với phát triển các yếu tố văn hóa và nhân tố con người đã được phát huy, tạo ra sự đoàn kết các dân tộc, động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết các chính sách xã hội.

Thông qua các hoạt động của hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở, phong trào văn nghệ quần chúng hiện nay đang phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, đến nay toàn tỉnh đã có 1.273 đội văn nghệ quần chúng, tổ chức 3.715 buổi biểu diễn hàng năm, phục vụ trên 669.500 lượt người xem, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân và phục khách tham quan du lịch mỗi khi đến với Điện Biên. Đây là những hoạt động trọng tâm của các thiết chế văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân, hằng năm đã tổ chức được hàng ngàn buổi sinh hoạt, phục vụ hàng vạn lượt người, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, góp phần từng bước nâng cao đời sống văn hoá ở cơ sở, nâng cao sự hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho người dân.

Từ hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đã góp phần gìn giữ và phát huy được nhiều di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 6 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Xòe Thái; Lễ hội Thành Bản Phủ - Đền Hoàng Công Chất tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Lễ Kin Pang Then của người Thái tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Tết Nào Pê Chầu tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ẳng; Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào xã Núa Ngam, huyện Điện Biên và Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà.

Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa cơ sở còn góp phần tích cực, trong việc thành lập và tổ chức hoạt động cho các câu lạc bộ về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ truyền thống như: CLB Bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc Thái, CLB dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên. Đây là những CLB thành lập dưới mô hình nhóm sở thích, trực thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hóa tỉnh, góp phần bảo lưu, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc gắn với công tác văn học nghệ thuật trên địa bàn Tỉnh.

1
Hoạt động thi đấu môn thể thao dân tộc, thi đẩy gậy tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà đã thu hút được đông đảo người dân tới tham gia và cổ vũ (Ảnh Khánh Toàn)

 

Hằng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các Phòng văn hóa – Thông tin phối hợp với các địa phương, thông qua các thiết chế văn hóa cơ sở để tổ chức tập luyện, tham gia các hội thi, hội diễn, giao lưu nghệ thuật quần chúng như: Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên, Hội thi Thông tin lưu động, hội thi tiếng hát người giáo viên, học sinh, sinh viên, giao lưu hội xuân… đã thu hút hàng nghìn diễn viên, nghệ nhân tham gia; nhiều chương trình, tiết mục đạt chất lượng cao, dàn dựng công phu, đặc sắc gắn với bản sắc văn hóa của địa phương, tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong cộng đồng; cổ vũ hoạt động sáng tác và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng.

Từ những hoạt động này, các thiết chế văn hóa các cấp đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của mình, vừa tổ chức tốt các hoạt động tại chỗ, vừa là nơi giúp đỡ các địa phương đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ; hướng dẫn, tổ chức hoạt động văn hóa cho các đội văn nghệ. Tạo ra những sân chơi bổ ích cho nhiều đối tượng tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, đồng thời tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới, kinh nghiệm hay nhằm thúc đẩy sự phát triển văn hóa, văn nghệ, thể thao trong quần chúng nhân dân; tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, hướng tới các hoạt động thiết thực phục vụ đời sống văn hóa ở cơ sở.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cũng gặp những khó khăn, hạn chế, đó là: Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, xuống cấp, không đồng bộ, lạc hậu, chưa được đầu tư, cải tạo kịp thời nên chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động. Việc bố trí đủ diện tích theo quy định để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, các xã còn gặp nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa xã, vẫn còn bất cập về năng lực và chuyên môn nghiệp vụ, mới đáp ứng được một phần yêu cầu công việc.

Hy vọng những khó khăn đó chỉ là tạm thời, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền sẽ tiếp tục đẩy mạnh, việc thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của tỉnh ủy Điện Biên về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh", gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các thiết chế văn hóa ở cơ sở sẽ được quan tâm, đầu tư xây dựng và hoàn thiện; nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa, để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các cộng đồng dân cư./.

 

 

CTV - Khánh Toàn/ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên.

.