Nhiều Di sản Văn hóa phi vật thể được phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống
Điện Biên TV - Điện Biên là một vùng đất lịch sử, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của 19 dân tộc anh em, với những bản trường ca bất hủ, giàu chất sử thi và thấm đẫm tính nhân văn về quá trình tạo mường, lập bản; những lễ hội; những làn điệu dân ca trữ tình đằm thắm hòa cùng tiếng đàn tính, đàn môi, khèn bè, pí thiu, pí tót; những điệu dân vũ tồn tại mãi với thời gian, đã làm say đắm lòng người…
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó công tác bảo tồn và phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, đã được tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các cơ quan chức năng, nhất là sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp với các địa phương trong tỉnh sưu tầm, khảo sát, nghiên cứu, phục dựng bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Lễ công bố và trao chứng nhận Tết té nước của người Lào xã Núa Ngam, huyện Điện Biên là di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia |
Hiện nay, việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số, luôn được gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; thực hiện tốt phương châm “xây” đi đôi với “chống”, trong đó lấy “xây” làm chính, trong đó đặc biệt chú trọng là Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"... Qua đó cho thấy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đang được cấp ủy, chính quyền và cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên thực hiện một cách đồng bộ, quyết tâm mặc dù nhiều địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các nét đẹp, giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số, tỉnh Điện Biên theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 13-NQ/TU của tỉnh ủy Điện Biên về "xây dựng và phát triển văn hóa con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh". Qua đó đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, đời sống tín ngưỡng tâm linh, giao lưu văn hóa tinh thần của người dân, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, thúc đẩy phát triển tiềm năng du lịch tỉnh Điện Biên.
Nhiều Di sản Văn hóa phi vật thể, được bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, được thể hiện nhân trong các dịp Lễ, tết của cộng đồng các dân tộc Điện Biên, các hoạt động trình diễn, trưng bày, giới thiệu đã làm sống lại những di sản văn hóa truyền thống đã được gìn giữ qua bao đời như: Nghệ thuật trình diễn dân gian; trình diễn trang phục dân tộc; trình diễn lễ hội truyền thống; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của các dân tộc; tổ chức thi giã bánh dày, tổ chức các trò chơi dân gian...
Đến nay tỉnh có 18/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa, đạt 94,7% và 11/19 dân tộc có di sản văn hóa, tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy. Tỉnh Điện Biên có 06 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: di sản Nghệ thuật Xòe Thái trên địa bàn tỉnh; Tết Nào pê chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng; Lễ Kin pang then của người Thái Trắng tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Lễ hội đền Hoàng Công Chất tại Thành Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên và di sản Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà.
UBND tỉnh đã chỉ đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 8 nghệ nhân được Chủ tịch nước Quyết định phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" lần thứ Nhất - năm 2015 và Hội đồng cấp tỉnh đã đề nghị xét tặng 26 cá nhân trong đợt xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" lần thứ Hai - năm 2018, trong đó có 20 hồ sơ đã được Hội đồng Trung ương xét duyệt đề nghị Chủ tịch nước phong tặng "Nghệ nhân ưu tú" trong thời gian tới, để kịp thời tôn vinh những cá nhân đã có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.
Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà. (ảnh KT) |
Ðến nay, tỉnh Điện Biên đã kiểm kê được 18 dân tộc có di sản tiêu biểu cần được bảo tồn sớm và tiếp tục đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như: Lễ cúng tổ tiên, Tết hoa (Mền loóng phạt ái) của dân tộc Cống; lễ cúng bản, mừng cơm mới của các dân tộc Hà Nhì, Xinh Mun, Si La; Pang Phoóng - lễ cúng dòng họ của dân tộc Kháng... Tỉnh cũng đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng hồ sơ di sản Then Thái, Nghệ thuật xòe Thái trình UNESCO, đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ông Đào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các nét đẹp, giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số, không chỉ phục vụ cho đời sống tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào, mà sâu xa hơn là còn để giáo dục cho con cháu, các thế hệ trẻ người dân tộc Lào luôn có ý thức, trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa của dân tộc mình. Việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc giờ đây không còn là tâm nguyện của riêng các bậc cao niên, cùng các nghệ nhân, mà được xác định là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.
Thời gian tới, dưới sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan chức năng, Tỉnh Điện Biên sẽ tập trung nỗ nực khôi phục, duy trì các di sản văn hóa phi vật thể, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ phát triển các di sản văn hóa phi vật thể đang có. Sau khi được công nhận rồi thì việc duy trì và bảo tồn văn hóa chính thống của dân tộc địa phương là một trong những yếu tố mà các dân tộc và địa phương tiếp tục phải quan tâm, đồng thời định hướng cho nhân dân trong thời gian tới để tiếp tục duy trì và thực hiện tốt những quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước về văn hóa theo tinh thần của Nghị quyết số 13-NQ/TU của tỉnh ủy Điện Biên về "xây dựng và phát triển văn hóa con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh".
CTV - Khánh Toàn/Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên