Những thách thức đối với nhà lãnh đạo mới của Philippines

Thứ Tư, 11/05/2022, 07:27 [GMT+7]

Ứng cử viên Ferdinand Marcos Jr đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines diễn ra ngày 9/5.

1
Ông Ferdinand Marcos Jr. phát biểu tại thành phố Lipa, tỉnh Batangas vào tháng trước (Ảnh: Reuters)

Với chiến thắng này, ông Marcos sẽ trở thành người kế nhiệm Tổng thống Rodrigo Duterte trong nhiệm kỳ 6 năm tới.

Giành thắng lợi áp đảo

Theo kết quả kiểm phiếu chưa chính thức tính đến gần 11h sáng 10/5 (giờ địa phương), cựu Thượng nghị sĩ Ferdinand Marcos Jr đang giành thế áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines diễn ra 1 ngày trước đó với 30.755.045 phiếu ủng hộ, hơn gấp 2 lần số phiếu của ứng cử viên đứng vị trí thứ 2 là Phó Tổng thống nước này Leni Robredo - người nhận được 14.679.366 phiếu.

Ở thời điểm này có 97% số phiếu đã kiểm. Nếu được Ủy ban bầu cử Philippines xác nhận, ông Marcos sẽ đắc cử trở thành tân Tổng thống quốc gia Đông Nam Á này.

Ông Ferdinand Marcos Jr, thường được biết đến với biệt danh "Bongbong Marcos", 64 tuổi, con trai của cố Tổng thống Ferdinand Marcos Sr, từng là Thống đốc tỉnh Ilocos Norte, nghị sĩ và thượng nghị sĩ. Ông đã tập trung vào một thông điệp duy nhất trong suốt chiến dịch của mình, đó là đoàn kết. Chiến dịch vận động tranh cử của ông Marcos Jr với khẩu hiệu "Cùng nhau chúng ta sẽ vươn lên lần nữa", hứa hẹn về sự đoàn kết và hy vọng cho đất nước, đồng thời khẳng định ông sẽ ưu tiên vấn đề chi phí sinh hoạt và việc làm.

Việc ông Marcos Jr chỉ tham gia 1 trong 4 cuộc tranh luận và hiếm khi trả lời phỏng vấn báo giới đã bị các đối thủ và một số chuyên gia chỉ trích, cho rằng điều này khiến cử tri không có cơ hội đánh giá kỹ lưỡng các ứng cử viên. Tuy nhiên, rất nhiều người trẻ tuổi tại Philippines vẫn ủng hộ ông Marcos Jr và những lời kêu gọi tái thiết nền kinh tế cùng các lời hứa vào một kỷ nguyên mới với nhiều vấn đề sẽ được giải quyết, bao gồm cả chi phí sinh hoạt và việc làm, mà ông đưa ra trên Facebook - mạng xã hội mà ông có hơn 6 triệu người theo dõi. Ngoài ra, ông cũng có lợi thế từ danh tiếng của gia đình đồng thời thu hút được sự ủng hộ khi liên danh tranh cử với bà Sara Duterte - con gái của đương kim Tổng thống Rodrigo Duterte.

Trong cuộc bầu cử lần này, ngoài bầu tổng thống và phó tổng thống, các cử tri Philippines cũng tiến hành bầu 12 thượng nghị sĩ, hơn 300 thành viên của Hạ viện và hơn 17.000 quan chức địa phương. Ở cuộc đua chức danh phó tổng thống, Thị trưởng thành phố Davao - Sara Duterte-Carpio đã nhận được 31.160.840 phiếu bầu, xếp vị trí thứ nhất. Tiếp sau là Thượng nghị sĩ Kiko Pangilinan (9.142.009 phiếu), Chủ tịch Thượng viện Vicente "Tito" Sotto (8.127.294 phiếu), nhà vật lý học Willie Ong (1.827.649 phiếu),...

Theo thống kê có khoảng 65,7 triệu cử tri đủ tư cách đi bầu cử.

Những thách thức

Ở thời điểm hiện nay, người dân đang kỳ vọng vào một nhà lãnh đạo quốc gia có thể thực sự bảo vệ người dân, đem lại cho đất nước một nền kinh tế vững mạnh sau khi đại dịch tàn phá khiến hàng triệu người mất việc làm; cải thiện hệ thống chính trị của quốc gia quần đảo và đưa ra các chính sách đối ngoại nhằm giúp Philippines đứng vững trước các mối đe dọa xâm chiếm lãnh thổ và nâng cao vị thế của Philippines trên trường quốc tế. Chính vì vậy, giành chiến thắng trong cuộc đua vào Điện Malacanang, nhà lãnh đạo tương lai của Philippines Marcos Jr sẽ phải đối mặt với nhiều những thách thức trong việc xây dựng đất nước.

Về kinh tế, nhà lãnh đạo tương lai của Philippines Marcos Jr. sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là kiểm soát lạm phát, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ đối tác công tư và phục hồi nền kinh tế Philippines, vốn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á trước đại dịch COVID-19. Hiện nền kinh tế Philippines mới chỉ bắt đầu đà phục hồi, bởi đây là một trong những quốc gia duy trì các biện pháp phong tỏa chống dịch dài nhất.

Tiếp nối các chính sách của Tổng thống Duterte, bao gồm đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng cũng là nhiệm vụ trước mắt với Tổng thống đắc cử Philippines Marcos Jr. Trong 6 năm cầm quyền của ông Duterte, đường sắt và tàu điện ngầm đã được xây dựng theo chương trình phát triển cơ sở hạ tầng được gọi đơn giản là "Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng" ("Build, Build, Build"), song một số dự án đang bị chậm tiến độ.

Trong khi đó, việc vạch ra chính sách đối ngoại phù hợp cũng là một thách thức với tổng thống mới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực ngày càng quyết liệt. Nhiều nhà phân tích đánh giá rằng cuộc bầu cử là cơ hội để quốc gia Đông Nam Á này thiết lập lại quan hệ và tìm cách cân bằng mối quan hệ với cả hai cường quốc.

Theo ông Andrew Yeo, nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, mối quan hệ với Mỹ khó có khả năng xấu đi dưới thời ông Marcos Jr và quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines sẽ được làm sâu sắc hơn.

Đối với Trung Quốc, ông Marcos có thể sẽ tiếp tục chính sách thân thiện với Trung Quốc của người tiền nhiệm. Khả năng lớn là ông sẽ duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc để phục hồi nền kinh tế bởi Trung Quốc đứng đầu về nhập khẩu hàng hóa từ Philippines.

Về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, ông Marcos trong nhiều năm đã kêu gọi Manila giải quyết song phương với Bắc Kinh. Chính vì vậy, giới phân tích nhận định, lập trường của tổng thống Philippines tiếp theo đối với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh tại khu vực.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/nhung-thach-thuc-doi-voi-nha-lanh-dao-moi-cua-philippines-2022051020012256.htm

 

 

Theo VTV

 

.