Căng thẳng Nga - Ukraine tác động mạnh tới giá năng lượng
Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng vọt lên mức gần 100 USD/thùng trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang.
Giá dầu Brent hiện đã đạt 99,5 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2014, do các nhà giao dịch cân nhắc khả năng nguồn cung từ Nga bị gián đoạn.
Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ cũng đạt mức cao nhất trong 7 năm khi chạm mốc 96 USD/thùng, trước khi kết thúc phiên ở mức 92,35 USD.
Giới phân tích thị trường nhận định, sự leo thang trong căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã tiếp sức cho thị trường dầu mỏ đang tăng do nguồn cung khan hiếm trước nhu cầu hồi phục sau đại dịch COVID-19.
Quan hệ Nga - Ukraine căng thẳng gây sức ép lên thị trường dầu mỏ
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 20% và tăng hơn 80% kể từ đầu năm 2021. Trong bối cảnh nguồn cung cấp dầu và khí đốt dự phòng còn hạn chế trên toàn cầu, việc quan hệ Nga - Ukraine gia tăng căng thẳng đang gây sức ép lên thị trường dầu mỏ. Nếu đối đầu tiếp diễn thì có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu thô, khiến các nước chịu nhiều khó khăn do giá năng lượng leo thang.
Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba trên thế giới cũng xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu. Nga cũng là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu, khách hàng lớn nhất của nước này là châu Âu, lục địa đang phải vật lộn với chi phí sưởi ấm gia đình rất cao trong mùa Đông.
Các nhà phân tích dự báo, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine gây ra một số rủi ro cho thị trường dầu mỏ. Thứ nhất, một cuộc xung đột như vậy có thể gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng năng lượng trong khu vực. Thứ hai, các cường quốc phương Tây có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga. Cùng với đó là nguy cơ Nga trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên.
Ông Andy Lipow - Chủ tịch Hãng tư vấn Lipow Oil Associates: "Nếu xảy ra việc cắt nguồn cung dầu của Nga cho châu Âu, vốn ở mức 3 triệu thùng/ngày, giá dầu có thể tăng thêm 10 - 15 USD/thùng, còn dầu Brent sẽ có giá khoảng 110 USD/thùng".
Ngày 22/2, Đức tuyên bố dừng phê duyệt dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. Đường ống này có thể vận chuyển mỗi năm khoảng 55 tỷ mét khối khí đốt từ Nga tới Đức, cung cấp khí đốt cho khoảng 26 triệu hộ gia đình. Hiện tại, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt cho châu Âu và nhu cầu về khí đốt của châu Âu vẫn đang tiếp tục tăng khi các dự án năng lượng xanh tỏ ra kém hiệu quả.
Việc tạm ngừng thực hiện phê chuẩn dự án này của Đức đã khiến giá khí đốt tăng tại châu Âu. Giá khí đốt giao dịch tại Hà Lan đã tăng tới 13% ngay trong ngày 22/2.
Trên twitter cá nhân, ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh liên bang Nga viết rằng: "Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã ban hành lệnh dừng phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Giờ thì chào mừng tới thế giới mới, nơi châu Âu sẽ sớm phải trả 2.000 euro cho 1.000 mét khối khí đốt tự nhiên". Hàm ý của ông Medvedev là giá khí đốt châu Âu sẽ tăng gấp đôi so với giá hiện tại.
Hiện tại, các nhà phân tích cho rằng Nga vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, và vì vậy nước này khó có thể thực hiện hành động trả đũa. Tuy nhiên, hiện Nga đang chịu sức ép lớn với một loạt các lệnh trừng phạt chống lại các tổ chức tài chính Nga vừa được đưa ra. Rất có thể dầu mỏ sẽ trở thành công cụ trong cuộc đối đầu còn dài sắp tới giữa Nga và phương Tây.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/cang-thang-nga-ukraine-tac-dong-manh-toi-gia-nang-luong-20220223232350803.htm
Theo VTV