Giá dầu tăng mạnh đầu năm báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu
Biến động giá trên thị trường năng lượng là điểm nổi bật trong những ngày đầu của năm 2022. Giá dầu đầu năm mới 2022 chạm mức tăng hàng năm lớn nhất trong 12 năm qua.
Giá tăng do sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn mở cửa, điều chỉnh các hoạt động từ xã hội đến kinh tế theo hướng thích ứng và sống chung với COVID-19.
Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 55% - mức tăng lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại trong hơn một thập kỷ, trong khi giá dầu Brent tăng 50% - mức tăng lớn nhất trong nửa thập kỷ.
Giá dầu chạm mức tăng giá hàng năm lớn nhất kể từ năm 2009 khi việc triển khai vaccine COVID-19 nhanh chóng trên toàn thế giới, đã kích thích sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế, thúc đẩy tiêu thụ, trong khi sản lượng dầu vẫn hạn chế sau đại dịch.
Hiện tượng nhu cầu nhiên liệu và giá dầu tăng cao đang khiến chính các nhà sản xuất dầu lửa lớn cũng bất ngờ. Các hoạt động kinh tế, xã hội khôi phục trở lại sau đại dịch mạnh mẽ đến nỗi lấn át nguồn cung dầu lửa, kéo theo tình trạng khan hiếm nhiên liệu. Nhiều quốc gia OPEC+ đã phải chật vật để tăng thêm sản lượng, trong khi ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ phải đối phó với các yêu cầu của nhà đầu tư để giữ chi phí ở mức giới hạn.
OPEC+ tăng sản lượng dù khó trấn an thị trường
Kỳ vọng ổn định cung cầu trên thị trường những ngày này được dồn vào Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) và đã được đáp ứng. Cuộc họp của 23 thành viên OPEC+ đã đạt được đồng thuận tiếp tục tăng mức cung dầu ra thị trường thêm 400 nghìn thùng/ngày trong tháng 2. OPEC+ đánh giá, biến chủng Omicron nhiều khả năng sẽ không kìm hãm được các hoạt động kinh tế. Các số liệu cho thấy các hoạt động giao thông của thế giới hầu như không thay đổi, bất chấp sự lan rộng của Omicron.
Thách thức là OPEC dù đã cam kết cũng khó lòng nhanh chóng tăng mạnh sản lượng sau một thời gian khá dài không đầu tư đủ cho ngành khai thác dầu. Bước đi vừa công bố được cho là không đủ để giúp giảm nhiệt giá dầu.
Theo OPEC+ nếu cứ tiếp tục với kế hoạch hiện nay, mỗi tháng lại tăng mức sản lượng thêm 400 nghìn thùng/ngày, thì cung sẽ có thể vượt nhu cầu dầu trong quý 1 năm nay. Tuy nhiên thực tế, các số liệu lại cho thấy OPEC+ trong những tháng qua đều không đạt được mức tăng sản lượng thêm 400 nghìn thùng/ngày. Cụ thể trong tháng 1 này, lượng dầu cung ra thị trường chỉ tăng được thêm khoảng 130 nghìn thùng/ngày. Điều này được cho là do nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đang không đủ khả năng để nâng thêm sản lượng khai thác. Đại dịch đã khiến nhiều quốc gia phải cắt giảm đầu tư cho các cơ sở khai thác dầu, khiến sản lượng sụt giảm.
Triển vọng thị trường dầu năm 2022
Nhu cầu dầu toàn cầu đã tăng trở lại trong năm 2021 khi thế giới bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19 và tổng tiêu thụ của toàn thế giới có thể lập kỷ lục cao mới trong năm 2022, bất chấp những nỗ lực trong việc giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch để chống lại sự biến đổi khí hậu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA đánh giá, năm 2022, tiêu thụ dầu thô dự kiến sẽ đạt 99,53 triệu thùng/ngày, tăng so với 2021. Con số này quay trở về tương đương với mức 99,55 triệu thùng/ngày của năm 2019 - trước khi xảy ra đại dịch.
Yếu tố khó đoán với thị trường dầu là biến thể Omicron, khiến nhiều quốc gia áp dụng lại các biện pháp hạn chế di chuyển, điều này có nguy cơ làm tổn hại đến ngành vận tải và tiêu dùng.
Ông Damien Courvalin - Phụ trách Bộ phận nghiên cứu năng lượng, Ngân hàng Goldman Sachs: "Nếu có một làn sóng dịch lớn do Omicron, tăng trưởng kinh tế sẽ bị tác động trong quý 1 năm nay. Nhưng khi kinh tế hồi phục, nhu cầu dầu vốn đã chạm mức trước COVID-19, sẽ lập kỷ lục cao mới trong hầu hết năm 2022.
Tại châu Á, những tuần gần đây Omicron có gây ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên, lợi nhuận được đánh giá sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022. Nhu cầu xăng tại châu Á dự kiến sẽ tăng 350 nghìn thùng/ngày năm nay, khi các hạn chế chống COVID-19 dần được dỡ bỏ. Lợi nhuận tại các thị trường mới nổi châu Á như Indonesia và Thái Lan dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ năm 2022.
Biến thể Omicron xuất hiện vào cuối năm trước đã giáng một đòn vào những hy vọng lạc quan rằng kinh tế thế giới sẽ bước sang năm 2022 trên đôi chân vững chắc hơn. Tuy vậy, theo đánh giá của các nhà phân tích, hạn chế phòng dịch dù có nhưng sẽ không quá chặt chẽ như trước. Dù có những yếu tố cản trở, song với bước phục hồi trong năm 2021, kinh tế thế giới đang có động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng quay lại quỹ đạo ổn định như trước đại dịch. Nhu cầu năng lượng tăng cao báo hiệu một bức tranh kinh tế hồi sinh năm 2022 này. Cái khó là cân đối cung cầu để kiềm chế giá ổn định, tránh sức ép lên mặt bằng giá cả.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/gia-dau-tang-manh-dau-nam-bao-hieu-su-phuc-hoi-cua-nen-kinh-te-toan-cau-20220106002359326.htm
Theo VTV