WHO cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 3 tại châu Âu
Hiện một bộ phận người dân châu Âu đang có tâm lý lơ là, không tuân thủ các biện pháp phòng dịch. (Ảnh: AP) |
Châu Âu rất có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3 nếu người dân lơ là các biện pháp phòng dịch.
Đây là cảnh báo được Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge, đưa ra vào ngày 1/7. Cảnh báo được đưa ra vào thời điểm châu Âu đã kết thúc giai đoạn 10 tuần giảm số ca nhiễm mới. Cụ thể, theo ông Hans Kluge, giai đoạn 10 tuần số ca nhiễm mới COVID-19 giảm trên toàn châu Âu đã kết thúc và một làn sóng lây nhiễm mới là không thể tránh khỏi nếu người dân và các nghị sĩ không tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Trong tuần trước, số ca nhiễm mới ở châu Âu đã tăng 10% do sự gia tăng các hoạt động đi lại, tụ tập, gặp gỡ và hàng loạt biện pháp hạn chế xã hội được nới lỏng. Ông Kluge nhấn mạnh rằng, làn sóng mới sẽ xảy ra trong bối cảnh mới là biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 hoành hành và hàng triệu người ở châu Âu vẫn chưa được tiêm phòng vaccine COVID-19 dù các nước thành viên đã nỗ lực rất nhiều.
Ông Kluge cảnh báo: "Sẽ có một làn sóng lây nhiễm mới trong vùng do WHO châu Âu phụ trách nếu chúng ta không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch".
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh chứng chỉ COVID-19, còn gọi là "hộ chiếu vaccine", bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/7 trên toàn Liên minh châu Âu (EU) nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại thuận lợi hơn trong kỳ nghỉ hè sau hơn một năm chống chọi với đại dịch.
Theo luật của EU, người có chứng chỉ trên không cần thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm thêm khi đi du lịch trong 27 nước thành viên của EU và 4 quốc gia liên kết (gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein). Tuy nhiên, giới chức y tế cảnh báo, biến thể Delta đang lây nhiễm tràn lan tại Anh có thể kích hoạt điều khoản "ngừng khẩn cấp" việc sử dụng chứng chỉ COVID-19 này.
"Hộ chiếu vaccine", bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/7 trên toàn EU. (Ảnh: AP) |
Cùng ngày 1/7, WHO công bố bản cập nhật dịch bệnh hàng tuần, trong đó cho biết, biến thể Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ nay đã xuất hiện ở 96 quốc gia, tăng thêm 11 quốc gia so với tuần trước. Theo WHO, biến thể Delta có khả năng lây lan cao hơn 55% so với biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên ở Anh và sẽ nhanh chóng trở thành biến thể chủ yếu trong số các ca bệnh trên toàn cầu.
Lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 10/2020, biến thể Delta là mối đe dọa mới nhất đối với nỗ lực dập dịch COVID-19 của toàn cầu. WHO đã liệt biến chủng Delta vào nhóm gây quan ngại, cùng với các biến thể Alpha (Anh), Beta (Nam Phi) và Gamma (Brazil).
Tại châu Âu, biến thể Delta đang trên đà lây lan diện rộng ở nhiều nước như Pháp, Đức, Italy hay Bồ Đào Nha. Tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể này đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40% đến 60% so với biến thể Alpha. ECDC dự đoán, đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8.
Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo, biến thể Delta đã cho thấy khả năng lây lan mạnh hơn (tăng 60% so với biến thể Alpha) và gây bệnh nặng hơn (cao gấp 2,6 lần), đặc biệt ở những người chưa tiêm vaccine. Dựa trên các nghiên cứu, biện pháp bảo vệ hiệu quả là tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/who-canh-bao-lan-song-lay-nhiem-thu-3-tai-chau-au-20210702055113117.htm
Theo VTV