Mâu thuẫn Nga - Mỹ có thể giải quyết qua một hội nghị?

Thứ Năm, 17/06/2021, 07:58 [GMT+7]

Điều kỳ vọng là cuộc gặp này sẽ "khởi động lại" mối quan hệ giữa hai bên, đặc biệt sau khi Mỹ có Tổng thống mới.

Một giờ chiều, tại biệt thự La Grange, thành phố Genève, Thụy Sĩ, sau mấy câu dẫn ngắn ngủi của Tổng thống Thụy Sĩ, ông Biden và ông Putin chỉ bắt tay nhau mà không nói câu nào với báo chí trước khi bước vào trong. Cuộc hội đàm dự kiến kéo dài tới 4, 5 tiếng, nhưng có thể sẽ kéo dài hơn nữa, nếu cần.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Tôi sẽ nói rõ với Tổng thống Putin rằng, có những lĩnh vực có thể hợp tác nếu ông ấy muốn. Nếu ông ấy chọn không hợp tác và vẫn hành động theo cách mà ông ấy đã làm trong quá khứ, liên quan đến an ninh mạng và một số hoạt động khác, thì chúng tôi sẽ đáp trả".

An ninh mạng là một trong những điểm mà phía Mỹ đã cảnh báo trước, là không nhân nhượng với bất cứ giá nào. Nước Mỹ đã nhiều lần tố cáo Nga tấn công mạng máy tính của Mỹ, hoặc dùng công cụ mạng tác động tới chính trị nội bộ Mỹ, đặc biệt là trước các kỳ bầu cử.

1
Tổng thống Biden cho biết, ông sẽ vạch ra "lằn ranh đỏ" với người đồng cấp Nga trong cuộc gặp giữa hai bên sắp tới. Ảnh: CNBC

Về phía Nga, Tổng thống Nga tuyên bố, sẽ không bao giờ chấp nhận để Ukraine gia nhập NATO, hoặc để Mỹ triển khai tên lửa trên lãnh thổ Ukraine.

Ông Dmitry Peskov - Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Tổng thống Putin đã đặt ra một cách rất rõ ràng những giới hạn mà phía Nga không thể chấp nhận trong đàm phán. Tôi chắc chắn rằng trong cuộc hội đàm, Tổng thống Nga sẽ nêu ra những ‘lằn ranh đỏ’ này".

Cuộc hội đàm chủ yếu là về quan hệ song phương, bao gồm ổn định chiến lược, kiểm soát vũ khí, hợp tác trong đối phó các cuộc xung đột khu vực trên thế giới, hợp tác đối phó với đại dịch, và tất nhiên là không thể bỏ qua các vấn đề khí hậu.

Kiểm soát vũ khí mà phía Nga nhắc tới là kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược. Hai cường quốc muốn tìm một mức độ cân bằng mới để có thể cùng tồn tại, nhưng không có chuyện đàm phán một hiệp ước mới. Đó là chủ đề thực chất và quan trọng nhất của cuộc gặp.

1
Ngày 4/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, những cáo buộc Nga có liên quan đến các cuộc tấn công Mỹ bằng mã độc tống tiền là vô lý. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, hai Tổng thống cũng thảo luận về hạt nhân Iran và Triều Tiên, về tình hình Afghanistan và Syria. Cả hai phía đều không kỳ vọng cuộc gặp hôm nay có kết quả gì mang tính đột phá. Bất đồng lớn tới mức, hai Tổng thống sẽ không họp báo chung.

Những năm gần đây, mối quan hệ Nga - Mỹ luôn trong thế đối đầu

Hai bên đã chia rẽ sâu sắc về vấn đề Ukraine, nhân quyền, an ninh mạng và cáo buộc lẫn nhau can thiệp công việc chính trị nội bộ. Năm 2021 mới qua được một nửa, cũng đã có nhiều lần Nga - Mỹ vướng vào những mâu thuẫn khó giải quyết.

Trục xuất ngoại giao

Ngày 15/4, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và trục xuất 10 nhân viên ngoại giao của nước này. Lý do được đưa ra là đáp trả những hành động mà Washington cáo buộc là sự can thiệp của Điện Kremlin vào bầu cử Mỹ và tấn công mạng quy mô lớn. Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt 8 cá nhân và thực thể liên quan tới việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea. Đáp trả, Nga yêu cầu 10 nhân viên ngoại giao Mỹ rời khỏi nước này để trả đũa cho quyết định tương tự của Washington.

Kiểm soát vũ khí

Ngày 7/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành đạo luật rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Nga viện dẫn lý do thiếu tiến bộ trong việc duy trì hiệp ước sau khi Mỹ rút khỏi khuôn khổ này.

1
Căng thẳng Nga - Mỹ, Nga triệu hồi đại sứ Anatoly Antonov. Ảnh: BBC.

Đây là hiệp ước cho phép 35 quốc gia thành viên, trong đó có Nga và Mỹ, thực hiện các chuyến bay giám sát trong không phận của nhau, công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau. Tuy nhiên, cả Moscow và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.

An ninh mạng

Nga Mỹ cũng tranh cãi xoay quanh các vụ tấn công mạng. Mới đây nhất, Mỹ đã cáo buộc Nga tiền hành vụ tấn công phần mềm SolarWinds vào tháng 12/2020. Vụ tấn công SolarWind được xem là cuộc tấn công lớn nhất nhắm vào Mỹ trong một thập kỷ qua với hàng loạt cơ quan chính phủ Mỹ như Bộ An ninh nội địa, Bộ Tài chính, ngoại giao... và cả Microsoft đều đã trở thành nạn nhân của tin tặc.

Mâu thuẫn giữa hai cường quốc khó có thể giải quyết qua 1 hội nghị. Điều kỳ vọng là cuộc gặp ngày hôm nay sẽ "khởi động lại" mối quan hệ giữa hai bên, đặc biệt sau khi Mỹ có Tổng thống mới. Cả Nga và Mỹ đều bày tỏ sẵn sàng đối thoại vì lợi ích song phương và toàn cầu. Thách thức lúc này là tìm ra điểm chung, không gian chung để có thể hợp tác.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/mau-thuan-nga-my-co-the-giai-quyet-qua-mot-hoi-nghi-2021061622412561.htm

 

 

Theo VTV

 

.