"Siêu tàu" mắc kẹt ở kênh đào Suez ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?
Tới nay đã là một tuần tàu Ever Given bị mắc kẹt, làm tắc kênh Suez, kênh đào lớn nhất thế giới.
"Tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez đã di chuyển được chút nào chưa?" là câu hỏi mà nhiều người đang rất sốt ruột theo dõi kể từ khi tuyến đường thủy chiếm 12% lưu lượng hàng hóa toàn cầu này bị tắc nghẽn. Không ai có thể trả lời chính xác là mấy ngày hay mấy tuần nữa kênh Suez mới được thông.
Hiện giải pháp xử lý là dùng máy xúc nạo vét phần đất tàu Ever Given bị mắc cạn và xúc được chút nào thì tàu kéo sẽ lôi đầu chiếc tàu container này quay lại dòng. Hiện không có cách nào nhanh hơn và cũng chưa có dự kiến khi nào sẽ thông tuyến. Mũi tàu đụng phải một khối đá lớn, do đó chiến dịch giải cứu cũng phức tạp hơn.
Tổng thống Ai Cập el-Sisi đã yêu cầu cân nhắc việc dỡ hàng trên tàu xuống để tàu nhẹ hơn, qua đó dễ nổi, dễ kéo. Tuy nhiên, phương án này có thể đắt đỏ và tốn nhiều thời gian.
Nguyên nhân tàu mắc cạn hiện chưa thể xác định. Cục quản lý kênh Suez chỉ có thể khẳng định, đây là một tổ hợp các yếu tố dẫn tới tai nạn đáng tiếc này.
Tàu Ever Given bị mắc cạn. (Ảnh: AP) |
Hiện có hơn 300 tàu ở cả 2 đầu đang xếp hàng chờ qua kênh. Chiến dịch cứu hộ này còn phụ thuộc vào thời tiết và thủy triều. Nếu tình trạng tắc đường ở kênh Suez tiếp tục kéo dài hơn nữa, các nhà vận chuyển sẽ buộc phải đi đường khác là vòng qua mũi Hảo Vọng, kéo dài hành trình thêm 2 tuần. Hàng hải thế giới quay ngược trở lại thế kỷ 18.
Đối với Việt Nam, sự cố tắc nghẽn kênh Suez sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực châu Âu. Theo Bộ Công Thương, trong trường hợp công tác giải phóng tàu Ever Given kéo dài, việc các tàu phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng sẽ khiến hành trình từ châu Á tới châu Âu kéo dài thêm 2 tuần, làm chi phí gia tăng đáng kể. Bộ Công Thương yêu cầu Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Trong 2 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu là 7,5 tỷ USD và nhập khẩu là 3,1 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/to-hop-cac-yeu-to-dan-den-vu-sieu-tau-mac-ket-o-kenh-dao-suez-20210329061654748.htm
Theo VTV