Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ sẽ hướng mũi nhọn vào Trung Quốc?

Thứ Tư, 10/03/2021, 06:59 [GMT+7]

CNN dẫn một nguồn thạo tin ngày 9/3 cho biết, Tổng thống Mỹ Biden đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh “Đối thoại Tứ giác an ninh” (hay còn gọi là Bộ Tứ) đầu tiên với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Ấn Độ, Australia trong tuần này.

Hội nghị theo hình thức trực tuyến, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa 4 nước thành viên của "Bộ Tứ" với Trung Quốc gia tăng.

Trọng tâm của chương trình nghị sự

Kyodo cho biết, chương trình nghị sự dự kiến tập trung vào cam kết đảm bảo “một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” trong bối cảnh lo ngại gia tăng về các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực, chẳng hạn như việc Bắc Kinh quân sự hóa các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông. 

1
Từ trái sang: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: The Print.

Theo giới phân tích, việc Tổng thống Biden lựa chọn tham gia hội nghị thượng đỉnh "Bộ Tứ" đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ đặc biệt chú trọng tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và coi kế hoạch phục hồi cơ chế này như một phần quan trọng trong chiến lược đối phó Trung Quốc.

Mặc dù không phải là liên minh quân sự chính thức như NATO, “Bộ Tứ” vẫn được coi là một đối trọng tiềm năng với tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh xem đây là một liên minh chống Trung Quốc hoặc “NATO ở châu Á”.

Hợp tác quân sự trong “Bộ Tứ” đã gia tăng trong năm 2020 thông qua các thỏa thuận song phương giữa các thành viên và những cuộc tập trận chung. Tháng 11/2020, Australia đã tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.

Ra đời từ năm 1992, cuộc tập trận chung Malabar ngày càng mở rộng về quy mô và nâng cao độ phức tạp nhằm ứng phó với những gì Hải quân Mỹ cho là “các mối đe dọa chung đối với an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Á-Thái Bình Dương”. Sự tham gia của Australia đánh dấu lần đầu tiên Bộ Tứ tiến hành tập trận với đầy đủ các thành viên kể từ năm 2007.

Hướng mũi nhọn vào Trung Quốc

Đáng chú ý hơn cả là quan hệ giữa 4 thành viên trong “Bộ Tứ” với Trung Quốc đã gặp nhiều sóng gió suốt những năm vừa qua. 

Ấn Độ từng chứng kiến cuộc đụng độ nghiêm trọng ở khu vực biên giới tranh chấp với Trung Quốc trên dãy Himalaya vào tháng 6/2020, khiến nhiều binh sỹ hai nước thiết mạng. Kể từ đó, quan hệ giữa Bắc Kinh và New Dehli trở nên băng giá. Trước các hành động quyết đoán của Trung Quốc, Ấn Độ đã đáp trả tương tự như cách Washington đối phó với Bắc Kinh. New Dehli hủy việc cấp giấy phép xuất khẩu cho các công ty của Trung Quốc, áp thuế đối với hàng điện tử Trung Quốc và cấm TikTok cùng hàng chục ứng dụng khác của nước này. 

Nhật Bản và Trung Quốc leo thang căng thẳng liên quan đến quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, đặc biệt sau khi Bắc Kinh thông qua luật Hải cảnh gây tranh cãi cho phép lực lượng hải cảnh nước này bắn vào tàu thuyền nước ngoài trong trường hợp họ cho là cần thiết. Australia và Trung Quốc cũng liên tiếp đối đầu trong một loạt tranh chấp thương mại.

Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua do cạnh tranh trên các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, ngoại giao, đến không gian mạng. Trong khi đó, Washington đã tăng cường tần suất các hoạt động hải quân và không quân tại Biển Đông, đẩy lùi yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở vùng biển này. 

Trong bài phát biểu ngày 3/3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi quan hệ Mỹ-Trung là “thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21” mà Mỹ phải đối mặt.

"Trung Quốc là quốc gia duy nhất có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ thách thức nghiêm trọng hệ thống quốc tế ổn định và rộng mở”. Ông Blinken nói thêm: “Quan hệ của chúng ta với Trung Quốc sẽ mang tính cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và thù địch khi buộc phải như vậy. Chúng ta sẽ hành xử với Trung Quốc từ vị thế đầy sức mạnh".

Về mặt quân sự, Trung Quốc có kế hoạch tăng 6,8% ngân sách quốc phòng trong năm 2021, lên đến 208 tỷ USD. Con số này chỉ bằng 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ nhưng cao gấp 4 lần so với chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản. Theo đánh giá của Mỹ, hải quân Trung Quốc - vốn được đánh giá là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục gia tăng số lượng tàu chiến trong những năm tới.

Ước tính số lượng tàu chiến của Trung Quốc sẽ tăng từ 360 chiếc vào năm 2020 lên đến 420 chiếc vào năm 2030, còn số lượng tàu chiến của Mỹ dự kiến tăng từ 297 vào năm 2020 lên đến 355 chiếc vào năm 2034. Bắc Kinh dự kiến sẽ hạ thủy tàu sân bay thứ 3 trong năm nay và đưa vào hoạt động cùng với các tàu sân bay Liêu Ninh, Sơn Đông.

Về mặt kinh tế, trong khi Mỹ đang phải đối mặt với sự suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, thì Trung Quốc đã sớm phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch. Hiện Bắc Kinh đang đẩy mạnh chương trình cải cách kinh tế toàn diện theo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025). Theo dự báo của Trung tâm nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR, Anh), Trung Quốc sẽ sớm soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới vào năm 2028.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng tham vọng gia tăng ảnh hưởng của nước này sẽ là những thách thức mà các nhà lãnh đạo của nhóm "Bộ Tứ" phải đối mặt khi tham gia hội nghị thượng đỉnh lần này.

1
Nhóm Bộ Tứ tập trận hải quân Malabar ở vịnh Bengal năm 2020. Nguồn: Twitter

Có hay không khả năng hình thành một liên minh chính thức?

Tổng thống Mỹ Biden luôn khẳng định tầm quan trọng của quan hệ liên minh, đồng thời cam kết sẽ lắng nghe các đồng minh và đối tác khi ông định hình chiến lược của Mỹ. Ngay từ khi lên nắm quyền, ông Biden đã khẳng định lập trường sử dụng các cơ chế hợp tác đa phương như "Bộ Tứ" để làm một công cụ ngoại giao nhằm tăng cường sức ảnh hưởng của Mỹ, đồng thời kiềm chế Trung Quốc.

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc họp thượng đỉnh lần này có thể tạo tiền đề để "Bộ Tứ" trở thành một liên minh chính thức. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, khả năng này sẽ khó xảy ra, bởi Ấn Độ - thành viên duy nhất có chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc luôn duy trì chính sách “tự chủ chiến lược”, giữ vững sự độc lập trong quan hệ với các nước lớn và tách rời các liên minh. Dù tăng cường hợp tác với Mỹ nhưng Ấn Độ vẫn là khách hàng mua vũ khí đầy tiềm năng của Nga và phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt thương mại. Hơn nữa, việc thành lập một liên minh chính thức giữa 4 nước thành viên có thể dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ từ Nga và Trung Quốc, có nguy cơ gây thêm bất ổn trong khu vực./.

Link: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/hoi-nghi-thuong-dinh-bo-tu-se-huong-mui-nhon-vao-trung-quoc-842013.vov

 

 

Theo Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)

 

.