Hãy lên tiếng khi thấy trẻ bị bạo hành!
Mặc dù đánh trẻ là hành động trái pháp luật nhưng nhiều người lại dửng dưng khi thấy bố mẹ đánh trẻ vì cho rằng đó là việc riêng của gia đình.
Các cơ quan tố tụng của TP Hồ Chí Minh đang gấp rút điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đúng người, đúng tội đối với những kẻ đã bạo hành gây ra cái chết với bé gái 8 tuổi. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây phẫn nộ dư luận nhiều ngày qua. Những kẻ phạm tội này rồi sẽ phải nhận những hình phạt nghiêm khắc nhất nhưng thêm một mạng trẻ nữa đã phải ra đi trong đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn.
Phẫn nộ vụ em bé 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong
Khu chung cư ở phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh - nơi cô bé 8 tuổi đã từng sống với bố và mẹ kế. Những người dân ở đây cho biết đã từng biết có việc bạo hành bé.
Phải làm cho ra lẽ - đó cũng là mong mỏi lớn nhất lúc này của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - người đang đồng hành cùng gia đình cô bé 8 tuổi tìm lại công bằng cho em. Theo bà Nữ, em bé đã bị bạo hành từ lâu. Trên người em có nhiều vết thương chồng chất cả mới lẫn cũ.
Cháu N.T.V.A. bị bạo hành dẫn đến tử vong ở Bình Thạnh |
Không chỉ phẫn nộ về hành vi tàn nhẫn của người mẹ kế đối với 1 em bé không có sức phản kháng, bà Nữ còn đặc biệt nhấn mạnh vai trò của người bố trong vụ việc này.
Vì tính chất và mức độ nghiêm trọng của vụ việc, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng tội danh "Hành hạ người khác" do Công an quận Bình Thạnh TP Hồ Chí Minh đề xuất là chưa đủ, mà phải là Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, thậm chí là giết người. Luật sư Nữ và gia đình nạn nhân chỉ mong vụ án được thực hiện nghiêm minh, đúng người đúng tội, tìm lại công bằng dù muộn màng cho em.
Hồi chuông cảnh tỉnh trẻ bị bạo hành
Những vụ việc bạo hành trẻ đến tử vong không chỉ có 1 mà ngay trong tháng trước, cũng có một em bé bị chính người trong gia đình đánh dẫn tới tử vong. Đó là một bé gái mới chỉ 3 tuổi ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang.
Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận trung bình 30.000 cuộc gọi mỗi tháng. Nhưng trong năm ngoái, năm mà nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, trẻ hầu hết ở trong nhà với người thân, số cuộc gọi tăng tới 40.000 - 50.000 cuộc mỗi tháng. Một nửa số cuộc gọi đến đường dây nóng là trẻ em từ 11-18 tuổi. Con số đặt ra câu hỏi, liệu trẻ dưới 11 tuổi có biết đến Tổng đài Bảo vệ trẻ em và có thể gọi xin trợ giúp được hay không?
Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân.
Bạo lực có thể trở thành thói quen nếu không được ngăn chặn từ sớm. Với những vụ án đau lòng xảy ra như chúng ta đã chứng kiến, mọi điều "giá như" đều là quá muộn màng. Trách nhiệm của cộng đồng là phải lên tiếng thay vì cầu nguyện khi sự việc đã rồi.
Theo PGS.TS. Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội): "Thực sự tôi nghĩ ở một khía cạnh nào đấy, dường như cùng với cả tốc độ đô thị hóa quá nhanh, con người của chúng ta càng ít để tâm đến cái nhu cầu và ít giúp đỡ nhau hơn. Cuộc sống bon chen, nó có quá nhiều các công việc làm cho mọi người chỉ tập trung vào những cái gì mà liên quan đến bản thân mình, lợi ích của mình rồi cơm áo gạo tiền của mình mà quên mất đi những nhu cầu cảm xúc của những người xung quanh, trong đó có cả những đứa trẻ ở xung quanh mình hoặc thậm chí là chính con cái của mình nữa. Và vì vậy cho nên là chúng ta cần phải nhận ra được cái hiệu ứng tâm lý này để phải thấy mình có trách nhiệm lên tiếng trong những trường hợp mà nhìn thấy những đứa trẻ có nguy cơ bị bạo hành".
Link: https://vtv.vn/xa-hoi/hay-len-tieng-khi-thay-tre-bi-bao-hanh-20220104105449797.htm
Theo VTV