Rải đinh trên quốc lộ: Cần chế tài đủ mạnh để ngăn chặn

Thứ Năm, 17/10/2019, 06:54 [GMT+7]

Nếu việc rải đinh gây hậu quả khiến người điều khiển phương tiện giao thông bị tai nạn nghiêm trọng, thì người rải có thể bị quy trách nhiệm hình sự.

Sau một thời gian "im ắng", gần đầy trên một số quốc lộ, đường cao tốc lại tái diễn tình trạng bị rải đinh, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vậy người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật?

1
Nạn đinh tặc hoành hành trở lại trong thời gian gần đây


Cách đây ít lâu, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt giữ đối tượng Trần Thị Lan trú tại xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh về hành vi rải định trên Quốc lộ 18 đoạn qua xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong.

Công an phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng bắt giữ đối tượng Hồ Như Hưng quê Thanh Hóa, hiện đang tạm trú tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai về hành vi rải các vật kim loại sắc nhọn hình thoi trên Quốc lộ 51.

Tại cơ quan công an, các đối tượng này đều khai nhận thực hiện hành vi rải đinh để tạo điều kiện cho người nhà và kiếm tiền cho bản thân từ việc may vá săm lốp. Thế nhưng, dù vì nguyên nhân gì, hành vi rải đinh trên quốc lộ đều không thể chấp nhận, đáng phải lên án và xử lý nghiêm.
 
Luật sư Trần Xuân Tiền- văn phòng Luật sự Đồng Đội cho biết, hình phạt dành cho “đinh tặc” đã được quy định rõ trong Nghị định số 46 năm 2016, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với các cá nhân thực hiện một trong những hành vi ném đinh, rải đinh, hoặc vật sắc nhọn khác gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông.

“Nếu như các hình thức đó gây hậu quả, người điều khiển phương tiện giao thông bị tai nạn nghiêm trọng, thì người rải đinh có thể bị quy trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 261 của Bộ Luật hình sự năm 2015, bổ sung 2017. Theo đó, người có hành vi rải đinh ra đường gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người khác tham gia giao thông hoặc làm chết người sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù cao nhất đến 10 năm”, luật sư Trần Xuân Tiền cho hay.

Bên cạnh đó, những người hưởng lợi từ hành vi rải đinh cũng không tránh khỏi trách nhiệm. Luật sư Tiền cho biết: Nếu rải đinh để cho gia đình có thu nhập, đây là công cụ phương tiện để phạm tội và những người đó phải chịu trách nhiệm liên đới, tức là đồng phạm. Biết được quan hệ nhân quả và có mối quan hệ trong gia đình đối với người rải đinh thì người hưởng lợi trong việc rải đinh phải bị pháp luật trừng trị và phải xử lý dưới góc độ vai trò đồng phạm.

Hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên cao tốc, quốc lộ cần được phát hiện và ngăn chặn xử lý kịp thời bởi nguy cơ phương tiện gặp nạn, nổ lốp là rất khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc rải đinh trên quốc lộ còn gây ra những nguy hiểm tiềm tàng về tai nạn giao thông, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người tham gia giao thông./. 

 

Theo VOV

.