Quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam tích cực
Trong tuần qua, các tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo đánh giá cao triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam đều ở ngưỡng từ 8 - 8,5%.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã công bố kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, cho thấy Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn hậu dịch bệnh.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 8,5% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là nền kinh tế duy nhất trong khu vực được Moody's điều chỉnh dự báo tăng. Moody's nhận định Việt Nam vẫn là nước thụ hưởng dòng vốn đầu tư chuyển hướng từ những bất ổn chính sách ở Trung Quốc.
Bà Era Dabla-Norris - Trợ lý Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định: "Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục sẵn sàng ứng phó với tình hình bất ổn trên thế giới và điều chỉnh một cách thận trọng các chính sách để vừa duy trì đà phục hồi vừa kiểm soát lạm phát. Giải quyết những vấn đề này sẽ cho phép Việt Nam phát huy tiềm năng tăng trưởng để phục hồi sau COVID-19 và tiếp tục phát triển một cách bền vững để đạt được mức thu nhập cao hơn".
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 8,5%. Ảnh minh họa. |
Hiện tại nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang công bố ý định đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Foxconn - đối tác chuỗi cung ứng chủ chốt của Apple, đang có kế hoạch đầu tư 300 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất tại Bắc Giang. Kế hoạch này sẽ tạo ra 30.000 việc làm tại địa phương.
Hay như Central Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, có ý định rót thêm 848 triệu USD để đầu tư vào thị trường Việt Nam. Central Group nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng sau đại dịch, với lĩnh vực bán lẻ có thể tăng 9%.
"Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Các công ty Pháp và châu Âu đang nắm bắt cơ hội thị trường mới để tự thành lập hoặc phục hồi nhanh chóng. Việc thực hiện Nghị quyết 128 của chính phủ có thể cho phép các doanh nghiệp phục hồi và trấn an các nhà đầu tư nước ngoài về tiềm năng của Việt Nam. Điều quan trọng là Việt Nam phải lấy được niềm tin của các nhà đầu tư bằng cách tiếp tục nỗ lực cải thiện sức hút của mình", ông Thibaut Giroux - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam đánh giá.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Fitch, Việt Nam đứng thứ 5 trong số 35 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế. Fitch cho rằng Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế và hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Link: https://vtv.vn/kinh-te/quoc-te-du-bao-tang-truong-kinh-te-viet-nam-tich-cuc-2022082808273328.htm
Theo VTV