Tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng mắc ca

Chủ Nhật, 17/04/2022, 18:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Để giải quyết việc chậm tiến độ của các dự án trồng mắc ca, tỉnh Điện Biên đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, với quyết tâm cao nhất là tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tập trung phát triển cây mắc ca.

Tại huyện Điện Biên, từ năm 2019 đến nay, đã có 4 dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh cấp phép với quy mô trên 15.000 ha. Bước đầu cho thấy, cây mắc ca trồng tại các xã trong huyện Điện Biên khá phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai.

Hiện nay các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đang đầu tư, phát triển cây mắc ca tại huyện Điện Biên theo mô hình chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất cây giống, trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phân tích, xác định được những khó khăn, huyện Điện Biên phấn đấu tiêu đến hết năm 2022 sẽ trồng được 4.500 ha cây mắc ca.

1
Phóng viên trao đổi với ông Phạm Duy Thành, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển mắc ca và giống cây lâm nghiệp Điện Biên.

Theo ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết UBND huyên đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 19 về Tăng cường phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện; đồng thời, UBND huyện cũng đã ban hành kế hoạch để triển khai chỉ thị này, trong đó tập trung yêu cầu các địa phương tăng cường vận động người dân về cơ chế chính sách và giá trị khi phát triển cây mắc ca.

“Bên cạnh đó, UBND huyện thành lập các tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình triển khai các dự án về mắc ca. Huyện Điện Biên xác định, để thực hiện được mục tiêu trồng 4.500 ha trong năm 2022 thì khâu quyết định chính là tuyên truyền, vận động người dân…” - ông Chinh nói.

Ông Phạm Duy Thành, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển mắc ca và giống cây lâm nghiệp Điện Biên, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng mắc ca: Để giải quyết bài toán phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên, ngoài vấn đề về tích tụ đất đai của các doanh nghiệp thì mấu chốt vẫn là sự quyết liệt của các cấp chính quyền trong tuyên truyền vận động nhân dân.

Đại diện ngành Nông nghiệp, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở NN và PTNN tỉnh Điện Biên: “Về góc độ ngành Nông nghiệp, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để thường xuyên làm việc với các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn đã được nhận diện. Sở Tài nguyên - Môi trường cũng phải hướng dẫn các huyện tổ chức đo đạc để giao đất giao rừng. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm mà tôi nghĩ các ngành, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo được kế hoạch phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.”

1
Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Dự án trồng cây mắc ca của tỉnh diễn ra ngày 13/4/2022.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển mắc ca, chiều 13/4/2022, UBND tỉnh Điện Biên, Ban chỉ đạo Dự án trồng cây mắc ca của tỉnh đã họp để triển khai, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới. Tại hội nghị này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô đã yêu cầu: Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá lại các dự án chậm tiến độ theo cam kết để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giảm quy mô, hoặc chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư khác.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban chỉ đạo Dự án tiếp tục đôn đốc các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thị, thành phố và doanh nghiệp có dự án trồng cây mắc ca chủ động thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh; thường xuyên tổ chức kiểm tra, nắm tình hình, tiến độ thực hiện các dự án để hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, hy vọng thời gian tới kế hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ có nhiều khởi sắc./.

 

 

Đức Trung - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN


 

.