Tăng lương tối thiểu vùng: Hài hòa lợi ích cho người lao động và chủ sử dụng lao động
Mức tăng lương tối thiểu vùng nhận được sự đồng thuận của đa số thành viên Hội đồng vì dung hòa được mong muốn của cả người lao động và người sử dụng lao động.
Sau hai năm không điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu do ảnh hưởng dịch bệnh, Hội đồng Tiền lương quốc gia mới đây biểu quyết và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 với mức tăng 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định. Cụ thể, vùng 1 tăng 260.000 đồng, vùng 2 tăng 240.000 đồng, vùng 3 tăng 210.000 đồng, vùng 4 tăng 180.000 đồng.
Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm việc, nhưng phải đảm bảo mức sống cơ bản của người lao động và gia đình họ. Đây là mức sàn để người lao động thương lượng mức lương thực tế tại doanh nghiệp. Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người lao động cần sớm được tăng lương để đảm bảo cuộc sống, và mức tăng 6% được cho là đã hài hòa lợi ích đôi bên.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách Pháp luật, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết: "Hội đồng tiền lương đã chốt được nhất trí cao đề xuất mức tăng 6% so với tiền lương hiện nay (áp dụng từ năm 2020). Đây là một mức vừa đảm bảo cải thiện đời sống người lao động, giúp họ vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn nhưng đồng thời cũng đảm bảo được khả năng chi trả của doanh nghiệp để hài hoà giữa các bên".
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mức tăng 6% ý nghĩa với người lao động, và 1 số ngành sử dụng ít lao động thì doanh nghiệp sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Chỉ một số ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử.... thì sẽ gặp 1 số khó khăn nhất định khi phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của cả năm.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói: "Có nhiều ngành không ảnh hưởng gì đến mức lương tối thiểu, có điều chỉnh cũng không ảnh hưởng vì mức trần của họ đã cao hơn mức lương tối thiểu nhiều rồi. Nhưng ở những ngành thâm dụng nhiều lao động sẽ có ảnh hưởng, trong thực tế sẽ ảnh hưởng trên dưới 10% trong số người sử dụng lao động có hợp đồng lao động, khoảng 17-18 triệu đồng".
Theo khảo sát mới đây của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tại trên 200 doanh nghiệp, có tới 46,2% người lao động phải làm cả giờ hành chính và giờ làm thêm mới đủ sống. Nhiều chuyên gia cho rằng mức tăng lương tối thiểu vùng 6% là hài hòa lợi ích cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động bởi mức 6% chia cho 2 năm qua chưa tăng lương thì mỗi năm cũng chỉ tăng khoảng 3%.
Link: https://vtv.vn/kinh-te/tang-luong-toi-thieu-vung-hai-hoa-loi-ich-cho-nguoi-lao-dong-va-chu-su-dung-lao-dong-20220413231429123.htm
Theo VTV