Điện Biên chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP
Điện Biên TV - Qua thời gian thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là OCOP), đã có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của tỉnh Điện Biên khẳng định lợi thế trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Ðể đạt được kết quả trên, các ngành, các địa phương cũng đã thực hiện nhiều giải pháp, nỗ lực nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội mà phải bền bỉ và thực hiện theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo của người dân là phương châm được huyện Điện Biên Đông xác định khi thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Trong quá trình triển khai thực hiện, huyện thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn các xã, chủ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã huy động được gần 1 tỷ đồng thực hiện các nội dung như tư vấn cho các chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP cấp huyện; hỗ trợ 1 chủ thể về thiết kế bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm đối với các sản phẩm: Bí xanh Tìa Dình, khoai sọ Phì Nhừ, lạc đỏ Na Son, thịt lợn khô; hỗ trợ in tem truy xuất nguồn gốc cho các chủ thể có sản phẩm đạt sao cấp tỉnh.
Một số sản phẩm OCOP của huyện Điện Biên Đông. |
Thực hiện dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm giữa các hộ dân với Hợp tác xã nông nghiệp huyện Ðiện Biên Ðông và một số đơn vị khác. Từ 6 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, đến nay huyện đã có 4 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh gồm: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ và thịt lợn sấy khô.
Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông, cho biết: “Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP đã đạt 3 sao, mở rộng diện tích cũng như hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, thực hiện công tác xúc tiến thương mại, bao tiêu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh để làm sao mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân.”
Diệp Thanh Trà - sản phẩm đạt OCOP 3 sao của huyện Tủa Chùa. |
Năm 2021, toàn tỉnh có thêm 9 sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm được chứng nhận, phân hạng lên 44 sản phẩm. Để chuẩn hóa các sản phẩm lợi thế theo tiêu chí OCOP, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, hỗ trợ về khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất; tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa, áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm và đăng ký bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn hàng hóa...
Để trợ lực cho các địa phương, chủ thể tham gia Chương trình OCOP, hàng năm tỉnh đều phân bổ kinh phí với mục tiêu khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo chuỗi giá trị bền vững. “Năm 2022, chúng tôi đã trình một đề án phát triển làng nghề gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, đây là đề án mang tính chiến lược, mà người dân cùng tham gia phát triển các sản phẩm gắn với làng nghề hướng tới sản phẩm du lịch.” - ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, nói.
Sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao Mật ong hoa Ban của HTX Ong mật Điện Biên. |
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 là nâng cao chất lượng các sản phẩm đã đạt sao và phát triển các sản phẩm OCOP mới, có ít nhất 90 - 100 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh; có 5 - 7 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; đảm bảo 100% sản phẩm OCOP được truy xuất nguồn gốc.
Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ về cơ chế, chính sách; huy động, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ, bên cạnh đó đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối quảng bá thương hiệu sản phẩm; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước để sản phẩm OCOP được giới thiệu rộng hơn tại các thị trường ngoài tỉnh./.
Thu Nga - Chí Công/DIENBIENTV.VN