Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giữa cao điểm chống dịch

Thứ Ba, 23/11/2021, 10:47 [GMT+7]

Điện Biên TV - Thời gian gần đây, do ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19, nguồn cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh, trong đó có các loại thực phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng, thực phẩm bị tác động, khiến cho nhiều mặt hàng tăng giá. Người tiêu dùng cũng vì thế mà do dự mỗi khi đi mua sắm.

Rau xanh là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh những ngày vừa qua. Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, giá các loại rau, củ, quả đã tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg tùy loại, đặc biệt là rau ăn lá và các loại rau gia vị đã tăng giá mạnh so với cách đây vài tuần.

Lý giải nguyên nhân, nhiều tiểu thương cho rằng, nguồn cung ứng hàng rau, củ đang bị hạn chế do rau vụ hè giảm sản lượng vì đang hết mùa, rau vụ đông chưa đến kỳ thu hoạch.

1
Rau xanh là mặt hàng tăng giá khá mạnh thời gian gần đây.

Không chỉ thực phẩm tươi sống mà một loạt mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, gia vị, lương thực khô, bánh kẹo, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng… cũng đồng loạt tăng giá. Các mặt hàng tăng giá khiến cho người nội trợ do dự mỗi khi đi chợ mua sắm, thị trường tiêu thụ cũng vì thế ảm đạm hơn. “Giá cả nhiều mặt hàng tăng cao khiến sức mua hạn chế, trong khi đó do dịch bệnh nên nhà hàng, quán ăn nghỉ, bán lẻ cho người dân cũng không đáng bao nhiêu.” - chị Nguyễn Thị Lụa, một tiểu tương tại chợ Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, cho biết.

Thực tế hiện nay, theo đà tăng của xăng dầu, gas, cùng với giá nguyên liệu của nhiều lĩnh vực sản xuất đều tăng mạnh khiến giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đồng loạt tăng. Điều này đã gây khó khăn không nhỏ đối với đời sống người dân. Người tiêu dùng phải cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng hơn trong việc chi tiêu, mua sắm. Người kinh doanh cũng phải chịu những gánh nặng nhất định, đặc biệt là trong bối cảnh đang phục hồi sản xuất kinh doanh.

1
Giá cả tăng cao khiến sức mua giảm, nhiều người tiêu dùng phải bóp hầu bao.

“Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá cả hầu hết các mặt hàng đều tăng, cũng chính vì thế gia đình tôi phải thắt chặt chi tiêu, mua đồ ăn thức uống đều phải tính toán với lượng vừa đủ để tránh lãng phí.” - bà Lưu Trúc Phương, một người nội trợ, nói.

Nhiều người dân cũng bày tỏ lo ngại, với đà tăng giá này, vào thời điểm tháng 12 và giáp Tết, giá cả hàng hóa các mặt hàng tiêu dùng sẽ có nguy cơ tăng cao hơn nữa, ảnh hưởng nhiều tới việc chi tiêu của người dân.

Để tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát công tác kê khai giá, kiên quyết xử lý các hành vi lợi dụng tăng giá nhằm trục lợi bất chính, góp phần bình ổn thị trường trong thời gian tới./.

 

 

Minh Trang - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN
 

.