Khó kiểm soát mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ bán hàng online

Thứ Tư, 27/01/2021, 14:57 [GMT+7]

Điện Biên TV - Việc mua, bán các mặt hàng thực phẩm thông qua hình thức online đang ngày càng phát triển, tuy nhiên cho đến nay, công tác quản lý, kiểm soát và xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng liên quan tới đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hoạt động kinh doanh online đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Theo xu hướng hiện nay, chị Lò Thị Lả (TP. Điện Biên Phủ) và nhiều khách hàng thường biết đến các địa chỉ bán thực phẩm online thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook và các trang rao vặt.
Theo chị Lả, không chỉ riêng chị mà rất nhiều người mua đồ ăn qua mạng, điều này đã trở nên rất phổ biến. “Tôi thường mua của người quen, nhưng đúng là để khẳng định có đảm bảo an toàn thực phẩm hay không thì mình không dám chắc.” – chị Lả nói.

Qua tìm hiểu, hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh online đều không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng... cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng nên nguy cơ ngộ độc khi ăn phải là điều không tránh khỏi.
Mặc dù vậy, việc kiểm soát, hay xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh online lại đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

1
"Đi chợ online" - có thể gọi nó như một xu hướng kinh doanh, tiêu dùng trong thời buổi mạng internet phủ khắp như hiện nay. Chỉ cần có thiết bị kết nối mạng, cả người bán và người mua đều dễ dàng tiếp cận nhau. Song, chất lượng của các sản phẩm lại là một câu chuyện đáng bàn.

Theo thống kê của phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên, từ đầu tháng 1 đến nay, thực hiện đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm. Lực lượng chức năng các đơn vị đã xử lý trên 30 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, trong đó chỉ mới phát hiện được 3 trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm dưới phương thức bán hàng online.

“Trong thời gian vừa qua chúng tôi đã xử lý hàng chục vụ vi phạm nhưng trong đó có 3 vụ vi phạm là bán hàng online. Thực tế, công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hình thức bán hàng online cũng đang gặp phải rất nhiều bất cập, khó khăn.” – Thượng tá Phạm Văn Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Điện Biên, cho biết.

Đáng chú ý, vừa qua, Đội Quản lý thị trường cơ động số 5 còn phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh phát hiện hành vi vi phạm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thịt trâu khô không có nguồn gốc, hóa đơn. Theo khai nhận của người vi phạm, hơn 200 gói ghi là thịt trâu khô với tổng trọng lượng hơn 100kg, thực chất là thịt lợn khô, được “phù phép” và mua vào với giá 300 nghìn đồng/1 kg, vận chuyển từ Hưng Yên lên Điện Biên, sau đó, thông qua hình thức bán hàng online sẽ được đối tượng đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh thành phố trong cả nước.

1
Nếu không bị lực lượng chức năng phát hiện, cả trăm kg thịt trâu khô (mà thực chất là thịt lợn sấy khô) được chủ hàng nhập từ Vĩnh Phúc lên Điện Biên sẽ lại tiếp tục đến với thực khách muôn phương dưới hình thức bán hàng online.

Theo Ông Nguyễn Văn Kiên - Đội QLTT cơ động số 5, Chi cục Quản lý thị trường Điện Biên: Đa phần các trường hợp bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý, người vi phạm đều khai nhận liên hệ với người bán hàng qua các trang mạng như Facebook hay Zalo, cũng chưa từng đến nơi sản xuất để trực tiếp kiểm định. Thêm nữa, hầu hết các mặt hàng này giá thành đều rẻ hơn rất nhiều so với giá bình thường của các cơ sở sản xuất chính hãng. Chính bởi hám lợi nên người bán bất chấp các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Trước những khó khăn, bất cập của việc xử lý vi phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh online, kết hợp với việc xử lý mới chỉ dừng lại ở các hình thức: cảnh cáo, phạt tiền, khắc phục hậu quả, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm, đình chỉ hoạt động… Do đó, thị trường thực phẩm Tết chắc chắn sẽ là cơ hội cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thông qua hình thức online chen lẫn hàng thật có chất lượng đánh lừa người tiêu dùng.

Vì vậy, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng thì người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức khi mua sắm, cảnh giác khi mua hàng và phải nhận thức rõ vai trò của mình trong việc phát hiện cũng như phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với hình thức kinh doanh online./.

 

 

Lý Quỳnh – Văn Hùng/DIENBIENTV.VN
 

.