Vấn đề phát triển kinh tế tập thể ở Điện Biên

Bài 1: Phát triển kinh tế tập thể còn không ít khó khăn

Thứ Hai, 09/11/2020, 15:35 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau gần 8 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 (HTX), các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã từng bước được củng cố, đổi mới. Mặc dù vậy, việc phát triển của nhiều hợp tác xã trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, còn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường, dẫn đến ngừng hoạt động, giải thể. Vậy, khó khăn, vướng mắc là gì và giải pháp nào để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương và nâng cao hiệu quả của các hợp tác xã trên địa bàn?

Hợp tác xã Thủy sản Thanh Chăn, huyện Điện Biên được thành lập vào năm 2009 với 20 thành viên, ngành nghề chính là nuôi trồng và sản xuất cá giống.

Với tổng diện tích mặt nước khoảng 4,5ha, giai đoạn từ khi thành lập đến những năm 2017-2018, hợp tác xã phát triển rất tốt, đầu ra ổn định, trung bình mỗi năm xuất bán từ 15-20 tấn cá giống, mang lại thu nhập đáng kể cho các thành viên.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Yên – Giám đốc HTX thủy sản Thanh Chăn, từ cuối năm 2018 trở lại đây, HTX rơi vào trạng thái khó khăn do thiên tai, dịch bệnh… dẫn đến phải tạm ngừng hoạt động và đứng bên bờ vực giải thể.

HTX
HTX Thủy sản Thanh Chăn ngừng hoạt động từ cuối năm 2018 và đang đứng bên bờ vực giải thể.

Không chỉ những HTX đang phải tạm ngừng hoạt động mà với những hợp tác xã hoạt động hiệu quả như HTX Na Sang, huyện Mường Chà nhiều khó khăn cũng đang bủa vây.

Hiện HTX có trên 160ha dứa, trong đó có 63 ha dứa được trồng theo chuẩn VietGap. Bên cạnh đó, sản phẩm dứa của HTX cũng tìm được đầu ra ổn định bằng việc ký được hợp đồng tiêu thụ từ 2.000 - 2.500 tấn dứa/năm với Công ty TNHH Nông sản xuất khẩu Tấn Phát tại tỉnh Nam Định đến năm 2024.

Song, hiện HTX đang phải giải quyết bài toán khó về tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGap để quả dứa đạt chất lượng và trọng lượng theo hợp đồng đã ký kết.

Ông Lê Thanh Tâm - Chủ nhiệm HTX Na Sang, chia sẻ: “Nhiều công ty đã ký hợp đồng mua dứa và yêu cầu mỗi tuần phải cung cấp cho họ từ 50 – 70 tấn quả, trọng lượng quả phải từ 1kg trở lên. Chúng tôi đã hướng dẫn bà con trồng theo phương pháp VietGap nhưng chỉ được chất lượng, còn cân nặng và số lượng không đảm bảo bởi lẽ bà con nơi đây không có tiền để đầu tư phân bón cho cây dứa”.

Theo đánh giá của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, những năm gần đây, số lượng các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, nhưng chất lượng thì vẫn hạn chế.

Ðến nay, toàn tỉnh có 235 hợp tác xã, trong đó 174 hợp tác xã đang hoạt động với 37% trong số này hoạt động thực sự hiệu quả và 60 hợp tác xã đã ngưng hoạt động, chờ giải thể.

Thậm chí một số HTX được thành lập chỉ nhằm mục đích đạt tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất trong chương trình xây dựng Nông thôn mới.

HTX
Quy mô nhỏ, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, vấn đề tiêu thụ sản phẩm… là nhiều trong vô số nguyên nhân khiến các HTX trên địa bàn tỉnh Điện Biên hoạt động không hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Nguyên nhân các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, theo ông Phí Văn Dương - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên, chủ yếu là do quy mô nhỏ, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; giá cả thị trường không ổn định, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm…

Thực tế cho thấy, việc phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế tập thể chậm đổi mới, trong sản xuất kinh doanh còn lúng túng nên hiệu quả chưa cao.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này song nguyên nhân chính vẫn là nguồn kinh phí hạn hẹp, chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước nên nhiều chính sách chưa được triển khai hoặc hiệu quả thấp. Bởi vậy, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển loại hình kinh tế này trên địa bàn./.
                          

 

Phương Dung - Đức Bình/DIENBIENTV.VN
 

.