Hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số - Những vấn đề đặt ra với địa phương và doanh nghiệp
Các đại biểu đến dự. |
Đến dự có các đồng chí: Bùi Thanh Sơn – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao; Lò Văn Muôn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Mùa A Sơn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Hùng Tiến – Quyền Giám đốc tổ chức Friedrich Naumann tại Việt Nam.
Đồng chí Mùa A Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chào mừng Hội nghị. |
Tại hội nghị khu vực Tây Bắc bộ về Hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số - Những vấn đề đặt ra với địa phương và doanh nghiệp đồng chí Mùa A Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội nghị khu vực Tây Bắc Bộ (tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai) về Hội nhập quốc tế và phát triển bền vững, là Hội nghị rất quan trọng, là cơ hội để các đại biểu cập nhật thông tin về tình hình thế giới, khu vực, việc triển khai hội nhập quốc tế của nước ta; trao đổi những vấn đề đặt ra cho chuẩn bị trong nước nhằm thực thi hiệu quả các cam kết FTA thế hệ mới; thảo luận các biện pháp nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế, quốc tế vì phát triển bền vững của địa phương, doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đây là cơ hội tốt nhất để tỉnh Điện Biên cũng như các tỉnh trong khu vực trao đổi, học tập được nhiều điều bổ ích. Đây cũng là dịp đề Đoàn công tác Bộ Ngoại giao và đại biểu của các tỉnh bạn tìm hiểu, trải nghiệm thêm về vùng đất lịch sử, con người và văn hóa các dân tộc anh em của tỉnh Điện Biên.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Cuộc cách mạng 4.0 đặt ra nhiều vấn đề mới phải xử lý, trong khi đói nghèo, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thiên tai, dịch bệnh...vẫn là thách thức lớn của toàn cầu.
Năm 2019 đánh dấu giai đoạn mới của hội nhập quốc tế của Việt Nam, đó là hội nhập và liên kết quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiện nước ta là tâm điểm của mạng lưới kết nối 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 59 đối tác, mở ra cơ hội mở rộng và đa dạng hóa thị trường, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, việc tham gia các Hiệp định quốc tế là những đột phá quan trọng của hội nhập quốc tế nước ta, tạo ra cơ hội thúc đẩy kinh tế đối ngoại và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo đường lối phát triển của Đảng. Song hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng cũng đặt ra những yêu cầu mới, hoàn toàn khác so với giai đoạn trước, nhất là việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với công nghệ số; hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực đồng bộ và sự đồng hành của các cấp, ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các báo cáo thông tin tình hình thế giới và triển khai đối ngoại của nước ta; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2030 - những vấn đề đặt ra với các tỉnh Tây Bắc Bộ trong phát triển nhanh và bền vững; giai đoạn mới của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong kỷ nguyên số - vấn đề đặt ra với các địa phương, doanh nghiệp; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến độ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU...
Hội nghị được tổ chức nhằm cập nhật tình hình thế giới và những vấn đề mới đặt ra cho hội nhập quốc tế nước ta trong thời đại số và trong thực thi các FTA thế hệ mới để giúp cho các địa phương nắm bắt và vận dụng trong đề xuất, xây dựng chính sách và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, qua đó kết nối, hỗ trợ và đồng hành cùng với các địa phương khu vực Tây Bắc bộ trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, giúp cho Bộ Ngoại giao tiếp nhận các ý kiến của địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để đóng góp cho xây dựng đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới, góp phần đề xuất chính sách và biện pháp hỗ trợ hiệu quả cho các địa phương, doanh nghiệp trong phát triển và hội nhập quốc tế./.