Điện Biên

Ruộng khai hoang vùng cao Na Tông khô khát

Chủ Nhật, 19/05/2019, 16:02 [GMT+7]

Điện Biên TV - Khai hoang ruộng nước có vai trò quan trọng giúp người dân vùng cao khai thác triệt để đất sản xuất chưa được sử dụng, giúp đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu nên nhiều diện tích ruộng đã khai hoang ở các xã vùng cao sản xuất không ổn định.

Được khuyến khích khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích trồng lúa nước ở các khu vực có đất đai chưa sử dụng và đất hoang hóa, bà con nông dân xã Na Tông huyện Điện Biên đã rất tích cực khai khẩn, phục hóa đồng ruộng.

Từ những năm 2012 – 2013 đến nay, toàn xã đã có hàng trăm ha ruộng nước được khai hoang, phục hóa. Tuy nhiên ruộng khai hoang thường ở khu vực đồi núi dốc và chưa có công trình thủy lợi, nên việc tưới tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều diện tích lúa ruộng gieo cấy trên đất khai hoang đã bị khô héo trong đợt nắng nóng kéo dài từ đầu tháng Tư đến nay. 

1
Nhiều diện tích lúa ruộng gieo cấy trên đất khai hoang đã bị khô héo trong đợt nắng nóng kéo dài từ đầu tháng Tư đến nay

 

Khu ruộng khai hoang trên 60ha năm 2012, 2013 của các bản Na Tông 1 và Na Tông II, xã Na Tông, huyện Điện Biên, Khu ruộng này được tưới bởi nguồn nước từ hồ thủy lợi Na Hươm. Để tưới cho khu ruộng khai hoang này và một số diện tích ruộng quanh đây, người ta đã xây dựng hệ thống kênh nội đồng dài trên 3.700m, gồm kênh gia cố và tuyến dẫn bằng ống nhựa UPVC chôn sâu 0,7m, đưa nước từ kênh chính của hồ chứa nước Na Hươm tới các bãi tưới.

Tuy nhiên, vào mùa khô mực nước hồ thường rất thấp, không đủ tưới cho toàn bộ cánh đồng. Vụ chiêm năm nay, nắng kéo dài, hơn nửa diện tích ruộng ở đây phải bỏ hoang do không có nước tưới.

Ông Vì Văn Tâm, Trưởng bản Na Tông I, xã Na Tông, huyện Điện Biên cho biết: Khu ruộng này cả hai bản Na Tông I, II xen kẽ nhau, diện tích khoảng 62 ha. Tùy theo năm bà con ở đây làm nhiều hơn hay ít hơn theo thời tiết. Nói chung trồng cấy ở đây ruộng mới khai hoang làm nó không được tốt mấy. Vụ mùa thì nước tưới tiêu đủ, nhưng vụ chiêm không được đầy đủ. Nước hồ nó không được nhiều. Không có nước tưới thì chủ yếu bà con làm 1 vụ thôi.
 
Không chỉ khu ruộng khai hoang của các bản Na Tông I và II thiếu nước vụ chiêm, mà bản Na Sản xã Na Tông cũng xảy ra tình trạng tương tự. Dải ruộng này có diện tích khoảng 5 ha. Ruộng được bà con khai hoang, thiết kế theo kiểu ruộng bậc thang, một phần được tưới bởi hệ thống kênh của hồ Na Hươm, phần còn lại đón nguồn nước tưới từ các khe, lạch trên các vùng núi, đồi quanh đây chảy xuống.

Tuy nhiên, nằm phía cuối hệ thống kênh Na Hươm nên nước tưới cho khu ruộng này không ổn định. Nhờ nước trời là chủ yếu, trên khu ruộng bậc thang này hàng năm bà con bản Na Sản thường gieo cấy các giống lúa ngắn ngày và gieo rất muộn để đợi mưa. Từ tháng ba đến nay mưa ít, kèm theo các đợt nắng nóng kéo dài, các khe, lạch khô cạn nên một nửa diện tích ruộng gieo cấy ở đây đã bị thiệt hại.
 
Để khai hoang, phục hóa 1 ha ruộng nước trên đồi núi dốc, phải mất hàng trăm triệu đồng san, ủi mặt bằng. Bà con nông dân cũng phải tự đào mương, phai dẫn nước vào ruộng và phải qua 3-4 vụ trồng trọt, cải tạo năng suất lúa mới đảm bảo.

Nhưng phần lớn ruộng khai hoang vùng cao nằm trên khu vực có độ dốc lớn, khó khăn về thủy lợi, vì vậy việc sản xuất hai vụ không mấy khả thi. Biết là khó nhưng người nông dân chỉ sống bám vào đồng ruộng vẫn cố gắng khai hoang thêm ruộng đất, hy vọng thời tiết thuận lợi giúp họ tăng vụ, đủ ăn.

1
Hệ thông mương dẫn nước khô cạn không có nước phục vụ tưới tiêu

 

Năm 2014 và 2015 bà con xã Na Tông khai hoang được 72 ha ruộng. Từ 2016 đến nay, mỗi năm họ tiếp tục đăng kí với UBND huyện khai hoang từ 0,5 đến 1ha mỗi năm. Thêm ruộng là có thêm thóc lúa, giảm đi nỗi lo thiếu đói của người dân vùng cao. Tuy nhiên công sức khai hoang bà con bỏ ra nhiều mà hiệu quả sản xuất thì rất thấp. Công trình thủy lợi đầu tư trên địa bàn chủ yếu phục vụ cho mùa khô, nhưng hiệu quả tưới tiêu kém khiến vụ chiêm trên đồng ruộng Na Tông vẫn luôn là mùa khô hạn.
 
 Ông Vì Văn Biến, Chủ tịch UBND xã Na Tông, huyện Điện Biên cho biết: Từ khi tách xã năm 2013, xã cũng có Nhà nước xây cho công tình thủy lợi hồ Nam Hươm, tưới cho khu vực này là 72,5ha. Tuy nhiên để làm được hai vụ thì rất khó khăn, tận dụng hết công suất rồi mà vẫn chỉ tưới được một nửa diện tích. Diện tích cả xã 221 ha làm vụ mùa, tận dụng nước mưa, nước kênh chỉ hỗ trợ vụ chiêm 73,5 ha, nhưng khô hạn tương đối nhiều. Diện tích khai hoang năm 2011 – 2012 một số diện tích tưới tiêu không đạt hiệu quả, năng suất kém đã chuyển sang trồng ngô.

Những người dân nghèo rất hy vọng vào việc khai hoang, phục hóa ruộng nước. Tuy nhiên ruộng khai hoang sản xuất hiệu quả ra sao lại phụ thuộc vào thủy lợi. Không chỉ riêng ở Na Tông mà ở nhiều xã vùng cao các đại phương khác trên địa bàn tỉnh, thủy lợi vẫn luôn là vấn đề khó khăn, bức xúc đối với người nông dân trong khai hoang đồng ruộng, ổn định sản xuất.


                                                                               

 

Minh Giang – Ngọc Bích/DIENBIENTV.VN

.