Thiếu căn cứ áp giá sàn vé máy bay?
Đề xuất áp thêm khung giá sàn (mức giá thấp nhất) cho vé máy bay ở các đường bay nội địa đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Điều này cũng sẽ hạn chế cạnh tranh giữa các hãng hàng không, từ đó gây bất lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chưa có căn cứ, cơ sở rõ ràng để áp giá sàn vé máy bay.
Ảnh minh họa |
Trong văn bản góp ý về khung giá vé máy bay gửi Bộ Giao thông Vận tải cuối tháng 3 vừa qua, trên cơ sở phân tích chi phí của một chuyến bay, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đề xuất giá vé hạng phổ thông thấp nhất (sàn) cho một chuyến bay nội địa là 1,54 triệu đồng, cao nhất (trần) là 4,2 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines cũng kiến nghị áp dụng giá sàn từ 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng tùy theo chặng bay. Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet Air không đồng tình với các đề xuất này và cho rằng việc quy định giá sàn vé máy bay nội địa sẽ hạn chế cơ hội cạnh tranh của các hãng hàng không giá rẻ thông qua việc giảm giá thành dịch vụ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nếu áp mức giá sàn thì tới đây giá vé máy bay các tuyến nội địa sẽ không thể thấp hơn các mức giá nêu trên. Người dân sẽ không còn được tiếp cận với giá vé rẻ và điều này có thể hạn chế nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình đến thấp.
Thực tế lâu nay, giá vé máy bay mới chỉ áp giá trần (tức mức giá cao nhất không được phép vượt qua) chứ không áp giá sàn. Việc áp giá trần là cần thiết, vì kinh doanh hàng không hiện có cạnh tranh ở một số đường bay lớn, nhưng vẫn còn có một số đường bay độc quyền, chỉ có một hãng hàng không khai thác.
Quy định giá trần là để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng vị trí độc quyền nâng giá quá cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Còn với đề xuất cần phải quy định giá sàn vé máy bay, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng không cần thiết. Khi không có giá sàn, các hãng hàng không phải cạnh tranh với nhau để đưa ra mức giá tốt và dịch vụ tốt nhất, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Trên thế giới cũng có một số nước đã và đang áp dụng giá sàn với vé máy bay. Chẳng hạn như Trung Quốc, lấy lý do là chống tình trạng cạnh tranh không bình đẳng, Cục Hàng không Dân dụng nước này trong một thời gian dài đã áp giá sàn lên giá vé máy bay nội địa.
Giá vé máy bay nội của Trung Quốc thuộc vào mức cao trên thế giới. Theo điều tra của Kiwi.com vào năm 2016, vé máy bay nội địa giá rẻ bình quân của Trung Quốc có mức 13,1 USD/100 km, cao gấp 3,7 lần so với Hoa Kỳ và 5,6 lần so với Malaysia. Trong khi đó, giá vé đường bay quốc tế của Trung Quốc không bị kiểm soát giá và có cạnh tranh mạnh chỉ là 2,84 USD/km. Sau đó, chính sách giá sàn của Trung Quốc đã được hủy bỏ.
Hay như Indonesia, lý do để Bộ Giao thông của nước này quy định giá sàn đối với hàng không nội địa là vì lo ngại các hãng đua nhau cạnh tranh, cắt giảm chi phí ảnh hưởng chất lượng dịch vụ an toàn bay. Nhưng thực tế, quy định giá sàn cũng không cải thiện được chất lượng dịch vụ và an toàn bay. Nước này vẫn là nơi có mức an toàn bay nội địa thấp trên thế giới.
Đối với Việt Nam, việc áp giá sàn không phải do yêu cầu của cơ quan quản lý để đảm bảo chất lượng và an toàn bay, mà là của các doanh nghiệp đang chịu sức ép cạnh tranh. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, không có cơ sở để quy định giá sàn với đường bay nội địa. Bởi cho đến nay hầu như không có bằng chứng cho thấy có hiện tượng hãng hàng không bán giá thấp kỷ lục tất cả các chặng bay liên tục trong một thời gian dài.
Rõ ràng, yếu tố cạnh tranh giữa doanh nghiệp hàng không những năm qua giảm bớt sự độc quyền, người tiêu dùng vì thế phần nào được hưởng lợi, khi giá vé máy bay được giảm xuống. Dịch vụ hàng không Việt Nam cũng chuyển mình theo hướng thị trường và hội nhập với thế giới. Do đó, việc quy định giá sàn cần phải xem xét thận trọng để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, đề xuất giá sàn đối với vé máy bay hiện mới chỉ là đề xuất từ phía doanh nghiệp. Vấn đề này cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi có quyết định về giá sàn trong khung giá mới./.
Theo VOV