Nhập siêu 3 tháng tăng cao: Nên mừng hay lo?
Nhập siêu lớn chứng tỏ sản xuất kinh doanh vận hành tốt nhưng cũng đặt ra thách thức đối với sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
3 tháng đầu năm nay, nhập siêu của cả nước tăng cao khoảng 1,9 tỷ USD, tương đương 4,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo các chuyên gia kinh tế, với một nền kinh tế không có lợi thế trong sản xuất máy móc và thiết bị, thì nhập khẩu là điều đương nhiên. Do vậy, thâm hụt thương mại của Việt Nam không phải là điều đáng lo ngại.
Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt hơn 89 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 43,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 46 tỷ USD. Mức nhập siêu tháng 2 và tháng 3 cao hơn rất nhiều so với tháng 1, khi 2 tháng liên tiếp mỗi tháng nhập siêu tới hàng tỷ USD.
Tính chung 3 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu đạt gần 46 tỷ USD. (Ảnh minh họa: KT) |
Nguyên nhân nhập siêu trong quý 1 tăng cao là do kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Công ty Samsung giảm tới hơn 800 triệu USD, điều này khiến tăng trưởng xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến bị kéo thấp xuống. Ngoài ra, việc tăng nhập khẩu các nhóm hàng phục vụ sản xuất trong nước như máy móc thiết bị, máy tính, linh kiện, vải vóc, nguyên liệu da giày… cũng tác động mạnh đến con số nhập siêu.
Bên cạnh đó, phần giải ngân các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để phục vụ mua sắm máy móc, thiết bị như Dự án Samsung Display Bắc Ninh, các dự án sợi tại Bình Dương… lên tới 3,6 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái cũng ảnh hưởng lớn đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.
Với mức tăng này trong 3 tháng đầu năm, chuyên gia kinh tế - tài chính Cấn Văn Lực phân tích, một số hoạt động sản xuất kinh doanh đã nhộn nhịp ngay từ đầu năm khi tín dụng 2 tháng tăng 2% trong khi đó cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 0,5%. Điều này chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại.
“Nền kinh tế đã có mặt tích cực, chứng tỏ sản xuất kinh doanh đã bắt đầu vận hành rất tốt qua chỉ số PMI là 54,2 điểm, gần như là mức cao nhất trong 4 năm vừa qua. Tuy nhiên, mức nhập siêu cao 3 tháng đặt ra lo ngại tăng áp lực về nhập siêu của cả năm nay, từ đó tạo ra áp lực liên quan đến cán cân thanh toán, tỷ giá và cả nguồn vốn ngoại tệ để thanh toán xuất, nhập khẩu”, chuyên gia Cấn Văn Lực nêu rõ.
Gần 2 tỷ USD nhập siêu là con số khá lớn, bằng hơn 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tỷ lệ này cao hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là kiềm chế nhập siêu ở mức 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm nay. Nếu xét trên khía cạnh này thì nhập siêu đang là điều đáng lo ngại, bởi biểu hiện đó cho thấy những bất ổn của cán cân vĩ mô và nhập siêu sẽ dẫn đến thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, khiến dự trữ ngoại hối giảm, gây áp lực lên tỷ giá…
Mặc dù vậy, khi nhìn vào cơ cấu hàng nhập khẩu của Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên quá lo lắng bởi trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất hơn là xuất khẩu hàng hóa. Số lượng nhập khẩu những mặt hàng này cũng đều chiếm tỷ trọng cao và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đây đều là các loại hàng hóa phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, số liệu xuất siêu của Việt Nam trong thời gian qua phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước đã phát triển. Nhưng nếu nhìn lại cán cân thanh toán và giá trị thặng dư từ xuất khẩu vẫn do các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước vẫn tạo ra giá trị nhập siêu lớn.
“Nếu nhập siêu lớn tức là tốc độ tăng trưởng và khả năng phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam đang lớn lên. Nhưng đối với xuất siêu, ở một chừng mực nào đó trong bối cảnh của nền kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị các doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn vượt trước”, ông Kiên cho biết.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận định, với một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu nhập khẩu như Việt Nam, việc xuất siêu chưa hẳn là đáng mừng và nhập siêu chưa hẳn đáng lo. Trong trường hợp này, nhập khẩu nhiều là để phục vụ sản xuất và đây là dấu hiệu cho thấy sản xuất sẽ phục hồi trong thời gian tới.
Cùng với đó, tình hình sản xuất, kinh doanh cũng sẽ được cải thiện trong những tháng tiếp theo. Nếu nhập siêu để phục vụ sản xuất thì đó không phải là điều đáng lo ngại và sẽ có tác dụng cho tăng trưởng các quý sau.
Tuy nhiên, ông Lưu Bích Hồ cũng lưu ý, Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Và vì thế, dù có xuất siêu đi nữa thì cũng không bền vững và nhập siêu có thể quay trở lại vào bất cứ lúc nào, khi nền kinh tế ấm lên. Do đó, cần phải có những giải pháp nhất định để kiềm chế nhập siêu.
“Cần đẩy mạnh xuất khẩu, tìm thêm thị trường có thể thay thế Mỹ có khả năng thực hiện bảo hộ cả về thuế quan và hàng rào phi quan thuế. Nên giảm bớt nhập khẩu hàng tiêu dùng vì đã tăng gần 20% trong quý I, nhất là có cách xử lý đối với ô tô nguyên chiếc nhập từ thị trường ASEAN đã tăng 76% trong quý I. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm, khả năng nhập khẩu sẽ vẫn tăng thêm nên sẽ vừa đòi hỏi phải tăng xuất khẩu nhiều hơn, vừa phải khống chế nhập khẩu chặt chẽ hơn để thật sự phát huy hiệu quả cho tăng trưởng tốt hơn...”, chuyên gia Lưu Bích Hồ chỉ rõ.
Mức nhập siêu tăng đang là một nỗi lo của nhiều nhà hoạch định kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nhập siêu thời gian qua là do các ngành sản xuất trong nước có tốc độ tăng khá nên nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhập siêu lớn vẫn còn là một thách thức đối với sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế./.
Theo VOV