Nghề nuôi ong mật ở Điện Biên

Thứ Ba, 11/04/2017, 08:01 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ở vùng lòng chảo Điện Biên nghề nuôi ong mật được manh nha từ những năm 1995 – 1996. Hiện nay trong khu vực này có trên 2.000 đàn ong, cho sản lượng mật mỗi năm khoảng trên 100 tấn mật. Mật ong là tặng phẩm ngọt ngào mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Nhưng nghề nuôi ong lại không dễ dàng như người ta vẫn tưởng.

Khi những vườn hoa nhãn, hoa vải bung nở vàng tươi dưới ánh nắng đầu mùa, cũng là thời điểm hàng nghìn đàn ong được đưa đi đánh mật. Người ta tính rằng để làm ra 100g mật, một ong thợ phải bay từ 12.000 đến 15.000 chuyến và thăm viếng tới 1 triệu bông hoa. Mùa hoa nhãn, mỗi cây nhãn lớn với hàng triệu triệu bông hoa bung nở, là nguồn mật dồi dào cho những cánh ong chuyên cần. Đây cũng là mùa người nuôi mật ong thu hái thành quả sau những tháng ngày vất vả.

1
Hiện nay ở vùng lòng chảo Điện Biên có hơn 2.000 đàn ong, cho sản lượng mật mỗi năm khoảng trên 100 tấn mật

 

Các hộ gia đình có nghề nuôi ong mật ở Điện Biên tập trung tại các xã Sam Mứn và xã Núa Ngam huyện Điện Biên. Nghề nuôi ong ở khu vực này được manh nha từ những năm 1995 – 1996 và phát triển mạnh mẽ từ khoảng năm 2000 trở lại đây. Các hộ nuôi ong, hộ nuôi ít nhất cũng 100 đàn, hộ nuôi nhiều nhất có tới 500 đến 600 đàn. Nghề nuôi ong tuy khá vất vả những đem lại thu nhập cao và được chính quyền địa phương rất khuyến khích  phát triển.

Nuôi ong không khó, nhưng đòi hỏi người nuôi phải tỉ mỉ, chuyên cần, chịu khó học hỏi. Họ cũng phải mất rất nhiều thời gian và công sức để theo ong tìm mật. Ông Lương Đức Thắng ở bản Pá Ngam 2, xã Núa Ngam là người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi ong. Chuẩn bị đến mùa hoa nhãn, ông đã phải đưa ong đi tìm vùng hoa để đánh mật. Mật hoa nhãn là loại mật thơm ngon và rất ít bị kết tinh. Tuy nhiên mùa hoa nhãn lại khá ngắn. Hết mùa hoa nhãn người nuôi lại phải chuyển thùng ong đến vùng hoa mới. Theo đuổi nghề nuôi ong, người nuôi ong sẽ phải chấp nhận cuộc sống này đây mai đó theo những cánh ong. Cứ vùng nào nhiều hoa nở thì chuyển thùng ong đến vùng đó.
          
Núa Ngam là khu vực có nhiều đồi, rừng, mỗi năm, người nuôi ong có thể được thu mật thành ba vụ trong khoảng thời gian từ cuối tháng 12 đến hết tháng 5. Ngoài thu mật, người nuôi ong còn thu sữa ong chúa và phấn hoa. Ở  khu vực có nhiều thức ăn tự nhiên như Núa Ngam, trung bình mỗi đàn ong cho thu hoạch khoảng 50 kg mật/năm.

Giá mật ong hiện nay dao động từ 120 đến 180.000 đồng/1 lít. Một hộ gia đình nuôi khoảng 150 đàn ong mỗi năm có thể thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng trừ chi phí. Tuy nhiên nghề nuôi ong cũng lắm rủi ro, nếu người nuôi không cẩn thận tỉ mỉ, ngay cả việc di chuyển đàn ong mật từ nơi này sang nơi khác cũng sẽ gây thiệt hại. Ong là loài khá nhạy cảm với sự thay đổi. Việc bị thay đổi vùng khí hậu đột ngột có thể khiến ong chết. Không ít trường hợp chủ ong không biết vùng hoa bị phun thuốc trừ sâu bệnh, ong đến nhằm đúng lúc mới phun thuốc nên chết hàng loạt. Bởi rủi ro cao nên người nuôi ong phải tỉ mỉ để ý để bảo vệ đàn ong, tài sản lớn của gia đình mình.

1
Nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Nguyễn Văn Bắc ở bản Pú Ngam, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên.

 

Nghề nuôi ong mật được đánh giá là nghề khá vất vả nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa đây cũng là nghề góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Có nghề nuôi ong mật, các hộ nông dân càng quan tâm hơn tới phát triển vườn cây ăn quả cũng như bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng trồng để bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên cho đàn ong.  

Nuôi ong mật giờ đã trở thành một nghề được bà con nông dân vùng lòng chảo Điện Biên quan tâm. Các hộ nuôi ong rất mong muốn có thể tái thành lập được HTX nuôi ong, để tạo điều kiện cho những hộ nuôi ong trong vùng trao đổi kinh nghiệm và giúp nhau tiêu thụ sản phẩm.

Mật ong Điện Biên hiện đang được tiêu thụ nhiều trong nội tỉnh và theo các chuyến hàng về Hà Nội. Mong muốn của những hộ nông dân nuôi ong ở Điện Biên là nghề nuôi ong ở địa phương sẽ phát triển hơn nữa, không chỉ về quy mô đàn, mà còn mở rộng được thị trường tiêu thụ, đem lại thu nhập ổn định, bền vững cho người nông dân.
                                                                    

 

Minh Giang – Huy Long
 

.