Lựa chọn môn học ở lớp 10: Học sinh cần tìm hiểu kỹ, tránh chọn sai lầm
Các phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu thật kĩ càng trước khi quyết định chọn môn học ở lớp 10 trong khi các nhà trường cố gắng tối đa đáp ứng nguyện vọng của học sinh.
Nhiều học sinh chưa tìm hiểu sâu về chương trình lớp 10 mới
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Lịch sử cũng như các môn học khác sẽ được dạy theo 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: từ lớp 1 đến lớp 9. Đây là giai đoạn giáo dục cơ bản. Học sinh được học kiến thức các môn trong đó có môn Lịch sử một cách đầy đủ theo phân phối chương trình, đảm bảo các em sau khi kết thúc lớp 9 đã được trang bị đủ các kiến thức cơ bản. Giai đoạn thứ 2 từ lớp 10 đến lớp 12, là giai đoạn định hướng nghề nghiệp.
Trong giai đoạn này, ngoài các môn học bắt buộc thì các em được tự chọn một số môn, trong đó có môn Lịch sử để đáp ứng nhu cầu học chuyên sâu cho định hướng công việc tương lai.
Cuộc tranh luận về môn Lịch sử gần đây phần nào cho thấy hiện nay các phụ huynh và thậm chí cả các học sinh chuẩn bị lên lớp 10 vẫn còn khá mơ hồ về chương trình lớp 10 mới nói chung và việc lựa chọn môn nói riêng. Điều này có thể dẫn đến sự phân tích không đầy đủ và quyết định chọn môn sai lầm của các em trong năm học tới.
Tại trường THCS Trưng Vương, huyện Mê Linh (Hà Nội), học sinh lớp 9 đang tập trung hoàn thành nốt chương trình và ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Học thôi đã không đủ thời gian, nên đa số các em còn chưa kịp tìm hiểu sâu về chương trình lớp 10 mới.
Nhà trường cũng cho biết, học sinh mới đi học được trở lại một khoảng thời gian ngắn sau dịch, nên lúc này ưu tiên của trường là bù đắp kiến thức và kỹ năng thiếu hụt cho các em. Việc giúp các em tìm hiểu chương trình lớp 10 sẽ được nhà trường tính toán, nhưng chưa phải là thời điểm này.
Theo yêu cầu mới đây của Bộ GD&ĐT, muộn nhất là ngày 22/4, các trường phải tổ chức khảo sát ý kiến của học sinh về việc chọn môn học ở lớp 10. Việc thực hiện khảo sát trong khi học sinh chưa nắm vững về nội dung các môn học của chương trình mới có thể dẫn đến việc học sinh chọn lựa môn học một cách cảm tính. Điều này ảnh hưởng tới tính chính xác của việc khảo sát, thậm chí dẫn đến những quyết định chọn môn học sai lầm của các em.
Chương trình lớp 10 mới định hướng nghề nghiệp như thế nào?
Tính chất định hướng nghề nghiệp và quyền được lựa chọn của học sinh không chỉ thể hiện ở riêng môn Tin học mà xuyên suốt toàn bộ chương trình lớp 10 mới và các môn học khác nữa.
Công nghệ là 1 trong các môn mà học sinh sẽ lựa chọn để học ở lớp 10. PGS.TS. Lê Huy Hoàng và nhóm tác giả thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống đã thiết kế 2 cuốn sách giáo khoa Công nghệ 10 để học sinh lựa chọn. Một là Công nghệ trồng trọt. Kèm theo đó là chuyên đề học tập riêng cho nội dung này. Hai là Thiết kế và Công nghệ, kèm theo cả sách và chuyên đề học tập. Học sinh sẽ được chọn học 1 trong 2 nội dung này.
Không riêng sách giáo khoa Công nghệ mà nhiều môn khác của bộ sách này cũng thể hiện rõ định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Chẳng hạn Giáo dục thể chất 10 có 4 chuyên đề học tập là Bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông.
Sách giáo khoa Âm nhạc 10, học sinh chọn học 1 trong 2 nội dung: Hát hoặc nhạc cụ.
SGK Mỹ thuật 10 có 10 chuyên đề học tập đáp ứng nhu cầu lựa chọn của học sinh các vùng miền khác nhau.
SGK Giáo dục kinh tế và pháp luật 10 cũng thiết kế để học sinh tập trung sâu hơn vào lĩnh vực kinh tế và pháp luật thay vì dàn trải nhiều nội dung như môn Giáo dục công dân trước đây.
Việc tổ chức các nội dung trong chương trình, sách giáo khoa cho phép học sinh lựa chọn là một bước tiến trong tư duy giáo dục và cách thức tổ chức dạy học. Ở đó, quyền chủ động và sở trường, sở thích của học sinh được chú trọng, tính áp đặt và cào bằng trong thiết kế chương trình được hạn chế. Nếu được tổ chức tốt ở các trường, sẽ phát huy hết vai trò và sức mạnh của chương trình và những cuốn sách giáo khoa này.
Chúng ta mong rằng: các phụ huynh và học sinh sẽ tìm hiểu thật kĩ càng trước khi quyết định chọn môn học, các nhà trường cố gắng tối đa trong điều kiện có thể để làm sao đáp ứng được mức cao nhất các nguyện vọng của học sinh.
Để các vị phụ huynh và các em học sinh hiểu hơn về tính chất lựa chọn của chương trình GDPT mới ở lớp 10, chương trình Sống mới đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH. Phạm Thế Long, Tổng chủ biên Sách giáo khoa Tin học 10, Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Link: https://vtv.vn/giao-duc/lua-chon-mon-hoc-o-lop-10-hoc-sinh-can-tim-hieu-ky-tranh-chon-sai-lam-2022042409541096.htm
Theo VTV