Chồi xanh nơi đầu sóng

Thứ Hai, 27/01/2020, 09:12 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ở Đảo Sinh Tồn có một ngôi trường đặc biệt, Trường Tiểu học xã Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa. Ngôi trường đặc biệt bởi lớp học ghép đủ các lứa tuổi, bao gồm cả học sinh mẫu giáo và tiểu học với hai người thầy như những người anh, người cha dạy học trò bằng tất cả tình thương yêu.

Là một hòn đảo trong quần đảo Trường Sa, nằm tại tọa độ 9°53′00″B, 114°19′00″Đ, đảo Sinh Tồn cùng với các đảo, đá, bãi phụ cận về mặt tổ chức hành chính thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cách đất liền 320 hải lý, cách đảo Sinh Tồn Đông 15 hải lý về phía tây. Chỉ cách đá Gạc Ma vài hải lý nên được xem là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng của quần đảo Trường Sa.

1
Trường Tiểu học xã Sinh Tồn thuộc huyện đảo Trường Sa

Trường tiểu học xã Sinh Tồn nằm nhỏ nhắn giữa cụm chiến đấu bảo vệ đảo Sinh Tồn. Ngôi trường tổ chức 5 lớp nhưng sĩ số khiêm tốn vỏn vẹn chỉ khoảng hơn chục em học sinh nhưng không lúc nào ngớt tiếng cười và tấm lòng của người thầy. Ngôi trường chỉ có hai thầy giáo quán xuyến đủ 5 lớp bậc tiểu học. Khi học hết lớp 5, các em sẽ trở về đất liền để tiếp tục theo học các cấp cao hơn.

Nằm gọn giữa những hàng cây phong ba, cây bàng vuông chắn gió, chắn cát. Lớp học được xây kiên cố, đảm bảo cho học trò tới lớp từ thứ hai đến thứ bảy, bất kể ngày bình thường hay khi giông bão.

Nhưng việc dạy học ở đảo không hề đơn giản, ngay cả tưởng tượng, các thầy cô cũng chưa hề nghĩ tới khi học trò phải học ở những lớp ghép “5 trong 1”, từ mẫu giáo đến lớp 4 cùng học chung. Nhóm này làm bài tập, thì thầy giáo lại ra đề, hoặc tập viết, tập đọc cho nhóm kia. Thế nhưng, hai thầy giáo trẻ thế hệ 9X Nguyễn Công Qua và Phạm Xuân Dịu đều tình nguyện viết đơn xin ra công tác tại đảo, mong muốn được “gieo chữ” cho con em của người dân sinh sống trên đảo Sinh Tồn.

1
Lớp ghép “5 trong 1”, từ mẫu giáo đến lớp 4 cùng học chung...

Thầy Nguyễn Công Qua - giáo viên trường tiểu học xã Sinh Tồn chia sẻ: Khi đặt chân đến đảo Sinh Tồn mình cũng rất bỡ ngỡ và bất ngờ vì trong tâm của mình nghĩ ở đảo sẽ rất thiếu thốn khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng khi ra đây mình thấy các điều kiện cho việc giảng dạy và sinh sống ở trên đảo khá thuận lợi.

Ấn tượng nhất đối với học trò ở đây, đó là trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng các em đã chăm chỉ, tích cực học tập. Chính tình cảm và tinh thần học tập của các em đã thôi thúc mình phải cố gắng hơn nữa để trau dồi trình độ chuyên môn, truyền đạt kiến thức và kỹ năng cho các em, xem các em như là những người em, người cháu.

1
Đối với các em học sinh, thầy giáo còn là người bạn, người cha khi tận tình quan tâm không chỉ trong những bài giảng mà còn là những bài học làm người. Ảnh - Thầy Nguyễn Công Qua - giáo viên trường tiểu học xã Sinh Tồn dạy các em học

Đều chưa lập gia đình, lại là giáo viên nam, thành ra các thầy giáo càng gặp nhiều khó khăn hơn khi giảng dạy và chăm sóc trẻ mầm non. Tuy nhiên, vì tình yêu trẻ, các thầy giáo đã vượt qua tất cả, cùng phối hợp với Ban chỉ huy đảo, các bậc phụ huynh giảng dạy và chăm sóc tốt cho những mầm non nơi vùng biển địa đầu Tổ quốc.

Bằng sự tận tình của các thầy cô, các em học sinh ở đây luôn cố gắng ra sức học tập, tô thắm thêm tình yêu biển đảo quê hương. Những bài học, bài giảng vang lên nơi biển đảo xa của càng làm thiêng liêng thêm hai tiếng Tổ quốc.

Chị Lữ Kim Cúc, hộ dân trên đảo Sinh Tồn có con đang theo học ở trường, cháu học lớp 4. Chị cho biết gửi các con học tại trường chị rất tin tưởng, yên tâm khi chứng kiến con cái trưởng thành và có ý thức học tập tốt: Các cháu học ở đây rất được các thầy quan tâm, không chỉ dạy dỗ kiến thức mà còn dạy kỹ năng sống. Từ đó các cháu có ý thức rất tốt, học hành chăm ngoan, lễ phép, chuyên cần. Dù ở đảo xa, điều kiện khó khăn nhưng có chỗ để các cháu học hành, vui chơi, gia đình mình rất yên tâm.

1
  Lớp học được xây kiên cố, đảm bảo cho học trò tới lớp từ thứ hai đến thứ bảy, bất kể ngày bình thường hay khi giông bão.

Hòa với nhịp sống ở đất liền, những lớp học ở đảo xa vẫn vang lên tiếng thầy trò nơi đầu sóng. Theo từng con chữ, các em dần lớn lên giữa biển trời sóng nước. Nhưng quãng đời tuổi thơ gắn bó với đảo xa của các em vẫn mãi là những ký ức đẹp đẽ không thể nguôi quên.

Em Doãn Lữ Aí Nhi, 9 tuổi học sinh lớp 4 cho biết: Con thích học cùng các thầy , các bạn, các thầy dạy con múa hát, làm thủ công nữa. Con ước mơ lớn lên con sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho mọi người.

1
Trên lớp là bạn, hết giờ thì các em thân nhau như những người anh em, cùng nhau san sẻ mọi thứ. Hết giờ học, các em cũng không ra về ngay mà thường quyến luyến trường lớp, bạn bè.
1
Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 tặng quà năm mới cho các bạn học sinh trường tiểu học Sinh Tồn
1
Những đứa trẻ lớn lên với giông, bão và sóng biển ở Trường Sa sẽ cảm nhận được tình yêu quê hương ngay từ những ngày thơ ấu, khi bên cạnh không phải là lũy tre làng, không là phố thị hay những ngôi trường đồ sộ mà chỉ có cát, nắng, gió và sự chở che của những chú bộ đội nơi tuyến đầu.

Giữa giờ ra chơi, rộn rã tiếng cười của các em chính là niềm vui giúp thầy vơi đi nỗi nhớ đất liền. Ở đảo, thầy với trò cũng chính là bạn bè với nhau. Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo thường chơi đùa cùng các em, với các trò chơi như nhảy lò cò, ném banh, vẽ tranh trên cát… Nhìn gương mặt với nụ cười hồn hậu, nước da rám nắng, chúng tôi càng hiểu được những sự cống hiến thầm lặng của người thầy giáo nơi đầu sóng ngọn gió.

Theo Thượng tá Nguyễn Đức Độ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Hải quân Vùng 4, cơ sở vật chất trường lớp học trên các đảo khá bảo đảm nhưng việc dạy và học nơi biển đảo xa xôi vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Mặc dù vậy, các thầy giáo trên đảo đều nỗ lực tận tụy vì học sinh. Ðáng chú ý, ngoài các thầy giáo, nhiều cán bộ, chiến sĩ có năng khiếu sư phạm hoặc từng là sinh viên sư phạm trước khi nhập ngũ cũng phối hợp để dạy bổ trợ các môn cho học sinh theo khả năng của mình. Vì vậy, những năm gần đây, việc dạy và học ở Trường Sa đã có những thay đổi đáng kể.

Ở chân trời Tổ quốc ấy, ngoài học kiến thức, tri thức, các em còn được giáo dục tinh thần bám đảo, giữ biển và rèn luyện tinh thần thép cùng bộ đội Hải quân canh giữ biển đảo của Tổ quốc. Còn các thầy giáo trẻ như những con ong chăm chỉ ngày đêm gieo chữ, gieo những ước vọng từ những lớp học bên vùng biển Trường Sa của Tổ quốc.

 

 

Hương Trà/DIENBIENTV.VN

.