Thí điểm tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam từ 1/9/2022

Thứ Năm, 16/06/2022, 14:36 [GMT+7]

Việc thí điểm tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thực hiện từ ngày 1 tháng 9 năm 2022 và có thời hạn trong 5 năm.
 

1

Với tỷ lệ tán thành 93,78% (467/480 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 9 năm 2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Việc ban hành Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam ngoài việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, tạo điều kiện để phạm nhân được lao động, hướng nghiệp, học nghề phù hợp, tăng khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế nguy cơ tái phạm tội. Đồng thời, tạo cơ chế thu hút, huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác thi hành án hình sự theo định hướng cải cách tư pháp.

Ngoài ra, mô hình này còn góp phần bảo đảm sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng - an ninh, hạn chế việc phải bổ sung đất đai cho các trại giam để tập trung quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự.

1
Kết quả biểu quyết

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Về các trường hợp phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam (khoản 4 Điều 1), nhiều ý kiến tán thành quy định về các trường hợp phạm nhân không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam; có ý kiến đề nghị sửa quy định tại điểm b, chỉ loại trừ đối với phạm nhân có từ 2 tiền án trở lên về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

UBTVQH cho biết: trên cơ sở tổng kết thực tiễn công tác quản lý giáo dục, cải tạo, lao động của phạm nhân, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện không đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, trong đó có quy định loại trừ đối với phạm nhân có từ 2 tiền án trở lên. Quy định này vừa bảo đảm mục đích của chính sách thí điểm vừa đáp ứng mục tiêu bảo đảm an toàn, an ninh trật tự. Đồng thời, Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện để bảo đảm chặt chẽ, thận trọng và hiệu quả trong thực tiễn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, xin Quốc hội cho giữ nội dung quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết và chỉ chỉnh lý thêm về kỹ thuật văn bản.

Có ý kiến đề nghị quy định không được đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam đối với phạm nhân là người tổ chức trong vụ án đồng phạm về tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc với phạm nhân có thời gian chấp hành án còn lại trên 7 năm. UBTVQH tiếp thu ý kiến ĐBQH và đã chỉnh lý, bổ sung các quy định tại điểm d và điểm đ khoản 4 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc loại trừ đối với phạm nhân xếp loại chấp hành án "Trung bình" vì nhiều trường hợp phạm nhân cải tạo tốt nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự do hoàn cảnh đặc biệt nên bị xếp loại "Trung bình".

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý điểm k khoản 4 Điều 1 theo hướng: chỉ loại trừ đối với phạm nhân đang xếp loại chấp hành án phạt tù loại "Kém".

Khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết:

4. Không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;

b) Phạm nhân đã bị kết án từ 02 lần trở lên;

c) Phạm nhân tái phạm nguy hiểm;

d) Phạm nhân là người tổ chức trong vụ án đồng phạm về tội đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Phạm nhân có thời gian chấp hành án phạt tù còn lại trên 07 năm;

e) Phạm nhân là người nước ngoài;

g) Phạm nhân đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm;

h) Phạm nhân dưới 18 tuổi;

i) Phạm nhân từ đủ 60 tuổi trở lên;

k) Phạm nhân đang xếp loại chấp hành án phạt tù loại "Kém";

l) Phạm nhân đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ hoặc trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc;

m) Phạm nhân thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự.

Về thời gian thí điểm (Điều 2), nhiều ý kiến tán thành với thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm; một số ý kiến đề nghị thí điểm 03 năm để khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự quy định chính thức mô hình này.

UBTVQH nhận thấy, quy định thời gian thực hiện thí điểm 05 năm như dự thảo Nghị quyết là phù hợp để có đủ thời gian tổng kết, đánh giá hiệu quả thí điểm và bảo đảm quyền lợi cho các tổ chức đã đầu tư cơ sở vật chất hợp tác với trại giam. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ thời gian thí điểm như quy định tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.

Link: https://vtv.vn/chinh-tri/thi-diem-to-chuc-lao-dong-day-nghe-cho-pham-nhan-ngoai-trai-giam-tu-1-9-2022-20220616092250824.htm

 

 

Theo VTV

 

.