Tài liệu tuyên truyền các đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI CỦA ĐẢNG (THÁNG 12-1986)

Thứ Sáu, 29/01/2021, 14:50 [GMT+7]

Điện Biên TV - Ðại hội lần thứ VI đánh dấu sự đổi mới quan trọng của Ðảng trong lãnh đạo chính trị, tư tưởng, tổ chức.

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ VI CỦA ĐẢNG (THÁNG 12-1986)

1
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong niềm vui chiến thắng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Từ thời chiến chuyển sang thời bình, đòi hỏi Đảng phải đổi mới tư duy, thay đổi nội dung và phương thức lãnh đạo cho phù hợp với tình hình mới. Nghị quyết Đại hội IV và Đại hội V của Đảng đã đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, từng bước xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh. Tuy vậy, do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, đất nước vừa trải qua nhiều năm chiến tranh, cơ chế tập trung, quan liêu, hành chính mệnh lệnh đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, việc đổi mới tư duy và phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với điều kiện mới chưa được đặt ra một cách đúng mức. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một mặt, tạo ra những thuận lợi vô cùng to lớn cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; mặt khác, cũng tạo ra tâm lý chủ quan duy ý chí cản trở sự phát triển nhận thức của Đảng. Trên nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề, tình trạng Đảng bao biện làm thay khá nghiêm trọng, dẫn đến hệ thống chính trị bị xơ cứng, kém hiệu quả. Hoạt động của Nhà nước và các đoàn thể quần chúng nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Tính độc lập, chủ động của Nhà nước bị vi phạm, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước bị hạn chế. Kinh tế - xã hội thiếu năng động. Quyền làm chủ của Nhân dân không được coi trọng, phát huy một cách thực chất.

Chiến tranh kết thúc, sự viện trợ của các nước anh em giảm dần và chuyển sang hợp tác, trao đổi theo giá thị trường quốc tế. Các thế lực phản động quốc tế câu kết với nhau chống phá quyết liệt cách mạng nước ta. Chiến tranh bùng nổ ở hai đầu biên giới. Mỹ tiến hành cuộc bao vây, cấm vận nước ta ngày càng khắc nghiệt. Sau sự kiện Campuchia, nước ta gặp rất nhiều khó khăn trong quan hệ đối ngoại, vị thế đất nước bị giảm sút trên trường quốc tế...

Do những sai lầm trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội và quản lý kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội đất nước ngày càng khó khăn: tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, lạm phát phi mã[33], hiệu quả đầu tư hạn chế, đời sống Nhân dân không được cải thiện, thậm chí nhiều mặt còn sa sút hơn... Đất nước dần lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp từng bước tháo gỡ khó khăn. Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa IV về phương hướng phát triển hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương, tháo gỡ các rào cản, làm cho sản xuất “bung ra”; Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 31-1-1981 của Ban Bí thư khóa V về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp... đã tạo ra những bước đột phá nhất định, song vẫn không làm thay đổi được đáng kể tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Cuộc cải cách giá - lương - tiền năm 1985 không những không cải thiện được tình hình, mà còn làm cho đời sống của Nhân dân khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã được triệu tập. Sau những ngày họp nội bộ (từ ngày 5 đến ngày 14-12-1986), từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986, Đại hội họp công khai. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng, trong số đó có 925 đại biểu thuộc đảng bộ của 40 tỉnh, thành phố, đặc khu, 172 đại biểu thuộc các đảng bộ trực thuộc Trung ương, 153 đại biểu nữ, 115 đại biểu thuộc các dân tộc thiểu số, 50 đại biểu là anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng lao động, 72 đại biểu là công nhân trực tiếp sản xuất... Đến dự Đại hội có 35 đoàn đại biểu quốc tế[34].

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đọc Diễn văn khai mạc, đồng chí Trường Chinh đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Kiệt đọc Phương hướng, mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội trong 5 năm 1986 - 1990.

Đại hội khẳng định: “Quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học”[35].

Đại hội đánh giá cao quá trình dân chủ hóa sinh hoạt chính trị của Đảng và nhân dân ta trong thời gian chuẩn bị và tiến hành Đại hội.

Đại hội đã hoàn toàn nhất trí với những kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về đánh giá tình hình, tổng kết kinh nghiệm, xác định mục tiêu và phương hướng, chính sách nhằm đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiếp tục tiến lên.

Đại hội nhận định: “Năm năm qua là một đoạn đường đầy thử thách đối với Đảng và nhân dân ta. Cách mạng nước ta diễn ra trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những thuận lợi cơ bản, nhưng cũng có nhiều khó khăn, phức tạp. Thực hiện những nhiệm vụ và mục tiêu do Đại hội lần thứ V của Đảng đề ra, nhân dân ta anh dũng phấn đấu, khắc phục khó khăn, vượt qua trở ngại, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, giành những thắng lợi to lớn trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế”[36]. Bên cạnh việc khẳng định những thành tích đã đạt được, Đại hội cũng đã nhận rõ: “Tình hình kinh tế - xã hội đang có những khó khăn gay gắt: sản xuất tăng chậm; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; phân phối, lưu thông có nhiều rối ren; những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, có mặt gay gắt hơn; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố; đời sống nhân dân lao động còn nhiều khó khăn; hiện tượng tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi và có nơi nghiêm trọng.

Nhìn chung, chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu tổng quát do Đại hội lần thứ V đề ra là cơ bản ổn định tình hình kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân”[37].

Không đánh giá thấp những nguyên nhân khách quan, Đại hội cũng nghiêm khắc nêu rõ, nguyên nhân chủ quan của tình hình khó khăn, khủng hoảng là do những sai lầm, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Đại hội nhận định trong những năm 1976 - 1980, trên thực tế, chúng ta đã chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa trong khi chưa có đủ các tiền đề cần thiết; vừa nóng vội, vừa buông lỏng trong công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa; chậm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế không còn phù hợp. Trong những năm 1981 - 1985, Đảng chưa cụ thể hóa đường lối kinh tế trong chặng đường đầu tiên, chưa kiên quyết khắc phục chủ quan, nóng vội và bảo thủ, trì trệ trong bố trí cơ cấu kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế, lại phạm sai lầm mới, nghiêm trọng trong lĩnh vực phân phối, lưu thông, đã buông lỏng chuyên chính vô sản trong quản lý kinh tế - xã hội, trong đấu tranh tư tưởng, văn hóa, trong việc chống lại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại thâm độc của kẻ thù. “Những sai lầm nói trên là sai lầm nghiêm trọng về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và về tổ chức thực hiện”[38].

Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, là khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế - xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là những biểu hiện của tư tưởng tiểu tư sản vừa tả khuynh, vừa hữu khuynh. “Những sai lầm và khuyết điểm trong lĩnh vực kinh tế, xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong công tác tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng”[39].

Trên cơ sở thực tiễn cách mạng của 10 năm vừa qua, Đại hội nêu lên bốn bài học kinh nghiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng:

- Phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.

- Phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.

- Phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới.

- Phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa[40].

Về nhiệm vụ chiến lược cách mạng, Đại hội khẳng định: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”[41].

Về nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đại hội xác định: “Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo”[42].

Trong khi đặt nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội lên hàng đầu, Đại hội vẫn khẳng định phải “đề cao cảnh giác, tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của đất nước, quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống để bảo vệ Tổ quốc”[43].

Đại hội giao cho Ban Chấp hành Trung ương khóa VI chỉ đạo thực hiện thành công những nhiệm vụ đề ra trong Báo cáo chính trị, mà quan trọng là: (1) Xây dựng và tổ chức thực hiện ba chương trình kinh tế lớn là lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu (2) Thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa một cách thường xuyên với những hình thức và bước đi thích hợp, làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất (3) Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế (4) Giải quyết cho được những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông (5) Xây dựng và tổ chức thực hiện một cách thiết thực và có hiệu quả các chính sách xã hội (6) Tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của đất nước (7) Tăng cường hoạt động trên lĩnh vực đối ngoại (8) Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa (9) Xây dựng Đảng thật sự ngang tầm một đảng cầm quyền có trọng trách lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược (10) Nâng cao hiệu lực chỉ đạo và điều hành của bộ máy đảng và nhà nước.

Ban Chấp hành Trung ương phải chỉ đạo tiến hành trong toàn Đảng và toàn xã hội “cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng; làm trong sạch và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước; đẩy lùi và xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực, làm lành mạnh các quan hệ xã hội và thực hiện công bằng xã hội”[44].

Đại hội quyết định bổ sung và sửa đổi một số điểm cụ thể trong Điều lệ Đảng cho phù hợp với tình hình mới và bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI, gồm có 124 ủy viên chính thức, 49 ủy viên dự khuyết. Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm có 13 ủy viên chính thức, 1 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm làm Cố vấn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng là đại hội kế thừa và quyết tâm đổi mới, đoàn kết tiến lên của Đảng ta. Thành công của Đại hội đã mở ra một bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam, đưa đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Còn nữa...

[33] Nhiều chỉ tiêu kinh tế do Đại hội IV và Đại hội V đề ra không thực hiện được. Lạm phát năm 1986 lên tới 774%.

[34] Xem Báo Nhân dân, ngày 15 và ngày 24-12-1986.

[35] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.544.

[36] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.545,547.

[37] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.545,547.

[38] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.548.

[39] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.548.

[40] Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.362-365.

[41] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.371,550.

[42] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.371,550.

[43] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.371,550.

[44] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.47, tr.565.

 

 

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
 

.