Tài liệu tuyên truyền các đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ V CỦA ĐẢNG (THÁNG 3-1982)

Thứ Sáu, 29/01/2021, 07:33 [GMT+7]

Điện Biên TV - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng được triệu tập (tháng 3-1982). Đại hội được tiến hành trong tình hình đất nước đã lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội.

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ V CỦA ĐẢNG (THÁNG 3-1982)

1

Từ Đại hội IV đến Đại hội V của Đảng là những năm đầu cả nước bước vào kỷ nguyên xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong khoảng thời gian đó, trên đất nước ta đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng có ý nghĩa to lớn. Nhân dân ta đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn chồng chất, giành được nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, chúng ta cũng gặp những khó khăn, thử thách lớn. Công tác lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội của Đảng và Nhà nước ta cũng phạm nhiều khuyết điểm. Tình hình khủng hoảng về kinh tế - xã hội ở nước ta đã xuất hiện. Thực trạng của đất nước đòi hỏi Đảng phải kiểm điểm lại đường lối, chủ trương, đánh giá khách quan thành tựu và khuyết điểm, vạch rõ những nhiệm vụ, mục tiêu, chủ trương và biện pháp lớn để khai thác tiềm năng của đất nước, khắc phục những khó khăn và khuyết điểm, giải quyết đúng những vấn đề quan trọng và cấp bách về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về sản xuất và đời sống, v.v. nhằm tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã họp nội bộ từ ngày 15 đến 24-3-1982 và họp công khai từ ngày 27 đến ngày 31-3-1982 tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.033 đại biểu thay mặt hơn 1.727.000 đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở. Trong số đại biểu đó có 14 đảng viên đã từng tham gia các tổ chức tiền thân của Đảng; hơn 40% đại biểu là những đảng viên hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế; 102 đại biểu hoạt động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; 118 đại biểu đại diện của 27 tộc người trên các tuyến đầu ở vùng biên giới phía bắc và tây nam; 79 đại biểu là anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, chiến sĩ thi đua; 1/3 đại biểu có trình độ đại học và trên đại học, 26 tiến sĩ và phó tiến sĩ, 14 giáo sư, phó giáo sư và nhiều đại biểu là cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật... Đến dự Đại hội có 47 đoàn đại biểu quốc tế.

Đồng chí Trường Chinh đọc Diễn văn khai mạc, đồng chí Lê Duẩn đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Phạm Văn Đồng đọc Báo cáo về nhiệm vụ kinh tế và xã hội, đồng chí Lê Đức Thọ đọc Báo cáo về xây dựng Đảng. Nhiều đại biểu của Đại hội đã đọc tham luận, nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đọc lời chào mừng.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được Đại hội nhất trí thông qua. Đại hội khẳng định: “Năm năm qua được ghi vào lịch sử dân tộc như một đoạn đường thắng lợi rất vẻ vang của cách mạng Việt Nam”[30]. Song, chúng ta đang đứng trước những khó khăn lớn về kinh tế và xã hội, đặc biệt “trên mặt trận kinh tế, đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề gay gắt”[31]. Những khó khăn đó trước hết là do nguồn gốc sâu xa của tình hình đất nước, xã hội gây ra. Mặt khác, khó khăn đó còn do khuyết điểm, sai lầm của các cơ quan đảng và nhà nước về lãnh đạo và quản lý kinh tế, quản lý xã hội tạo nên. Trên những mặt nhất định, khuyết điểm, sai lầm về lãnh đạo và quản lý là nguyên nhân chủ yếu gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn về kinh tế và xã hội trong những năm qua. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tự phê bình về những khuyết điểm và sai lầm của mình trước Đại hội.

Trên cơ sở phân tích hiện trạng của đất nước, những biến động của tình hình quốc tế và những âm mưu của các thế lực thù địch chống lại Việt Nam, báo cáo nêu rõ trong giai đoạn mới của cách mạng, Đảng phải lãnh đạo nhân dân ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm vụ chiến lược đó quan hệ mật thiết với nhau.

Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, vạch ra chiến lược kinh tế - xã hội, những kế hoạch phát triển, những chủ trương, chính sách và biện pháp thích hợp trong từng chặng đường.

Chặng đường trước mắt bao gồm những năm trong thập niên 1980. Những mục tiêu kinh tế và xã hội tổng quát cho những năm đó là: (1) Ổn định dần dần, tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân (2) Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu... (3) Hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh miền Nam, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong cả nước (4) Đáp ứng những nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh trật tự.

Đại hội thông qua những nhiệm vụ văn hóa, xã hội; tăng cường nhà nước xã hội chủ nghĩa, phát động phong trào cách mạng của quần chúng; chính sách đối ngoại; nhiệm vụ nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Về xây dựng Đảng, Báo cáo chính trị nêu rõ: “Nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng hiện nay là tiếp tục nâng cao tính giai cấp công nhân, tính tiên phong của Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, làm cho Đảng ta luôn luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, một đảng thật trong sạch, có sức chiến đấu cao, gắn bó chặt chẽ với quần chúng”[32].

Đại hội đã thông qua Điều lệ Đảng (sửa đổi) và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 116 ủy viên chính thức và 36 ủy viên dự khuyết.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ nhất đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết; đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng là kết quả của một quá trình tập hợp ý kiến của toàn Đảng để đề ra nhiệm vụ, phương hướng... nhằm giải quyết những vấn đề gay gắt, nóng bỏng đang đặt ra của cách mạng Việt Nam. Đại hội đánh dấu một sự chuyển biến mới về sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đấu tranh “tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”.

Sau Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã mở nhiều hội nghị để tiếp tục đi sâu đánh giá tình hình, đề ra nhiều chủ trương và biện pháp cụ thể để chỉ đạo mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước.

Còn nữa...

[30] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.43, tr.45,47.

[31] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.43, tr.45,47.

[32] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.43, tr.152.

 

 

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
 

.