Có cán bộ "sáng cắp ô đi chiều cắp ô về" nhưng không chịu nghỉ hưu
Theo đại biểu, có những người công việc làm năng suất không cao, "sáng cắp ô đi chiều cắp ô về", chỉ chờ đến đúng tuổi mới nghỉ hưu.
Chiều 23/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến việc nâng tuổi nghỉ hưu theo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Tán thành với phương án 1 do Chính phủ trình là nam 62, nữ 60 tuổi nghỉ hưu theo lộ trình nam tăng 3 tháng, nữ tăng 4 tháng trong 1 năm, song Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị ghi vào Luật các đối tượng lao động không phân biệt công chức, viên chức muốn được nghỉ hưu theo luật hiện hành thì được quyền nghỉ, không được trừ đóng bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Vị đại biểu cho biết, có những người mặc dù đã đến tuổi nghỉ hưu theo luật hiện hành, trong khi công việc làm năng suất không cao, "sáng cắp ô đi chiều cắp ô về", chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng không muốn nghỉ hưu, chờ cho đến đúng tuổi mới nghỉ.
Theo dự thảo, tổ chức, người đứng đầu có thẩm quyền được quyền cho những đối tượng này nghỉ hưu để ưu tiên vị trí việc làm đó cho người khác đảm đương. Làm như vậy vừa có tác dụng kích thích người cao tuổi làm việc có năng suất nếu không muốn nghỉ hưu sớm, vừa tạo việc làm cho lớp trẻ.
Về trường hợp đặc biệt kéo dài thời gian nghỉ hưu nên giao cho Chính phủ quy định, nhưng không quá 65 tuổi đối với cả nam và nữ, đồng thời không ghi trong luật là có quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
“Tất cả mọi người đến tuổi phải nghỉ hưu theo luật định, không ai có quyền được nghỉ hơn tuổi, chỉ có cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài tuổi nghỉ hưu hay không” – ông Hòa phân tích.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Lao động là cần thiết và việc tăng tuổi nghỉ hưu là nội dung nhận được sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn để không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN |
Theo ông, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số cao trên thế giới. Năm 2017, người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng số dân số, dự thảo Báo cáo của Tổng cục Thống kê đến năm 2038 nhóm dân số trên 60 tuổi khoảng 21 triệu người, đến năm 2050 cứ 4 người thì có 1 người 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 27 triệu người. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay, nam là 72,1 và nữ là 81,3, trong khi tuổi nghỉ hưu hiện tại của nước ta tương đối thấp so với thế giới, sự biến động của dân số sẽ tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế - xã hội nếu như không có chính sách pháp luật điều chỉnh phù hợp.
Trong khi đó, theo Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam cần phải tính toán cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội, vì tuổi thọ trung bình đang tăng lên, trong khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu giữ nguyên, thời gian hưởng lương kéo dài thì ngân sách của quỹ khó đảm bảo chi trả.
“Điều đó đòi hỏi việc xây dựng chính sách cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội hợp lý giữa thời gian đóng bảo hiểm xã hội và thời gian hưởng lương hưu là cần thiết” – đại biểu đoàn Hà Nội nói và nhấn mạnh phương án tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý và phù hợp.
Cần tính toán đến đặc thù của từng lĩnh vực lao động
Dự thảo Bộ luật Lao động của Việt Nam đề xuất mức tuổi nghỉ hưu nữ là 60 và nam 62, tuy nhiên đại biểu cho rằng, đề xuất này cũng nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi khác nhau với một số lo ngại. Thứ nhất là nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì hạn chế cơ hội tiếp cận việc làm của người lao động trẻ, tạo điều kiện cho một số cán bộ “cố vị” dài hơn. Thứ hai, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người lao động trong một số ngành nghề độc hại, nguy hiểm...
Qua thực tế, ông nhận thấy nhiều người lao động là người cao tuổi trong một số lĩnh vực khoa học, kỹ thuật hầu hết là người có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu, đây là nguồn chất xám vô cùng quý giá mà không dễ gì tìm được.
Mặt khác, đối với những người lao động trẻ tuổi hiện nay, chính sách Nhà nước khi quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý có xu hướng lùi độ tuổi xuống trẻ hơn trước, do vậy vẫn đảm bảo tận dụng được nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và chọn lọc những nhân tố trẻ có tài, có triển vọng phát triển.
“Cần tính toán đến đặc thù của từng lĩnh vực lao động, từ đó ban hành quy định cụ thể và phù hợp với điều kiện sức khoẻ của người lao động” – đại biểu Nguyễn Hữu Chính nói.
Giải quyết vấn đề này, dự thảo cũng đã lường trước và cho phép người lao động có thể được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều 169 dự thảo, trừ trường hợp pháp luật quy định khác và quyền nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không được quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 điều này.
Từ phân tích trên, ông Chính nhận định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một bước cần thiết và cần được luật hoá để phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Song, theo ông, cần phải có lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khác nhau theo từng điều kiện của từng ngành nghề, tính chất công việc, từng lĩnh vực.
Giải trình một số nội dung các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Báo cáo tiếp thu và giải trình chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ phương án và lập luận về nhóm người lao động nghỉ hưu sớm, nhất là lao động nặng nhọc, độc hại. Hiện nay, Bộ Lao động đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, xác định 1.810 ngành nghề, lĩnh vực, công việc nặng nhọc độc hại.
Theo đó, với điều kiện như thế, thì những đối tượng này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu hưu sớm, thậm chí có thể nghỉ sớm tới 10 năm./.
Theo Kim Anh/VOV.