5 năm, cả nước có gần 45 ngàn người chết vì tai nạn giao thông
Điện Biên TV - Đó là đánh giá tại Hội nghị trực tuyến với 68 điểm cầu trong cả nước về tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới"; Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông", do Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức vào sáng 27/8. Dự hội nghị có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an.
Điểm cầu Công an tỉnh Điện Biên |
Dự hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh Điện Biên có đồng chí Lê Văn Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo Công an tỉnh và một số sở, ban, ngành tỉnh.
Sau 7 năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có nhiều chuyển biến rõ nét; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được xây dựng rất đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng khu vực, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng, nhất là khu vực, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, những đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật. Điển hình là mô hình Tuần tra biên giới, tuần tra nhân dân ở các tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, An Giang, Tây Ninh...
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã xây dựng được các mô hình, điển hình tiên tiến từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 2.000 mô hình trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều tên gọi khác khau, trong đó nhiêu mô hình được triển khai thực hiện ở hầu hết các địa phương trong cả nước như: "Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về an ninh, trật tự"; "Khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh, trật tự"...
Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, có thể khẳng định: Việc ban hành Chỉ thị là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung; Công tác đảm bảo TTATGT và khắc phục an toàn giao thông là một nhiệm vụ chính trị cam go, quyết liệt, cần nhiều giải pháp đồng bộ, đòi hỏi Đảng phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Công tác bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông trong 5 năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực đó là: Ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT của người tham gia giao thông có chuyển biến hơn; số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông giảm dần qua từng năm, số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế.
Cả nước xảy ra 121.483 vụ tai nạn giao thông, làm chết 44.619 người, bị thương 114.512 người; so với 5 năm trước, giảm 21% số vụ, giảm 19,8% số người chết và giảm gần 26% số người bị thương. Qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TTATGT, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng tại hội hội nghị, Đại tướng Tô Lâm đã quán triệt triển khai Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tỉnh hình mới; Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông./.
Diệp Xuân/DIENBIENTV.VN