Kiên quyết hơn trong giao biên chế cho các địa phương
Ủy ban Pháp luật đề nghị thời gian tới Bộ Nội vụ kiên quyết hơn trong việc giao biên chế cho từng địa phương để đảm bảo sắp xếp tinh gọn.
Sáng 6/8, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng Thẩm tra báo cáo của Chính phủ tổng hợp việc thực hiện Nghị quyết 56 ngày 24/11/2017 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật đánh giá Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 56 của Quốc hội. Tuy nhiên, báo cáo còn sơ lược, chưa cho thấy chuyển biến trên thực tế nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, chưa có nhiều phân tích và số liệu chứng minh nhận định, việc xác định trách nhiệm chưa cụ thể.
Sau khi có Nghị quyết 56, cơ bản các Bộ, cơ quan ngang bộ không chuyển các Vụ thành Cục, Tổng cục. Một số cơ quan thuộc Chính phủ tăng tổng số phòng trong các đơn vị trực thuộc Bộ. Cụ thể là Thanh tra Chính phủ, số phòng tăng từ 28 lên 41 phòng. Số đầu mối không tăng nhưng chưa được sắp xếp để bảo đảm tinh gọn theo yêu cầu của Nghị quyết. Trong các Nghị định về cơ quan thuộc Chính phủ không quy định tối đa cấp phó của đơn vị trực thuộc nên dẫn đến tùy tiện khi áp dụng.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Trần Văn Quý băn khoăn, theo đánh giá trong báo cáo thì nhiều địa phương đang triển khai thực hiện nhưng chưa có cơ chế, chính sách. Ví dụ, chúng ta đang khuyến khích sát nhập một số cơ quan và có địa phương đi đầu sáp nhập Sở. Nhưng theo quan điểm của Chính phủ, Bộ nên đợi Nghị định Chính phủ.
"Vậy việc sáp nhập tốt hay không tốt? Nếu sau này Nghị định Chính phủ quy định khác hoặc trong quá trình sáp nhập có vấn đề thì lấy căn cứ gì xử lý trách nhiệm? Thứ hai, chúng ta đang đánh giá cao mô hình địa phương về cải cách bộ máy, thu gọn đầu mối. Nhưng báo cáo của Quốc hội sau khi giám sát về tổ chức biên chế thì địa phương đó đang sử dụng vượt nhiều biên chế mà Bộ Nội vụ giao, đó có phải là thành tích hay không?" - ông Trần Văn Quý đặt vấn đề.
Nhiều ý kiến đề cập việc tuyển dụng, đề bạt không đúng, bổ nhiệm “siêu tốc” xảy ra gần đây như việc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thanh Hóa bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp phòng sai quy định trước khi nghỉ hưu; hay Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không bổ nhiệm hàng chục cán bộ trước khi nghỉ hưu…..
Kiến nghị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, có nơi đã giảm biên chế theo Nghị quyết, có nơi vẫn làm đủ cách để giữ lại biên chế để tổ chức thực hiện. Thời gian qua đã kiểm điểm, phê bình nhiều địa phương trong diện thi tuyển, bổ nhiệm cấp phó theo quy định.
"Người ta cho rằng do sáp nhập, do điều kiện nên bổ nhiệm thêm đề chờ nghỉ hưu nên dư biên chế, dư cấp phó” - ông Hòa nói.
Ủy ban Pháp luật đề nghị thời gian tới Bộ Nội vụ kiên quyết hơn trong việc giao biên chế cho từng địa phương, Bộ ngành. Đề nghị Chính phủ tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn với các tiêu chí cụ thể. Đồng thời tăng cường đôn đốc chỉ đạo khẩn trương ban hành cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Bởi vì để cải cách bộ máy, hoàn thiện thể chế phải đi trước một bước. Chậm hoàn thiện thể chế sẽ làm chậm quá trình triển khai, Nghị quyết không đi vào thực tiễn./.
Theo VOV