Điện Biên tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ Sáu, 13/07/2018, 15:43 [GMT+7]

Điện Biên TV - Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp - xây dựng và chuyển dịch tăng lên đối với khu vực dịch vụ - Đây là đánh giá tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tổ chức vào sáng sáng 13/7. Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. 

c
Quang cảnh hội nghị

 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NĐ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 6/11/2008 của Tỉnh ủy Điện Biên về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, nhận thức của cán bộ và người dân về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét; nông nghiệp tiếp tục được phát triển với tốc độ khá; năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi từng bước được nâng cao; an ninh lương thực được đảm bảo, có một phần sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh; chăn nuôi phát triển ổn định, tăng nhanh về số lượng đàn và sản lượng thương phẩm.

Cụ thể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp - xây dựng và chuyển dịch tăng lên đối với khu vực dịch vụ. Năm 2017, cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản gần 21%, giảm hơn 17%; công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 22%, giảm gần 4%; dịch vụ đạt 54,29%, tăng gần 19%.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi đã được hình thành trên địa bàn tỉnh với tổng số chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đến năm 2017 là 11 chuỗi (thịt trâu, bò khô; khẩu xén, óc chó; rau, củ, quả; cá hồi, cá tầm; gạo Bắc thơm số 7; dứa quả tươi…), giúp người tiêu dùng có được các địa chỉ cung cấp sản phẩm nông nghiệp tin cậy, an toàn; đồng thời giúp người sản xuất tăng thêm thu nhập/sản phẩm nông sản, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và tạo dựng thương hiệu sản phẩm (giá bán tăng thêm từ 20% trở lên), qua đó nâng cao giá trị từ sản xuất cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Toàn tỉnh đã thu hút được 50 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cùng với đó là phát triển có hiệu quả các loại hình kinh tế, khuyến khích để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế trang trại phát triển (121 hợp tác xã, 38 trang trại).

Về chương trình xây dựng nông thôn mới, khi bắt đầu triển khai chương trình số tiêu chí bình quân trên xã là 1,4 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn là 4,43 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao (45,52%). Sau 8 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2017 đã có 16/116 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân là 6,78 tiêu chí/xã, tăng 5,38 tiêu chí/xã so với năm 2011; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 12,6 triệu đồng/người/năm, tăng gần 3 lần so với năm 2008, đạt hơn 122% so với mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TU.

Hội nghị cũng đánh giá một số tồn tại, hạn chế qua 10 năm thực hiện Nghị quyết đó là: Tốc độ tăng trưởng và cơ cấu kinh tế nông nghiệp tuy có bước phát triển nhưng chưa đều, chưa vững chắc; Sản xuất hàng hóa bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, song sản lượng chưa nhiều, chất lượng chưa ổn định, chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ còn chậm; Việc nhân rộng thành quả dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế; Hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ và đáp ứng được yêu cầu.

 

 

 

Diệp Xuân/Dienbientv.vn

.