UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri (tiếp)
Điện Biên TV tiếp tục tổng hợp trả lời của UBND tỉnh về các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIII.
VIII. Các kiến nghị của cử tri huyện thị xã Mường Lay
1. Chỉ đạo Ban QLDATĐC tỉnh khẩn trương triển khai xây dựng hệ thống thoát nước phía sau giữa hai dãy nhà dân tại các khu điểm tái định cư trên địa bàn thị xã Mường Lay.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Ban QLDA di dân tái định cư thủy điện Sơn La tỉnh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đại diện Chủ đầu tư các dự án xây dựng hệ thống thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường các khu TĐC: Đồi Cao, Chi Luông, Cơ Khí. Đến nay, Ban QLDA di dân tái định cư thủy điện Sơn La tỉnh đã cơ bản hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để triển khai thực hiện dự án theo quy định (đã trình hồ sơ kết quả đấu thầu về Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu theo quy định của pháp luật).
UBND tỉnh ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban QLDA di dân tái định cư thủy điện Sơn La tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục của dự án trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt trong tháng 12/2014 làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện dự án theo quy định.
2. Xem xét, sớm làm tiếp kè bảo vệ hai bên bờ suối Nậm Lay đoạn phía Bản Mé để chống xói lở đường tỉnh lộ 142, nhà ở, kênh mương và đất sản xuất của nhân dân (Nếu không được đầu tư thì mùa mưa lũ năm tới sẽ tiếp tục gây thiệt hại lớn khó lường). Tiếp tục xem xét đầu tư kè bảo vệ hai bên bờ suối Nậm Lay (phần còn lại chưa được đầu tư) để bảo vệ diện tích đất ruộng lúa, ổn định sản xuất lâu dài cho nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh sớm cho ý kiến chỉ đạo, có tiếp tục triển khai xây dựng mặt bằng Ho Cang xã Lay Nưa không? Đánh giá độ an toàn khi di chuyển dân tới điểm mặt bằng Ho Cang này.
Các nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh đã có văn bản số 3875/UBND-TĐC ngày 10/10/2014 và văn bản số 3860/UBND-TĐC ngày 10/10/2014 giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với ngành, đơn vị có liên quan, UBND thị xã Mường Lay tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trường để thống nhất nội dung tham mưu đề xuất cho UBND tỉnh xem xét chỉ đạo xử lý theo quy định.
UBND tỉnh ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện nội dung, báo cáo đề xuất hướng xử lý đối với 02 dự án trên theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản trên.
3. Đường Quốc lộ 12, đoạn từ nghĩa trang Huổi Hái đến cổng Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ xã Lay Nưa thị xã Mường Lay đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Tuyến Quốc lộ 12 đoạn từ nghĩa trang Huổi Hái đến cổng Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay nằm trong dự án: Thảm tăng cường lớp bê tông nhựa mặt đường; cải tạo các đường cong có bán kính nhỏ; kiên cố hóa các công trình phòng hộ, thoát nước và chỉnh lý hướng tuyến tránh các đoạn sụt trượt trên quốc lộ 12 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2428/QĐ-BGTVT ngày 27/10/2011. Dự án được triển khai thi công xây dựng năm 2014. Hiện nay, đang được khẩn trương thi công dự kiến đến hết năm 2016 sẽ hoàn thành. UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các nhà thầu thi công tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối giao thông trên tuyến trong quá trình thi công.
Đồng thời báo cáo với kỳ họp HĐND tỉnh: Sau khi kiểm tra hiện trạng tuyến quốc lộ 12 phân đoạn từ thành phố Điện Biên Phủ đến thị xã Mường Lay, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án thủy điện Sơn La Lai Châu ngày 21/11/2014, UBND tỉnh đã báo cáo, kiến nghị và được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác sửa chữa, đảm bảo giao thông trên tuyến và xử lý dứt điểm việc sạt trượt của quốc lộ 12 đoạn qua thị xã Mường Lay (tại Thông báo số 446/TB-VPCP ngày 28/11/2014 của Văn phòng Chính phủ).
4. Đầu tư đường điện cho 04 bản vùng cao: Bản Hua Huổi Luông, Hua Nậm Cản, Huổi Luân xã Lay Nưa và bản Huổi Min phường Sông Đà thị xã Mường Lay.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Việc đầu tư Đầu tư đường điện cho 04 bản vùng cao: Bản Hua Huổi Luông, Hua Nậm Cản, Huổi Luân xã Lay Nưa và bản Huổi Min phường Sông Đà thị xã Mường Lay để phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân là cần thiết. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hiện tại của Nhà nước còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên thì mới đảm bảo được việc cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư.
Để tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, UBND tỉnh giao Sở Công thương phối hợp với Điện lực Điện Biên rà soát, xem xét bổ sung nội dung đầu tư đường điện cho 04 bản trên vào dự án cấp điện nông thôn trên cơ sở nguồn lực đầu tư được cân đối theo kế hoạch.
5. Hệ thống thoát nước đường tỉnh lộ 142 thiết kế bất cập, một số cống bị tắc, một số cống không thu, tiêu hết nước khi mùa mưa đến. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Theo báo cáo của Ban quản lý các dự án giao thông trọng điểm tỉnh thì các vị trí cống đều được xây dựng đúng theo hồ sơ thiết kế và quy hoạch được duyệt, không có tình trạng xây dựng không đúng vị trí như cử tri đã phản ánh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do mùa mưa kéo dài, lượng đất đá bên phía taluy dương của tỉnh lộ 142 (thuộc Dự án tỉnh lộ 142) thường xuyên bị sạt lở với khối lượng lớn làm tắc hệ thống cống thoát, dẫn đến nước chảy tràn qua đường tỉnh lộ 142 và ảnh hưởng đến các hộ dân.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND thị xã Mường Lay đã phối hợp với Ban Quản lý các dự án giao thông trọng điểm tỉnh khắc phục, xử lý kỹ thuật để khơi thông dòng chảy đảm bảo thoát nước. Đến nay, hầu hết các vị trí cống đã được khắc phục xong. Trong mùa mưa lũ năm 2014, một số vị trí cống tiếp tục bị lấp, bị tắc, một số điểm trên tuyến tỉnh lộ 142 bị sạt lở. UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các ngành liên quan xem xét cụ thể để tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí xử lý các điểm sụt sạt trên tuyến tỉnh lộ 142.
6. Đề nghị UBND tỉnh báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến đường Mường Lay - Nậm Nhùn giai đoạn II.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Về nội dung này UBND tỉnh đã Văn bản số 156/UBND-GT ngày 18/1/2013 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị đầu tư xây dựng tuyến đường Mường Lay - Nậm Nhùn giai đoạn 2 với chiều dài tuyến là 11,9 Km, qui mô đường cấp VI miền núi với tổng mức đầu tư là 279,0 tỷ đồng. Đến nay, các Bộ, ngành Trung ương đang rà soátđể trả lời tỉnh. Sau khi có ý kiến của các Bộ liên quan, UBND tỉnh sẽ thông báo để các cử tri được biết.
7. Việc triển khai kế hoạch khai thác rừng trẩu, UBND thị xã đã tiến hành tuyên truyền tới 13 cộng đồng tổ, bản - khu vực có rừng trẩu khai thác và lấy ý kiến của nhân dân. Kết quả 100% hộ gia đình thuộc quy hoạch vùng khai thác không nhất trí với việc khai thác rừng trẩu trong giai đoạn hiện nay. Cử tri thị xã Mường Lay đề nghị UBND tỉnh tạm dừng việc khai thác gỗ trẩu trên địa bàn thị xã. Vì các tiểu khu được xác định khai thác đều có độ dốc lớn, nhiều khe suối, phía trên các khu dân cư mới được bố trí tái định cư, tiềm ẩn nguy cơ sụt sạt lở đất, gây nguy hiểm đến khu tái định cư.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Theo đề nghị của Công ty Rừng Việt Tây Bắc, UBND tỉnh đã cùng các sở, ngành chuyên môn đi kiểm tra thực tế và đã có văn bản chỉ đạo số 3468/UBND-TN ngày 17/9/2014; trong đó, đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thị xã Mường Lay kiểm tra, xác định chi tiết khu vực đã thiết kế khai thác, xác định lại khu vực dự kiến khai thác, tổ chức đánh giá, phân tích lợi ích từ khai thác rừng trẩu để thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh xem xét lựa chọn phương án tối ưu nhất nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và được sự đồng thuận của người dân, đồng thời phải gắn với Quy hoạch chi tiết phát triển lâm nghiệp thị xã Mường Lay đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-UBDN ngày 04/8/2014.
Trước kiến nghị chưa khai thác gỗ trẩu trên địa bàn thị xã Mường Lay của cử tri; UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Mường Lay xem xét, báo cáo cụ thể UBND tỉnh tring tháng 12/2014 để trả lời cho cư tri được biết.
IX. Các kiến nghị của cử tri huyện Tủa Chùa
1. Đề nghị cắt giảm thủ tục giấy khám sức khỏe đối với học sinh dân tộc khi thi đỗ vào Trường Dân tộc Nội trú huyện, Tỉnh.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Việc tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông được thực hiện theo Thông tư số 02/2013/TT-BGDĐT ngày 30/01/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; theo đó, từ năm học 2013-2014 đã cắt giảm thủ tục nộp giấy khám sức khỏe đối với học sinh khi vào học tại các trường phổ thông Dân tộc nội trú trung học phổ thông cấp huyện, cấp tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Tủa Chùa kiểm tra, xác minh kiến nghị của cử tri, xử lý các trường hợp thực hiện trái quy định tại Thông tư số 02/2013/TT-BGDĐT ngày 30/01/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có); đồng thời chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn học sinh các thủ tục tuyển sinh khi thi vào các trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông và phổ thông dân tộc nội trú tỉnh.
2. Cắt giảm thủ tục hành chính trong Dự án hỗ trợ mua trâu đối với hộ nghèo.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Các thủ tục hỗ trợ mua trâu đối với hộ nghèo phải tuân theo các quy định của Luật Ngân sách, Luật đấu thầu, Pháp lệnh Thú y và các văn bản có liên quan nhằm đảm bảo khi tiếp nhận chính sách hỗ trợ các hộ được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi như: Giá cả hợp lý (thông qua đấu thầu), trâu khi tiếp nhận khỏe mạnh không mắc các bệnh (thông qua kiểm dịch); đủ các thủ tục thanh quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách.
Do cử tri chưa kiến nghị không rõ thủ tục cần cắt giảm ở đây là thủ tục gì nên UBND tỉnh chưa có cơ sở để trả lời cụ thể về kiến nghị của cử tri.
3. Điều chỉnh khoảng cách từ nhà đến trường đối với học sinh bán trú (quy định tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 65/2001/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT ngày 22/12/2011). Học sinh Tiểu học từ 4 km giảm xuống khoảng cách 2 km; Học sinh THCS từ 7 km giảm xuống khoảng cách 4 km để học sinh được hưởng chế độ bán trú.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Để khắc phục quy định chưa phù hợp về khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường trong quá trình xét duyệt học sinh bán trú tại địa bàn các xã vùng đặc biệt khó khăn như quy định tại tại Khoản 1, Điều 2, Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT ngày 22/12/2011 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Tài chính - Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, Hội đồng nhân dân tỉnh đã kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương điều chỉnh giảm quy định khoản cách tối thiểu từ nhà tới trường trong xét duyệt học sinh bán trú đối với học sinh tiểu học từ 4 km xuống 3 km, học sinh trung học cơ sở từ 7 km xuống 6 km (Báo cáo số 50/BC-VHXH ngày 27/10/2014 của HĐND) nhưng đến nay liên Bộ vẫn chưa điều chỉnh quy định trên.
UBND tỉnh tiếp thu kiến nghị của cử tri và sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương điều chỉnh giảm khoảng cách tối thiểu từ nhà tới trường đối với học sinh bán trú như HĐND tỉnh đã kiến nghị.
X. Các kiến nghị khác
1. Cử tri các huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Ảng kiến nghị: Tình trạng con em nhân dân tại một số xã, bản, được đào tạo trình độ Cao đẳng mầm non hệ vừa học vừa làm sau khi tốt nghiệp ra trường nhưng không được bố trí tuyển dụng. Đề nghị UBND tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo, các ngành chức năng rà soát, xem lại công tác tuyển dụng, bố trí các trường hợp nêu trên.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Hiện nay, thẩm quyền tuyển dụng công chức, viên chức đã được phân cấp cho Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; song việc tuyển dụng giáo viên cho các trường phải căn cứ nhu cầu, kế hoạch tuyển dụng của Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương, đảm bảo, tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn theo quy định hiện hành. Để đảm bảo giải quyết nhu cầu việc làm đối với con, em trong tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn khi thẩm định kế hoạch, phương án tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo có ưu tiên tuyển dụng đối với những người dự tuyển trong tỉnh, nếu trong tỉnh không còn hồ sơ đủ điều kiện tuyển dụng thì mới xem xét đến các trường hợp ngoại tỉnh.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức trong thời gian tới.
2. Cử tri thị trấn Điện Biên Đông; xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng kiến nghị: Thực hiện Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn. Trong Danh mục có thị trấn Điện Biên Đông thuộc diện được thụ hưởng chính sách nhưng thực tế chưa thực hiện được vì chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Vậy những người làm việc tại xã hay tất cả những người làm việc trong tất cả đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc xã đó thì được hưởng phụ cấp thu hút theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ. Đề nghị Sở Tài chính sớm đề xuất UBND tỉnh xem xét, quyết định thực hiện
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, theo đó thì xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng và thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông là 02 địa bàn thuộc vùng khó khăn; Quyết định số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc về công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã vùng I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015, theo đó xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng có 17 thôn, bản đặc biệt khó khăn và thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông có 03 thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài ra các thôn khác thuộc xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng và các thôn khác thuộc thị trấn Điện Biên Đông, huyện Điện Biên Đông không là thôn đặc biệt khó khăn nên không thuộc phạm vi điều chỉnh theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ.
Đối tượng áp dụng chính sách theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ ở 02 địa bàn trên bao gồm cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang hiện đang công tác tại 17 thôn thuộc xã Xuân Lao và 03 thôn thuộc thị trấn Điện Biên Đông.
3. Cử tri huyện Điện Biên, Mường Ảng, Mường Chà, Nậm Pồ kiến nghị:
a) Đề nghị tăng mức phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Nội dung này trùng và UBND tỉnh đã trả lời ở phần các kiến nghị của cử tri thành phố Điện Biên Phủ.
b) Đề nghị tỉnh, Công ty điện lực tiếp tục tổ chức rà soát mở đường điện lưới Quốc gia đến các bản, các khu vực mới chia tách tại một số xã, bản trên địa bàn các huyện trên.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Thực hiện Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 802/QĐ-UBND, ngày 22/10/2014 về việc phê duyệt dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014-2020. Dự án có quy mô cấp điện cho 12.287 hộ dân của 276 thôn, bản trên địa bàn 89 xã, thuộc 08 huyện của tỉnh Điện Biên với tổng mức đầu tư là 841 tỷ đồng.
Phần vốn còn lại 385.647 triệu đồng với quy mô cấp điện cho 3.386 hộ của 88 thôn, bản thuộc 08 huyện sẽ được thực hiện khi có quyết định bổ sung vốn (thực hiện giai đoạn đoạn II) của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các bản, các khu vực chia tách, UBND tỉnh giao Sở Công Thương phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục cập nhật, bổ sung vào dự án để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
4. Một số kiến nghị của cử trì về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, cụ thể:
- Cử tri xã Noong U kiến nghị: UBND tỉnh sớm đầu tư tuyến đường Na Sang - Noong U, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận lợi cho giao thương, buôn bán và ổn định cuộc sống.
- Cử tri xã Huổi Mý kiến nghị:
a) UBND tỉnh và Sở giao thông vận tải tỉnh quan tâm, đề xuất với Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải xem xét đầu tư cho mở tuyến đường giao thông từ trung tâm xã đến quốc lộ 12 (hiện tại đi từ trung tâm huyện về xã phải đi vòng ngược lại Pa Ham với chặng đường 130 km nếu được đầu tư thì đoạn đường từ trung tâm xã về huyện còn khoảng 34km) Để góp phần tháo gỡ những khó khăn chung cho bà con nhân dân các dân tộc không chỉ riêng xã Huổi Mý và cả các xã lận cận như: Pa Ham, Nậm Nèn.
b) Là xã mới chia tách và đã có 01 bác sỹ về công tác, điều kiện các bản đều nằm xa trung tâm xã, nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị của nhân dân rất lớn, song điều kiện về cơ sở vật chất còn tạm bợ, khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đề nghị tỉnh và Sở Y tế quan tâm, sớm bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trạm y tế cho xã.
- Cư tri huyện Điện Biên kiến nghị: Theo phản ánh của cử tri, hiện nay tuyến đường vành đai phía Đông đã xuống cấp nghiêm trọng, không phát huy được hiệu quả sau đầu tư. Đề nghị UBND tỉnh xem xét sớm sửa chữa, nâng cấp.
- Cử tri xã Pá Khoang kiến nghị: Đề nghị xây dựng trạm y tế xã Pá Khoang.
- Cử tri huyện Tuần Giáo kiến nghị: Đối với các xã mới chia tách, thành lập trên địa bàn huyện Tuần Giáo, đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã và từ xã đi các bản để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân được thuận lợi.
- Cử tri thành phố Điện Biên Phủ kiến nghị: Tuyến đường liên huyện từ cầu Mường Thanh vào xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, lượng xe lưu thông trên đoạn đường này rất lớn, đường hẹp, mặt đường xuống cấp nghiêm trọng, nhất là các cháu học sinh đi lại rất nguy hiểm, tiểm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường trên.
Các nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Kiến nghị của cử tri các địa bàn trên về đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ đời sống, sản xuất, sinh hoạt và học tập là chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư phần lớn phụ thuộc vào hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; nguồn vốn cân đối ngân sách của tỉnh rất hạn chế.
UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ xem xét ưu tiên đầu tư khi đủ điều kiện về nguồn lực. Để chuẩn bị cho công tác đầu tư, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Chà chịu trách nhiệm sắp xếp thứ tự ưu tiên, đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 để báo cáo HĐND tỉnh, các Bộ, ngành trung ương xem xét cho triển khai thực hiện vào thời điểm phù hợp.
B. CÁC Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI DO ỦY BAN MTTQ TỈNH TỔNG HỢP
I. Về lĩnh vực chế độ chính sách, quản lý nhà nước, kinh tế và đời sống nhân dân.
1. Nhân dân bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên kiến nghị: Bản có 64 hộ, 328 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Khơ Mú, trong đó có 21 hộ với 93 nhân khẩu đang nằm trong diện nguy cơ bị lũ quét cần di chuyển khẩn cấp. Nhiều năm qua, nhân dân đã kiến nghị nhiều lần đến các cấp chính quyền đến nay vẫn chưa được hỗ trợ kinh phí, đất ở để di chuyển. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, tạo điều kiện cho nhân dân ổn định cuộc sống lâu dài, đề nghị UBND, HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND huyện Điện Biên xuống kiểm tra thực địa để di chuyển 21 hộ trên ra khỏi vùng có nguy cơ bị lũ quét.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân bản Co Pục đang sinh sống tại vùng có nguy cơ bị lũ quét, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương, dự toán và giao UBND huyện Điện Biên làm chủ đầu tư xây dựng phương án bố trí dân cư vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt khó khăn bản Co Pục (Quyết định số 885/QĐ-UBND ngày 01/10/2012); đồng thời UBND tỉnh cũng đã có văn bản báo cáo các Bộ, ngành Trung ương đề nghị hỗ trợ vốn để tỉnh triển khai thực hiện các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh, trong đó có bản Co Pục; gần đây nhất là văn bản số 4071/UBND-NN ngày 24/10/2014 đề nghị Trung ương hỗ trợ trước 5 tỷ đồng để thực hiện nhưng đến nay vẫn chưa được Trung ương bố trí vốn để triển khai thực hiện dự án.
Trong khi chưa hỗ trợ kinh phí để thực hiện, UBND tỉnh đề nghị cấp ủy và giao UBND huyện Điện Biên tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phương án khắc phục trong mùa mưa lũ; đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến về thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh kịp thời nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân; đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, gửi thẩm định, trình phê duyệt theo quy định làm cơ sở để các ngành chức năng cân đối, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí lồng ghép các nguồn vốn để di chuyển các hộ dân bản Co Pục đang sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lũ quét đến ở mới, đảm bảo ổn định, an toàn.
2. Nhân dân bản Huổi Nôm xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo kiến nghị: Bản có 40 hộ với gần 300 nhân khẩu, chia làm 03 nhóm dân cư sinh sống biệt lập với bên ngoài, cách trung tâm xã gần 20 km, vào mùa mưa lũ nhân dân không đi ra xã được. Đời sống của người dân trong bản hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, không điện, không đường, không nước sạch, không chợ... Đề nghị UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải, Điện lực Điện Biên và UBND huyện Tuần Giáo quan tâm, tạo điều kiện đầu tư làm đường, điện, nước sạch... để nhân dân trong bản có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh tiếp thu kiến nghị của cử tri, thời gian tới sẽ giao các sở ngành liên quan và UBND huyện Tuần Giáo rà soát, lồng ghép các nguồn vốn, khi cân đối đủ nguồn lực sẽ ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ nhân dân bản Huổi Nôm, xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo.
3. Kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động trong tỉnh: Hiện nay các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn trong tỉnh: Số cán bộ CCVC, CNLĐ chưa có nhà ở và đất ở là trên 7 nghìn người: Theo thu nhập bình quân hiện nay khoảng 4 triệu đồng/người/tháng và giá nhà, đất thị trường hiện nay thì cán bộ CCVC, CNLĐ không thể mua được nhà, đất. Đề nghị Tỉnh ủy, HDND, UBND tỉnh có cơ chế chính sách để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động về nhà ở, đất ở, góp phần ổn định đời sống gia đình, yên tâm công tác.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Nguyện vọng được bố trí đất ở, nhà ở để ổn định cuộc sống là nguyện chính đáng của người dân; việc tạo quỹ đất ở, nhà ở để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của người dân là trách nhiệm của các quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên đến nay, Tỉnh chưa cân đối bố trí được nguồn kinh phí để triển các dự án phát triển nhà ở, nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Để từng bước giải quyết vấn đề trên, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh Điện Biên và giao Sở Xây dựng chủ trì, lập Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, để thu hút các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, làm cơ sở để giải quyết khó khăn vướng mắc về nhà ở và đất ở trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các Nhà đầu tư đầu tư đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu đất ở của nhân dân. Đồng thời, UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn lực và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù để triển khai các dự án về nhà ở và phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên đến nay, các dự án phát triển nhà ở, xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh chưa được các nhà đầu tư quan tâm đầu tư; nên số lượng nhà ở xã hội, đất ở trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng cả người dân.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ nguồn lực và cho phép áp dụng các cơ chế đặc thù để UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư và triển khai các dự án phát triển nhà ở, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở, đất ở cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động và những người có thu nhập thấp trên địa bàn.
4. Cử tri các huyện, thị xã, thành phố kiến nghị việc chia tách thôn, bản, tổ dân phố: Trên địa bàn tỉnh còn nhiều thôn, bản với địa bàn rộng, dân số đông từ trên 150 hộ đến gần 200 hộ, do đó rất khó khăn cho hoạt động của lãnh đạo thôn, bản trong quản lý, điều hành, cũng như tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến với người dân, cụ thể như: Bản Đắng xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng có 168 hộ; bản Phi Hai xã Sá Tổng, huyện Mường Chà có 175 hộ; bản Him Lam 2 phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ có 168 hộ... Đề nghị UBND tinh quan tâm chỉ đạo Sở Nội vụ cùng với chính quyền các cấp kiểm tra, rà soát lại các thôn, bản, tổ dân phố, nếu có đủ điều kiện thì cho chia tách để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành được thuận lợi.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Hiện nay, UBND tỉnh chưa nhận được hồ sơ đề nghị chia tách thành lập thôn, bản của UBND huyện Mường Chà, cũng như các huyện, thị xã, thành phố. Vì vậy UBND tỉnh chưa có cơ sở để xem xét, chỉ đạo. UBND tỉnh tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát các tiêu trí và điều kiện để chia tách, thành lập mới thôn, bản, tổ dân phố trên phạm vi toàn tỉnh, làm cơ sở để xem xét, cho chủ trương xây dựng đề án chia tách, thành lập mới thôn, bản, tổ dân phố trên theo các quy định tại Thông tư số 04/2012/TT-BNV, trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua.
Đối với Tờ trình số 476/TTr-UBND ngày 25/7/2014, của UBND huyện Mường Nhé về việc đề nghị cắt chuyển, sáp nhập, chia tách, thành lập bản mới các xã thuộc huyện Mường Nhé. Sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan chức năng đã có văn bản đề nghị huyện Mường Nhé hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên đến nay huyện Mường Nhé vẫn chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục đề nghị chia tách, thành lập thôn, bản nên chưa có cơ sở để kiểm tra, thẩm định.
II. Về lĩnh vực quy hoạch xây dựng và giao thông.
1. Cử tri và nhân dân phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ tiếp tục kiến nghị: Việc quy hoạch xây dựng Khu Liên hiệp thể thao của tỉnh đã được triển khai thực hiện gần 10 năm với nhiều hạng mục, nhưng đến nay mới hoàn thành được 1/10 gói thầu đó là nhà thi đấu đa năng tỉnh, còn các gói thầu còn lại bị treo trong nhiều năm qua gây tốn kém, lãng phí, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân thuộc phạm vi quy hoạch. Cử tri kiến nghị với UBND tỉnh các gói thầu còn lại có tiếp tục triển khai nữa không và thời gian nào thì thực hiện, đề nghị UBND tỉnh thông báo và trả lời cho cử tri biết để nhân dân yên tâm ổn định đời sống.
Nội dung này trùng với kiến nghị cử tri do HĐND tỉnh tổng hợp và đã được UBND tỉnh trả lời tại phần các kiến nghị của cử tri thành phố Điện Biên Phủ.
2. Hiện nay trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, tình trạng lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm làm nơi rửa xe, trưng biển bán hàng, tập kết vật liệu, kinh doanh, buôn bán, đỗ xe ô tô diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Điển hình như: Đường Võ Nguyên Giáp, đường Hoàng Công Chất, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Chí Thanh, Đường Trường Chinh. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban an toàn giao thông tỉnh và UBND thành phố sớm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng trên để đường thông, hè thoáng đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho người tham gia giao thông.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Hiện nay, tình trạng buôn bán, họp chợ, rửa xe ô tô và xe máy tại thành phố Điện Biên Phủ đa phần là các điểm tự phát, kinh doanh nhỏ lẻ mang tính hộ gia đình do các hộ dân mở ra để mưu sinh. Trách nhiệm này thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố.
Để việc buôn bán, họp chợ, rửa xe ô tô và xe máy trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ không ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn của các phương tiện, cá nhân khi tham gia giao thông, UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Điện Biên Phủ tăng cường công tác quản lý đô thị, thường xuyên kiểm tra hoạt động các điểm bán, họp chợ, dịch vụ rửa xe và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
3. Tình hình giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn diễn biến phức tạp, công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn giao thông chưa chặt chẽ. Cử tri và nhân dân kiến nghị UBND, HĐND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần có các giải pháp quyết liệt, nhằm xử lý những hành vi vi phạm pháp luật gây mất trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nhưng có biểu hiện tiêu cực, dung túng, bao che cho các đối tượng vi phạm; kiểm tra chặt chẽ việc đào tạo và sát hạch lái xe; siết chặt hơn nữa công tác quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị xây dựng, thi công không bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình giao thông.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Trong gian qua, UBND tỉnh có nhiều biện pháp chấn chỉnh công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh như: chỉ đạo về quản lý vận chuyển hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các kỳ thi tốt nghiệp Phổ thông Trung học, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng và kỳ nghỉ hè 2014; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện và đường xã trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo việc kiểm tra sức khỏe lái xe khách vận tải; chỉ đạo kiểm tra xe quá tải, quá khổ… nên tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế, tại nạn giao thông trong năm đều giảm cả ba tiêu chí: Số vụ tai nạn, số người bị thương, số người chết; đồng thời công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông cũng đạt kết quả cao, góp phần nâng cao tuổi thọ công trình đường bộ. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, trong đó tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
4. Tuyến đường Chà Tở - Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ dài 3,8km được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 354/QĐ-UBND với tổng mức đầu tư 10.478 triệu đồng (làm đường bê tông) UBND huyện Mường Chà làm chủ đầu tư, do Doanh nghiệp Miền Đông thi công từ năm 2009 đến năm 2011, thi công được 50% thì bỏ dở cho đến nay, gây khó khăn cho cán bộ, nhân dân xã Nậm Khăn trong vấn đề đi lại, thông thương, đặc biệt là mùa mưa. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm kiểm tra và chỉ đạo UBND huyện Mường Chà tiếp tục triển khai thi công sớm hoàn thành tuyến đường trên.
Nội dung này trùng với kiến nghị cử tri do HĐND tỉnh tổng hợp và đã được UBND tỉnh trả lời ở phần các kiến nghị của cử tri huyện Nậm Pồ.
III. Về lĩnh vực y tế, giáo dục.
1. Cử tri xã Huổi Mý, xã Pa Ham huyện Mường Chà và các xã huyện Điện Biên, huyện Tuần Giáo kiến nghị: Hiện nay các xã mới chia tách chưa được đầu tư xây dựng trạm y tế, trang thiết bị phục vụ cho khám, chữa bệnh còn thiếu, nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm sớm bố trí vốn và chỉ đạo Sở Y tế kiểm tra rà soát lại toàn bộ các xã mới chia tách để đầu tư xây dựng trạm y tế xã (trong đó có Trung tâm y tế huyện Nậm Pồ chưa được quan tâm đầu tư xây dựng).
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Kiến nghị của cử tri xã Huổi Mý, xã Pa Ham huyện Mường Chà và các xã của huyện Điện Biên, huyện Tuần Giáo về việc đầu tư xây dựng trạm y tế là rất chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới trạm y tế xã của tỉnh là rất lớn (trên địa bàn tỉnh còn 81/130 trạm y tế xã cần phải cải tạo, nâng cấp và ĐTXD mới, trong đó: 29 trạm chưa có nhà nhà trạm (07 hoạt động lồng ghép với phòng khám đa khoa khu vực, 22 chưa có nhà trạm), 04 trạm là nhà tạm và 48 trạm y tế được đầu tư xây dựng trước năm 2000 đã xuống cấp), trong khi khả năng cân đối nguồn vốn của tỉnh hạn chế, không đáp ứng hết nhu cầu đầu tư.
UBND tỉnh ghi nhận các kiến nghị của cử tri và giao Sở Y tế, UBND các huyện Mường Chà, Điện Biên, Tuần Giáo tổng hợp, sắp xếp thứ tự ưu tiên để đăng ký nhu cầu đầu tư các công trình vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư hàng năm, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh xem xét quyết định.
2. Hiện nay trường THPT huyện Mường Nhé học sinh có nhu cầu ở bán trú quá đông, nhà ở cho các em mới đáp ứng được một phần, còn hơn 100 học sinh của trường do nhà ở quá xa gia đình các em phải làm lán tạm bợ ở quanh trường rất phản cảm; điều kiện sinh hoạt khó khăn đã ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của học sinh. Cử tri và các thầy cô, học trò trường THPT huyện Mường Nhé kiến nghị UBND tỉnh, Sở Giáo dục đào tạo, UBND huyện Mường Nhé cùng các nhà hảo tâm đầu tư làm nhà bán trú, tạo điều kiện cho học sinh yên tâm học tập.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Kiến nghị của cử tri về đầu tư xây dựng nhà bán trú phục vụ sinh hoạt và học tập của học sinh là chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư phần lớn phụ thuộc vào hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; nguồn vốn cân đối ngân sách của tỉnh rất hạn chế.
UBND tỉnh ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ xem xét ưu tiên đầu tư khi đủ điều kiện và nguồn lực. Để chuẩn bị cho công tác đầu tư, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện Mường Nhé xem lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên để đăng ký nhu cầu đầu tư đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 để báo cáo HĐND tỉnh, các Bộ, ngành trung ương xem xét cho triển khai thực hiện vào thời điểm phù hợp. Trong khi chưa bố trí được kinh phí đầu tư xây dựng, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ chỗ ở cho các học sinh thuộc diện được ở bán trú nhưng phải tự lo chỗ ở.
IV. Về lĩnh vực địa giới hành chính, quản lý đất đai và đền bù giải phóng mặt bằng.
1. Cử tri và nhân dân bản Na Su xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông kiến nghị: Năm 2000, nhân dân hai bản Na Su và bản Huổi My xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La xảy ra tình trạng xâm canh, tranh chấp 80ha đất nương và 2ha đất ruộng của bản Na Su khai hoang trước đó. Ngày 16/9/2000, đoàn công tác hai tỉnh Điện Biên và Sơn La tổ chức họp để giải quyết tranh chấp, hai bên thống nhất, đồng ý cho bản Huổi My mượn 80ha đất nương, 2ha đất ruộng thuộc đất canh tác của bản Na Su với thời hạn 10 năm (đến 2010 là hết hạn). Tuy nhiên, đã quá hạn 4 năm nhân dân bản Huổi My không trả lại đất cho bản Na Su, dẫn đến tình trạng mất đoàn kết giữa 2 bản. Để đảm bảo tình đoàn kết và trật tự an toàn của nhân dân 2 bản, đề nghị UBND tỉnh quan tâm phối hợp với UBND tỉnh Sơn La sớm giải quyết dứt điểm việc tranh chấp trên để nhân dân yên tâm sản xuất, ổn dịnh cuộc sống lâu dài.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, các đơn vị hành chính trong tỉnh đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hoá hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm giải quyết dứt điểm các điểm tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính các cấp.
Theo đó UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác định những điểm tranh chấp đất đai, xây dựng phương án giải quyết; hồ sơ Thiết kế Kỹ thuật - dự toán thực hiện Dự án Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hoá hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”; trên cơ sở đó UBND tỉnh đã tổng hợp báo cáo Bộ Nội vụ xin chủ trương và biện pháp của các cấp có thẩm quyền giải quyết triệt để các điểm tranh chấp địa giới hành chính, trong đó có điểm tranh chấp giữa bản Na Su, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên và bản Huổi My, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền, UBND tỉnh sẽ phối hợp với UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc trên.
2. Trại giam Nà Tấu, huyện Điện Biên được thành lập theo Quyết định số 888/QĐ-BCA ngày 03/7/2008 của Bộ Công an, với quy mô 03 phân trại, giam giữ khoảng 3000 phạm nhân. Đến nay, trại mới xây dựng sử dụng 01 phân trại, với trên 1000 phạm nhân, đang trong tình trạng quá tải. Năm 2008, trại đã được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt quy hoạch tổng thể giao 450 ha đất để xây dựng trại và đất sản xuất cho phạm nhân. Tuy nhiên, trại mới được giao 113,9 ha đất, do thiếu đất, thiếu nhà xưởng, vì vậy phạm nhân chưa có việc làm ổn định. Cán bộ, chiến sĩ Trại Nà Tấu đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng với UBND huyện Điện Biên làm các thủ tục giao đất cho Trại theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt, để trại có đất xây dựng nơi giam giữ, nhà xưởng, có đất cho phạm nhân lao động sản xuất.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Dự án xây dựng Trại giam Nà Tấu đã được UBND tỉnh thỏa thuận quy hoạch tại văn bản số 1205/UBND-NN ngày 25/12/2007 với diện tích 450ha và đã được UBND tỉnh giao đất để xây dựng Trại giam (giai đoạn 1) tại Quyết định số 716/QĐ-UBND ngày 09/6/2008 với diện tích 113,9ha.
Trên cơ sở đề nghị của Sở Xây dựng tại văn bản số 269/SXD-KTQH ngày 17/4/2014 (kèm theo Biên bản làm việc Liên ngành ngày 08/4/2014 giữa các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND huyện Điện Biên, Trại giam Nà Tấu). Ngày 20/5/2014, UBND tỉnh có văn bản số 1738/UBND-CN về triển khai việc lập quy hoạch xây dựng Trại giam Nà Tấu giai đoạn II, theo đó đồng ý chủ trương cho phép Trại giam Nà Tấu tiếp tục nghiên cứu, khảo sát lập phương án quy hoạch chi tiết xây dựng Trại giam Nà Tấu giai đoạn II trong phạm vi ranh giới khu đất đã được UBND tỉnh thỏa thuận quy hoạch tại văn bản số 1205/UBND-CN ngày 25/12/2007 để hoàn thiện các hồ sơ thủ tục đất đai xây dựng Trại giam Nà Tấu giai đoạn II bằng nguồn vốn đầu tư của Bộ Công an.
Để dự án sớm được triển khai, UBND tỉnh đề nghị Trại giam Nà Tấu chủ động phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, ngành, đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh phương án quy hoạch xây dựng Trại giam Nà Tấu giai đoạn II trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Sau khi phương án quy hoạch được phê duyệt chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Điện Biên để thực hiện các quy trình thu hồi đất, giao đất trình UBND tỉnh xem xét quyết định theo đúng quy định hiện hành.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Điện Biên tích cực phối hợp với Trại giam Nà Tấu hoàn thiện các nội dung trên theo quy định để dự án sớm được triển khai.
V. Về lĩnh vực môi trường, công trình thủy lợi và điện sinh hoạt
1. Dọc Quốc lộ 279, đoạn qua khu vực chợ Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên đã và đang diễn ra tình trạng vứt rác bừa bãi, bên lề đường, thậm trí tràn ra cả lòng đường gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý của chính quyền địa phương chưa tốt, cùng với sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân. Đề nghị UBND huyện Điện Biên chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã Noong Hẹt xuống kiểm tra và có giải pháp khắc phục tình trạng trên, đồng thời xử lý nghiêm đối với những người xả rác bừa bãi nơi công cộng.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Để xử lý, khắc phục dứt điểm tình trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Điện Biên tập trung chỉ đạo đơn vị thu gom rác sớm khắc phục tình trạng trên; đồng thời nghiên cứu giải quyết đề nghị của Hợp tác xã kinh doanh doanh tổng hợp Công nông nghiệp xã Noong Hẹt về việc được nhận khoán khu gom rác thải ở khu vực chợ Bản Phủ; tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyên, giáo dục, giúp người dân hình thành nếp sống văn minh, vứt rác đúng nơi quy định; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về vệ sinh môi trường.
UBND tỉnh đề nghị Măt trận tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ chức và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường.
2. Xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa có 358 hộ với trên 2000 nhân khẩu, trên 600 ha đất nông nghiệp, nhu cầu về nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất cho toàn xã đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, cả xã chỉ có duy nhất một mó nước Háng Đề Chia nay đã xuống cấp và không còn khả năng cung ứng nước dẫn đến tình trạng nhiều ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang rất lãng phí, người dân không có nước sinh hoạt để dùng. Cử tri và nhân dân đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng và UBND huyện Tủa Chùa quan tâm đầu tư kênh mương dẫn nước về phục vụ cho người dân có nước sản xuất, sinh hoạt.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh ghi nhận ý kiến kiến nghị của cử tri và giao UBND huyện Tủa Chùa kiểm tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng công trình hiện có và xem xét phương án nâng cấp, sửa chữa khả thi. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các ngành đơn vị có liên quan báo cáo, trình UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp công trình, đảm bảo việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân và phù hợp với khả năng cân đối, bố trí vốn của tỉnh. Trường hợp chưa cân đối, bố trí đầu tư công trình trong năm 2015 thì xem xét ưu tiên đăng ký nhu cầu đầu tư vào danh mục đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 để thực hiện.
Trước mắt, yêu cầu huyện Tủa Chùa tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ, quản lý và sửa chữa duy tu bảo dưỡng thường xuyên công trình như: phát quang, khơi thông dòng chảy, sửa chữa tuyến ống dò nước... và khắc phục tạm thời các hư hỏng để khai thác, sử dụng công trình trước khi công trình được cải tạo sửa chữa theo quy định.
3. Cử tri và nhân dân bản Mường Toong 2 xã Mường Toong, huyện Mường Nhé kiến nghị: Bản nằm cạnh quốc lộ 4H, mặc dù đã có đường điện lưới quốc gia từ năm 2007, nhưng đến nay nhân dân vẫn chưa được sử dụng điện. Để có điện sinh hoạt và sản xuất phải mua điện của Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé với giá thành cao. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo Điện lực Điện Biên và UBND huyện Mường nhé quan tâm đầu tư làm đường điện để nhân dân trong bản có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh tiếp thu kiến nghị của cử tri và giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Công ty Điện lực Điện Biên kiểm tra việc sử dụng điện của các hộ dân và giá thành mua bán điện; báo cáo HĐND tỉnh, UBND tỉnh trong tháng 01/2015.
Việc đầu tư làm đường điện nhân dân bản Mường Toong 2 xã Mường Toong, huyện Mường Nhé nằm trong dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014-2020 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 802/QĐ-UBND ngày 22/10/2014.
VI. Về trật tự an toàn xã hội.
1. Cử tri thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện điện Biên kiến nghị: Hiện nay tình hình tội phạm ma túy và tội phạm cướp giật trên đường, giết người cướp của có chiều hướng phức tạp, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Đề nghị Ban Gám đốc Công an tỉnh Điện Biên chỉ đạo quyết liệt Công an các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt là Công an thành phố và Công an huyện Điện Biên cần tăng cường lực lượng kiên quyết trấn áp các loại tội phạm trên, để nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: UBND tỉnh tiếp thu kiến nghị của cử tri, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường lực lượng xuống các tuyến, địa bàn trọng điểm mở đợt cao điểm tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm hình sự, ma tuý, triệt xoá các điểm phức tạp về tội phạm và tệ nạn xã hội, tiếp tục đánh mạnh, đánh trúng các đường dây tội phạm ma tuý. Trước mắt là triển khai, thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.
2. Cử tri và nhân dân các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé kiến nghị: Tình trạng kinh doanh bán lẻ xăng, dầu tại trung tâm các xã vùng cao, vùng sâu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao, gây lo lắng cho nhân dân; xăng, dầu được bày bán đan xen cùng nhiều mặt hàng tạp hóa và các hộ dân, không có vật dụng phòng chữa cháy, kiến thức về phòng, chống cháy nổ của người dân chưa cao. Đề nghị Sở Công thương phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp xuống kiểm tra và hướng dẫn các hộ kinh doanh bán lẻ xăng dầu tuân thủ đúng quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy, đồng thời kiên quyết xử lý các hộ không đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng trên.
Nội dung này, UBND tỉnh trả lời như sau: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thanh, kiểm tra tất cả các cơ sở, cá nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện 202 hộ kinh doanh cá thể kinh doanh xăng dầu không đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về ngành nghề kinh doanh xăng dầu, trong đó: (huyện Điện Biên 35 hộ, Điện Biên Đông 17 hộ, Tuần Giáo 25 hộ, Tủa Chùa 41 hộ, Mường Chà 18 hộ, Mường Nhé 19 hộ, Mường Ảng 26 hộ, Nậm Pồ 21 hộ). Đã xử lý vi phạm hành chính 60 cơ sở, số tiền thu nộp ngân sách 59.500.000đ và đình chỉ, nhắc nhở nhiều cơ sở.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, hộ gia đình kinh doanh xăng dầu không đúng quy định, đồng thời rà soát, xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới xăng dầu trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đồng thời kêu gọi các các tổ chức, các nhân có đủ điều kiện, năng lực đầu tư cửa hàng xăng dầu theo quy hoạch./.
(Hết)
BBT