Cách mạng Tháng Tám và bài học nêu cao trách nhiệm trong công việc và cuộc sống

Thứ Hai, 18/08/2014, 08:49 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mùa thu năm 1945, trong muôn vàn khó khăn, gian khổ, Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đã nêu cao trách nhiệm trước quốc dân đồng bào và vận mệnh Tổ quốc, chớp thời cơ, lãnh đạo nhân dân ta làm nên cuộc cách mạng “long trời, lở đất” – Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công; tiến hành Tuyên ngôn độc lập, công bố với quốc dân Việt Nam và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”.

v


69 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm 1945, trong đó bài học nêu cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân người đứng đầu vẫn đang và sẽ mãi mãi có giá trị to lớn với mỗi tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên chúng ta. Thực tế đã chứng minh, trong cuộc sống và làm việc, nếu bất cứ tổ chức hay cá nhân nào thiếu đi hai chữ trách nhiệm thì rất nhiều việc sai lầm cứ nối tiếp diễn ra, sẽ gây tổn thương, thiệt hại rất nhiều. Vấn đề đặt ra ở đây là mỗi tổ chức, mỗi con người, nhất là tổ chức giữ trọng trách lãnh đạo toàn xã hội như tổ chức Đảng và cá nhân những người đứng đầu tổ chức chính trị, cơ quan, đơn vị, địa phương là phải thể hiện vai trò của mình và thành viên của tổ chức ấy phải sống, làm việc như thế nào cho xứng đáng! Điều này không dễ, nhưng cũng không khó, nếu tổ chức Đảng, đặc biệt là mỗi đảng viên của Đảng thực sự gương mẫu, thể hiện tốt điều Bác Hồ dạy “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Vậy đảng viên gương mẫu đi trước trong việc nêu cao trách nhiệm thể hiện ở những điểm nào? Phải chăng là ở những vấn đề sau:

Thứ nhất, phải luôn sống có trách nhiệm: Trách nhiệm với chính mình, với những người xung quanh, với những việc mình làm, với những gì mình nói.

Hãy sống có trách nhiệm với chính mình, với cuộc đời của chính mình, đừng bao giờ để những người xung quanh phải ghét bỏ bởi lối sống buông thả, vô trách nhiệm của mình! Khi có ý thức nhận và chịu trách nhiệm của bản thân, sẽ mạnh mẽ hơn, chín chắn hơn, cũng như kiên cường hơn trong cuộc sống, sẽ vượt qua khó khăn trong cuộc đời. Không chỉ có trách nhiệm với mình là đủ, mà chúng ta còn phải sống có trách nhiệm với người thân, người bạn, với những người xung quanh, không bỏ mặc, vô tâm với đau khổ, mất mát của họ. Trách nhiệm là chất gắn kết các mối quan hệ trong cuộc sống xã hội với nhau. Hãy tự chịu trách nhiệm cho những lời mình nói, chú ý về ý nghĩa của những lời mình nói. Cân nhắc lựa chọn từ ngữ cho phù hợp để không làm tổn thương ai đó, sau lại phải ân hận! Nếu ta  sống có trách nhiệm thì bản thân, những người thân và người xung quanh sẽ tôn trọng và ta sẽ luôn có được hạnh phúc

Thứ hai là, luôn phải làm việc có trách nhiệm: Cụ thể là, làm bất cứ công việc gì cũng cần phải có trách nhiệm, hãy làm hết sức mình, hãy làm thật tốt những gì người khác giao cho, đừng làm qua loa, đừng làm chỉ để mà làm. Hãy luôn xác định “công việc là của mình” tất sẽ có ý thức trách nhiệm. Hãy nghĩ đã làm được gì, làm việc thật lòng, không nói nhiều, đừng sợ người khác không biết. Người như vậy ai cũng cảm mến, mọi cố gắng chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng!

Với người cán bộ, công chức, hai từ trách nhiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức là phẩm chất đạo đức, là lòng tự trọng, giá trị của mỗi người. Những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công dân, về ý thức trách nhiệm đối với dân, với nước vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Theo Người, “khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, đều phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình”.

b
Bác Hồ đặt ra yêu cầu với người cán bộ, bên cạnh đạo đức thì phải nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, thông thạo những công việc mà mình phụ trách (Trong ảnh: Bác Hồ thăm Nhà máy diêm Thống Nhất. Nguồn: Intenet)


Bàn về ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, trước hết phải nói đến trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị.  Bởi vì, hơn ai hết, họ là những “người cầm trịch”, “đứng mũi chịu sào”, được giao trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị không những chịu trách nhiệm về những sai lầm, khuyết điểm của bản thân mà còn phải chịu trách nhiệm về những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, công chức dưới quyền khi thi hành nhiệm vụ. Người đứng đầu phải phân công chức trách, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng cán bộ, công chức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, thiếu sót trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức dưới quyền, tránh tình trạng quan liêu, bê bối, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, đơn vị mình quản lý. Phải nói điều này vì hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa đề cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; trì trệ, bê trễ, làm việc qua loa, đại khái dẫn đến những sai sót, ý thức kỷ luật lao động kém; vi phạm các quy định của pháp luật về sử dụng thời giờ làm việc như nghỉ việc không lý do, làm việc riêng, đi muộn, về sớm, chơi games… trong giờ làm việc, ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác và tác phong, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức.
 
Đứng trước những thời cơ và thách thức của quá trình hội nhập, yêu cầu của công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị trong giai đoạn mới, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và từng người dân đều phải nỗ lực hơn nữa, nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả thời giờ làm việc hơn nữa. Đây thực sự là việc làm hết sức cấp thiết.

Ngoài việc chấp hành tốt những điều nêu trên, chúng ta còn cần tích cực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay” và Quy định 101 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị. Trong triển khai thực hiện, mỗi chúng ta cần chú ý việc nêu cao trách nhiệm trong tự phê bình và phê bình; tôn trọng, lắng nghe ý kiến góp ý để giải quyết công việc được giao một cách khách quan, thận trọng; tự giác nhận khuyết điểm do hậu quả giải quyết công tác để xảy ra sai sót, không đùn đẩy, đổ lỗi cho người khác; kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm”; chân thành, khiêm tốn, không chạy theo chủ nghĩa thành tích, không bao che, giấu khuyết điểm…; có ý thức xây dựng đơn vị đoàn kết, vững mạnh; giúp đỡ, phối hợp với đồng nghiệp, với các thành viên của tổ chức liên quan để thực hiện tốt nhiệm vụ. Chúng ta cũng cần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm; không lùi bước trước mọi khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ được giao; làm việc bằng mọi khả năng, công sức; chống bệnh lười biếng, lối sống hưởng thụ, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức, lý luận khoa học khoa học, kinh nghiệm thực tiễn, các sáng kiến trong công tác; biết quý trọng công sức lao động và tài sản tập thể, không xa hoa, lãng phí, không phô trương hình thức. Cán bộ ở cương vị nào cũng phải giữ gìn phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Hãy trân trọng những gì mình đang có. Hãy sống và làm việc có trách nhiệm là vun đắp, giữ gìn hạnh phúc cho chính mình, cho mọi người.

Thực tế đã chứng minh như một chân lý: Vị trí, vai trò người đứng đầu càng cao thì phạm vi tác động càng lớn, cả mặt tích cực cũng như mặt tiêu cực. Chính vì thế, đã từ rất lâu, Bác Hồ, Đảng ta đã chỉ ra và nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đã đặt rõ trách nhiệm người đứng đầu là một trong những vấn đề cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đây không phải là vấn đề chúng ta chưa biết mà là chúng ta chưa làm nghiêm túc, đầy đủ, thường xuyên có hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) lần này đặt ra với quyết tâm chính trị rất cao để phát huy sức mạnh có tính quyết định của người đứng đầu đối với mọi công việc của Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân như nhân dân ta đã đặt niềm tin và luôn đi theo Đảng làm cách mạng kể từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay.

 

Nguyễn Vân Chương

.