Tinh thần Điện Biên Phủ là động lực phát triển mạnh mẽ cho kinh tế du lịch Điện Biên
Điện Biên TV - Nếu ví du lịch lịch sử Điện Biên Phủ là trung tâm, tạo lực hút thì hai mảng du lịch văn hóa, sinh thái của Điện Biên sẽ là những vòng tròn đồng tâm, làm tăng thêm bề dày và sức nặng cho giá trị mỗi sản phẩm du lịch nơi đây. Tất nhiên, để đạt được điều này, rất cần sự bổ sung, hoàn thiện những chính sách và cơ chế mang tính đột phá.
Cụm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm dấu ấn lịch sử, đồng thời biểu trưng cho tinh thần đoàn kết và tinh thần cách mạng bất diệt của dân tộc. |
,
Du lịch Điện Biên với điểm nhấn là Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Hệ thống quần thể di tích lịch sử này gắn liền với chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại lòng chảo Điện Biên hiện nay đang còn giữ nhiều di tích ghi dấu ấn chiến công oanh liệt của quân và dân Việt Nam. Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa là đồi A1, C1, C2, D1, E1,... Cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ-Cát. Tiếp đến là Khu sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, nơi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng bộ thống soái của chiến dịch và các con đường kéo pháo và trận địa pháo của bộ đội ta trong trận đại chiến Điện Biên Phủ. Trở lại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, cụm Tượng đài Chiến thắng là công trình văn hóa, nghệ thuật mang đậm dấu ấn lịch sử, đồng thời biểu trưng cho tinh thần đoàn kết và tinh thần cách mạng bất diệt của dân tộc. Hay đồi A1 (nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) – cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên. Nghĩa trang liệt sĩ A1, nơi yên nghỉ của các cán bộ, chiến sĩ quân đội đã hy sinh anh dũng trong trận chiến Điện Biên Phủ. Trong không gian yên tĩnh, trang trọng, đây là điểm tham quan lịch sử thu hút đông đảo du khách quốc tế và trong nước viếng thăm.
Du lịch Điện Biên có nhiều tiềm năng, thế mạnh, không chỉ ở cụm di tích lịch sử Điện Biên Phủ mà còn là đời sống văn hóa đặc sắc của 21 dân tộc anh em. Điều này sẽ thấy rất rõ khi du khách đến Điện Biên vào mùa lễ hội, du khách có cơ hội hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của vùng núi Tây Bắc với các lễ hội đặc sắc như: lễ hội Thành Bản Phủ được tổ chức vào ngày 24-25 tháng 2 âm lịch tưởng nhớ anh hùng Hoàng Công Chất; lễ hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú được tổ chức vào tháng 3-4 âm lịch nhằm cầu sức khỏe, may mắn và một năm mưa thuận gió hòa và nhiều lễ hội khác như: Lễ hội Hoa Ban, đua thuyền đuôi én, các phiên chợ của đồng bào vùng cao như chợ phiên: Xá Nhè, Tả Sìn Thàng, Mường Báng nổi tiếng một vùng của Điện Biên. Tại đây, màu sắc bắt mắt, sặc sỡ của các trang phục dân tộc: từ màu đỏ rực rỡ của trang phục người Mông đỏ, chiếc khăn đa sắc đặc trưng truyền thống của người Dao hay màu trắng tinh khôi trên váy của người Mông trắng sẽ là những ấn tượng khiến du khách khó quên.
Giữa vùng rừng núi ngút ngàn, sương trắng bồng bềnh, ngôi chợ nhỏ nằm e ấp dưới chân núi không chỉ là nơi người ta tụ họp, trao đổi mua bán mà còn là ngày hội của những người dân nơi đây. Trong không khí nhộn nhịp, ấm áp, đây là nơi các nam thanh, nữ tú gặp gỡ, tìm hiểu và làm quen với nhau. Họ dùng khèn lá, tiếng sáo để tỏ tình, trao nhau những vòng tay, chiếc gương để làm tin. Vì thế, chợ phiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống cũng như tinh thần của người dân Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung.
Phong cảnh Tây Bắc đẹp, hùng vĩ mà sơn thủy hữu tình; có cánh đồng Mường Thanh gạo trắng nước trong với những loại gạo ngon nổi tiếng. Lên với Điện Biên Phủ, ngoài việc tham quan các điểm di tích, du khách có thể tỏa đi các điểm du lịch sinh thái ở các vùng phụ cận: suối nước khoáng nóng Pe Luông, U Va; hồ Pa Khoang, Huổi Phạ; Hồng Khếnh, Pe Luông; rừng Mường Phăng, động Pa Thơm, thành Tam Vạn, đền Hoàng Công Chất, tháp Mường Luân; tham quan, tìm hiểu nét đẹp truyền thống bản làng văn hóa các dân tộc ở cánh đồng Mường Thanh. Thưởng thức các món ăn truyền thống dân tộc, dân dã đậm đà hương vị của núi rừng và những đêm xòe say đắm lòng người ở bản Ten, bản Mển…
Nhìn lại chặng đường phát triển du lịch của Điện Biên có thể thấy, cho dù còn nhiều khó khăn, hạn chế song những năm gần đây, du lịch Điện Biên đã có bước chuyển mình đáng khích lệ với việc định hình được nền tảng ban đầu cho khai thác tiềm năng và thế mạnh, tạo sự phát triển của du lịch – kinh tế mũi nhọn trong tương lai gần. Cụ thể, đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 145 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao; 2 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, 1 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa. Tổng lượng khách du lịch đến Điện Biên năm 2016 ước đạt trên 480.000 lượt, bằng 106% kế hoạch năm, tăng 14,28% so với năm 2015, trong đó lượng khách quốc tế đến ước đạt 80.000 lượt, tăng 14,2% so với năm 2015. Tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên ước đạt 710 tỷ đồng, bằng 101,5% kế hoạch năm, tăng 29% so với năm 2015.
Song, một điều dễ dàng nhận thấy là dịch vụ du lịch ở Điện Biên Phủ còn nghèo nàn, sản phẩm du lịch chưa phong phú, việc quảng bá hạn chế, nên chưa tạo sức hấp dẫn mạnh cũng như giữ chân đối với du khách. Một trong các vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay của du lịch Điện Biên là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh sự hỗ trợ của Trung ương, ngành Du lịch Điện Biên nên tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế (SNV, Dự án EU, các tổ chức phi chính phủ khác) trong việc xây dựng đội ngũ những người làm du lịch địa phương, nhất là hỗ trợ đào tạo người dân, giới trẻ ở các bản làng trong phát triển du lịch cộng đồng, đào tạo các thuyết minh viên và hướng dẫn viên là cư dân bản địa ở các điểm di tích văn hóa, lịch sử.
Tháng 10/2006, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 230/QĐ-TTg về việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006 - 2020; trong đó có mục tiêu xây dựng Điện Biên thành trung tâm du lịch tầm cỡ của vùng Tây Bắc và là trọng điểm du lịch trong hệ thống du lịch quốc gia. Đến năm 2008, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Điện Biên đã được tỉnh phê duyệt; Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa XI cũng đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch dịch vụ và kinh tế cửa khẩu mở ra cơ hội mới cho ngành Du lịch địa phương tăng tốc. Gần đây nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên khóa XII có Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 23/5/2016; HĐND tỉnh có Nghị quyết số 31/NQ-HĐND, ngày 14/10/2016; UBND tỉnh có Quyết định số 1421/QĐ-UBND ngày 11/11/2016 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhưng qua khảo sát và theo dõi cho thấy việc quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch lại chậm được triển khai. Cơ chế chính sách thu hút đầu tư du lịch trên địa bàn cũng chưa rõ ràng và không khuyến khích được nhà đầu tư. Tỉnh hiện chưa có dự án đầu tư nước ngoài nào vào lĩnh vực du lịch, trong khi đầu tư từ trong nước còn ít. Tính chuyên nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ không cao; xúc tiến quảng bá du lịch điểm đến yếu kém so với một số địa phương trong khu vực như Lào Cai, Sơn La. Thông tin và hình ảnh du lịch Điện Biên hết sức hạn chế mặc dù tầm ảnh hưởng lịch sử của điểm đến rất lớn. Công tác quy hoạch, đầu tư còn nhiều vấn đề, sản phẩm đã có đơn điệu hoặc ít được đổi mới, không đủ sức hấp dẫn, chủ yếu mới khai thác các sản phẩm du lịch gắn với di tích lịch sử Điện Biên Phủ mà chưa khai thác được những thế mạnh về tự nhiên và văn hóa. Đây cũng là nguyên nhân khiến thời gian lưu trú của du khách rất ngắn và là trở ngại đòi hỏi ngành Du lịch Điện Biên phải khắc phục nếu muốn cất cánh và phát triển bền vững.
Từ thực tế nêu trên, để tạo cú huých cho du lịch phát triển, thì Điện Biên cần có những chính sách nhằm huy động nguồn lực, hỗ trợ phát triển du lịch. Trong đó trước hết, tỉnh cần tập trung đầu tư, hoàn thiện công tác quy hoạch du lịch, nhất là quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch đã được xác định trong quy hoạch tổng thể và những khu, điểm phát hiện mới, có nhiều tiềm năng để sớm bổ sung vào quy hoạch tổng thể. Có thể hình thành cơ chế thuê chuyên gia nước ngoài thực hiện quy hoạch du lịch Điện Biên. Làm tốt công tác quy hoạch sẽ tạo cơ sở cho việc đầu tư phát triển du lịch một cách đồng bộ, bài bản và chuyên nghiệp, tạo được sức hấp dẫn chung cho điểm đến. Một yếu tố quan trọng là cần hình thành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông các tuyến đường kết nối thành phố Điện Biên Phủ với các điểm du lịch của tỉnh. Sự phát triển của hạ tầng giao thông đóng vai trò hàng đầu để tiếp cận điểm đến.
Năm 2016, tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt 710 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2015. |
Bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho cơ sở hạ tầng và giao thông, Điện Biên cũng nên áp dụng nhiều chính sách linh hoạt có tính khích lệ, chẳng hạn chính sách miễn giảm thuế, chính sách thuê đất, chính sách cho vay lãi suất thấp... để huy động nguồn vốn xã hội hóa dưới hình thức BOT, BT tham gia vào đầu tư hạ tầng kết nối các điểm du lịch và hạ tầng của điểm đến, nhất là đầu tư cho sân bay Điện Biên và cửa khẩu Tây Trang. Từ đó, hình thành tuyến du lịch đường không và đường bộ với các địa phương trong nước và các nước trong khu vực như: Lào, Thái Lan, Mi-an-ma. Thời gian tới, các cấp Trung ương và tỉnh nên sớm có kế hoạch nâng cấp cửa khẩu A Pa Chải thành cửa khẩu quốc gia để thúc đẩy dòng khách du lịch Trung Quốc qua đây.
Điện Biên cũng cần có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào việc xây mới cơ sở vật chất kỹ thuật, lưu trú phục vụ du lịch tại thành phố Điện Biên Phủ và các khu, điểm du lịch như hồ Pa Khoang, Tuần Giáo,... áp dụng chính sách ưu đãi và có cơ chế chọn lựa nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để thực hiện các dự án du lịch; có chính sách khuyến khích người dân tại các bản làng tham gia đón du khách với việc lựa chọn đầu tư, nâng cấp nhà ở của họ để cung cấp dịch vụ lưu trú (homestay). Việc đầu tư phải dựa trên kết quả nghiên cứu thị trường với những dự báo khoa học về nhu cầu của du khách để định hướng thu hút các dự án phù hợp yêu cầu thực tế.
Để phát huy thế mạnh du lịch, thiết nghĩ tỉnh cần tiếp tục nỗ lực điều chỉnh quy hoạch lại thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên (hai địa phương đang "sở hữu" phần lớn các điểm di tích) theo hướng những khu đất sinh lời, thuận lợi cho hạ tầng du lịch, thương mại, trả lại cho không gian các điểm di tích và để phát triển hạ tầng du lịch; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch; nghiên cứu tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo mang thương hiệu Điện Biên; nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo, phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp; khuyến khích các nhà đầu tư vào địa bàn liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển du lịch; tăng cường xúc tiến thương mại; đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở để khai thác lợi thế cửa khẩu; đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và du lịch…
Ngoài việc xây dựng chủ trương, đường lối, cần tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của quần chúng nhân dân. Khi cả hệ thống chính trị cùng mỗi người dân vào cuộc, thì du lịch Điện Biên chắc chắn có cơ hội vàng để cất cánh và phát triển bền vững.
Với những nỗ lực và chủ động của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tham gia chủ động tích cực từng người dân và ngành Du lịch Điện Biên, sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý cũng như của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, trên cơ sở chính sách huy động nguồn lực cởi mở, thông thoáng và hiệu quả, chúng ta có quyền tin tưởng và kỳ vọng về Điện Biên sẽ sớm trở thành điểm đến hấp dẫn, là trung tâm du lịch thu hút khách của vùng Tây Bắc./.
Nguyễn Vân Chương