Hướng tới kỷ niệm 40 năm thành lập Đài Phát thanh & Truyền hình Điện Biên

Tình yêu tôi nơi bức tranh đa sắc màu

Thứ Tư, 20/09/2017, 16:55 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mỗi chuyến công tác với tôi là 1 cuộc hành trình khám phá văn hoá các dân tộc đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, cũng có khi đó là bài học quý giá mà tôi có thể áp dụng trong cuộc sống, đấy là những cảm nhận của phóng viên Lường Hương - Phòng Chuyên đề Văn nghệ và giải trí về những kỷ niệm trong quá trình tác nghiệp của mình.

Sau 4 năm học tập tại khoa Báo chí – Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), tôi trở về quê hương được làm phóng viên tại Phòng Chuyên đề - Văn nghệ và Giải trí, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Điện Biên. Tôi được phân công phụ trách chuyên mục về văn hoá đa sắc màu của 19 dân tộc trong tỉnh.

Quả thật, tôi hơi lo lắng bởi viết về lĩnh vực văn hoá truyền thống trong thời đại bùng nổ thông tin là một thách thức lớn, đòi hỏi không chỉ đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác mà còn phải phù hợp với thuần phong mỹ tục, tập quán và truyền thống văn hóa. Tôi rất may mắn khi được làm việc cùng những cây bút tinh anh của Đài, những người có duyên nghiệp với con chữ. Bằng tất cả tâm huyết và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, họ đã cho ra những tác phẩm độc đáo và ấn tượng. Từ họ, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để gắn bó với nghề.

1
PV Lường Hương tác nghiệp tại hiện trường

 

Mỗi chuyến công tác với tôi là 1 cuộc hành trình khám phá văn hoá các dân tộc đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, cũng có khi đó là bài học quý giá mà tôi có thể áp dụng trong cuộc sống. Đó có thể là không khí của hội đua thuyền ở Mường Lay trong ngày đầu tiên của năm mới; nhịp trống chiêng rộn ràng của dân tộc Cống trong Tết Hoa ở Pa Thơm với ước vọng về  một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hay điệu lăm vông duyên dáng của các cô gái Lào ở Na Sang trong Tết Bun huột nặm…

Trong tâm trí tôi hiện giờ là khuôn mặt xinh xắn của cô bé người Mông - Sùng Su Ni ở bản Huổi Múa, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông. Tôi gặp bé Ni là khi bé tròn 3 ngày tuổi và gia đình đang chuẩn bị làm lễ gọi hồn về để đặt tên cho bé. Hôm đó, do tình cờ gặp nên chúng tôi không có ai đi theo phiên dịch. Chúng tôi nói bằng tiếng phổ thông, còn gia đình bé Ni nói bằng tiếng Mông, không ai hiểu ai. Rồi tôi buột miệng 1 câu tiếng Thái, ông nội của bé Ni là Sùng Sái Lùng tiến đến và nói chuyện với tôi. Sau một hồi hỏi han, ông cho biết phần lớn những người Mông ở đây đều nói được tiếng Thái.

Là người con của dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này có lẽ là lợi thế tuyệt vời của tôi trong cuộc hành trình khám phá văn hoá truyền thống các dân tộc. Dân tộc Thái là dân tộc đông dân cư nhất ở tỉnh Điện Biên với kho tàng văn hoá vô cùng phong phú.

Điều mà tôi tự hào nhất là dân tộc tôi có chữ viết riêng. Dù trong nhịp sống hiện đại nhưng chữ viết vẫn được duy trì và bảo tồn, kể cả ở những nơi phố thị. Là 1 phóng viên người dân tộc viết về văn hoá truyền thống các dân tộc, tôi sẽ cố gắng rèn luyện ngòi bút cũng như đạo đức nghề nghiệp để nâng cao kỹ năng làm báo. Để khi các tác phẩm phát sóng có sức lan toả, tác động đến dư luận, góp phần giới thiệu, quảng bá cũng như bảo tồn văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.
 

 

Lường Hương




 

.