Đài Phát thanh & Truyền hình Điện Biên

Sự chủ động sáng tạo và những thách thức về Kỹ thuật công nghệ

Thứ Tư, 13/09/2017, 08:41 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trong công tác tuyên truyền nói chung và tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình nói riêng, thì yếu tố công nghệ đóng vai trò quan trọng, nhất là giai đoạn hiện nay với sự hội tụ và phát triển của các nền tảng công nghệ.

40 năm qua, kỹ thuật đã trải qua bao lần thay đổi về công nghệ sản xuất chương trình, truyền dẫn phát sóng bằng băng từ trên đầu ghi đọc các loại băng từ khác nhau như, trên băng VHS, DVPRO, DVCAM và trên đĩa VCD, DVD... đặc biệt là cuối năm 2010, đầu năm 2011 thực hiện chuyển đổi thành công sang sản xuất chương trình, truyền dẫn phát sóng bằng file thực hiện trên máy vi tính được phát sóng tự động, thực hiện lưu trữ trên ổ cứng, quản lý dữ liệu trên máy chủ. Đây là bước đột phá về mặt kỹ thuật - công nghệ ở Đài Phát thanh và Truyền hình Điện Biên. Có được thành công này là do 2 nguyên nhân chính sau:

Một là, lĩnh vực kỹ thuật, đã hình thành được 3 trụ cột chính đó là: Truyền dẫn phát sóng, sản xuất chương trình và trụ cột về công nghệ thông tin. Trong đó xác định thiết bị có vai trò quan trọng, con người đóng vai trò quyết định và công nghệ thông tin là động lực để phát triển.

Hai là, kỹ thuật đã có giải pháp để hình thành mạng cách ly, tạo ra bức tường lửa ngăn sự lây nhiễm Virut cho máy tính trong mạng sản xuất chương trình. Bởi quá trình chuyển đổi công nghệ là gắn liền với công nghệ thông tin và máy vi tính, thường xuyên kết nối mạng internet và các thiết bị ngoại vi như: USB, thẻ nhớ, đầu ghi đọc băng…do vậy việc lây nhiễm vi rút là khó tránh khỏi. Trong khi đó việc sản xuất chương trình và phát sóng của Đài thì không được phép gián đoạn, phải thực hiện liên tục 24/24 giờ thì mạng cách ly đóng vai trò thường trực an toàn cho hệ thống sản xuất chương trình và phát sóng.

Từ bước đột phá thành công trên, đã tạo tiền đề thực hiện những bước tiếp theo như: Chuyển đổi thành công việc phát sóng bằng file thực hiện trên máy tính, được truyền qua hệ thống đường cáp quang, thay cho việc trước đây thực hiện phát sóng bằng băng từ và phải vận chuyển băng bằng đường bộ từ nơi sản xuất chương trình đến nơi truyền dẫn phát sóng. Bỏ việc sản xuất chương trình và phát sóng trên băng từ thực hiện trên bộ dựng (A-B) được chuyển sang sản xuất chương trình  và phát sóng bằng File thực hiện trên hệ thống (máy vi tính) rất thuận lợi. Đồng thời thuận lợi cho phóng viên đi tác nghiệp, các tin bài được truyền về Đài tỉnh bằng file qua mạng internet, tin tức cập nhật kịp thời mang tính thời sự cao, thay vì trước đây phóng viên đi tác nghiệp các tin bài phải chuyển về bằng băng từ qua đường bộ, tin tức không cập nhật.

Thành công này cũng làm cơ sở để kỹ thuật và công nghệ thiết kế, lắp đặt hệ thống mạng LAN nội bộ, hệ thống máy chủ, máy trạm thuận lợi cho việc gửi, nhận tin bài và duyệt tin bài qua mạng, có thể thực hiện ở bất cứ nơi nào nếu ở đó có mạng internet; là tiền đề cho việc hình thành trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan ra mắt vào ngày 23/9/2011 (lần đầu tiên Đài có 3 loại hình báo chí). Website của Đài hoạt động rất thuận lợi cho khán thính giả trong tỉnh, trong nước và kể cả ở nước ngoài theo dõi, không phân biệt không gian và thời gian, miễn là nơi đó có mạng internet. Từ đó là điều kiện thuận lợi đẩy nhanh việc tăng thời lượng tự sản xuất chương trình của Đài đủ điều kiện đáp ứng theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, để đưa chương trình ĐTV lên vệ tinh Vinasat1 đúng vào dịp kỷ niệm 62 năm Chiến thắng Điện Biên phủ ngày 07/5/2016.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của 2 Đài Quốc gia và các cấp, các ngành, cho đến nay sự nghiệp Phát thanh và Truyền hình Điện Biên đã có một hạ tầng kỹ thuật hiện đại, số lượng trang thiết bị kỹ thuật rất lớn với hai địa điểm:  Trung tâm kỹ thuật sản xuất chương trình và phát sóng tự động các chương trình phát thanh, truyền hình tại khu Văn phòng Đài tỉnh; Trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng với hệ thống tháp anten tự đứng, cao 125m, với 3 kênh sóng phát thanh song song là: VOV1, VOV2, VOV Điện Biên thời gian phát sóng 19h/ngày;  5 kênh phát hình song song là: VTV1, VTV2, VTV3, VTV6 thời gian phát sóng 24h/ngàyvà kênh ĐTV thời gian phát sóng 18h/ngày đồng thời được truyền trên các hạ tầng dịch vụ truyền dẫn phát sóng khác như: trên truyền hình Cáp, trên MyTV, trên NexTV, trên fptTV và được truyền qua vệ tinh Vinasat1…vv;

1
Đồng chí Nguyễn Đình Phức - Phó giám đốc Đài PTTH Điện Biên chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trong truyền dẫn phát sóng 

 

Khi chương trình phát thanh, truyền hình của Đài đưa lên vệ tinh, bài toán phủ sóng phát thanh, truyền hình của tỉnh đến 100% số hộ trên địa bàn tỉnh không những được thực hiện mà còn phủ sóng toàn quốc và khu vực. Với tin tức cập nhật, tính thời sự cao, hiệu quả tuyên truyền được nâng lên trên cả 3 phương diện: phát thanh, truyền hình và trang thông tin điện tử tổng hợp của Đài.

Trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng về công nghệ về truyền hình không dừng lại mà luôn luôn thay đổi. Hiện tại, các kênh truyền hình của VTV Đài Truyền hình Việt Nam và các Đài Phát thanh và Truyền hình khác trên toàn quốc đã chuyển đổi xong sang công nghệ truyền hình có độ nét cao HD, hiện nay VTV đang trong lộ trình chuyển đổi sang sản xuất chương trình có độ phân giải siêu cao (tức truyền hình 4k, 8k), mà truyền hình 4k có chất lượng gấp 4 lần so với truyền hình HD.

Trong khi đó Đài Điện Biên, đang ở giai đoạn thực hiện chuyển đổi công nghệ từ SD 16:9 sang truyền hình có độ nét cao HD thực hiện theo Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg ngày 16/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 và Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020.

Theo quy hoạch trên tại Quyết định số 2451/QĐ-TTg, thì tỉnh Điện Biên thuộc nhóm IV giai đoạn từ 2017-2020, tức là đến 31/12/2020 phải chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất.

Việc chuyển đổi sang công nghệ truyền hình có độ nét cao HD, đây sẽ là khó khăn thách thức đối với các Đài ở tỉnh miền núi nói chung và  Đài Điện Biên nói riêng trong điều kiện ngân sách còn hạn chế.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đài Phát thanh và Truyền hình Điện Biên (23/7/1977- 23/7/2017) đúng vào thời gian chương trình truyền hình ĐTV đang trong giai đoạn chuyển đổi công nghệ sản xuất chương trình và phát sóng số theo chuẩn HD (tức truyền hình có độ nét cao), công tác kỹ thuật và công nghệ của Đài xác định đây là giai đoạn khó khăn thách thức lớn nhất so với bất cứ giai đoạn chuyển đổi công nghệ trước đó cộng lại.

Trước đây thời gian sản xuất chương trình  và truyền dẫn phát sóng của Đài Điện Biên chỉ được (3-4) giờ/ngày, diện phủ sóng hẹp chỉ ở khu vực lòng chảo Điện Biên, do vậy việc tích hợp thiết bị công nghệ mới để tiến hành thử sóng là rất dễ dàng, nay thời gian sản xuất chương trình  và truyền dẫn phát sóng lên tới 18h/ngày, diện phủ sóng khắp toàn quốc và khu vực, do vậy việc tích hợp thiết bị công nghệ mới thử sóng là rất khó khăn, chỉ thực hiện từ 00h đêm đến 6h sáng. Mặt khác, khi chuyển đổi sang truyền hình có độ nét cao kinh phí hạn chế, không thể chuyển đổi toàn bộ ngay trong 1 năm, mà phải thực hiện đầu tư thiết bị công nghệ theo nhiều năm mới chuyển đổi xong. Một khó khăn nữa là chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ ở Đài còn hạn chế so với các Đài Phát thanh và Truyền hình khác trong toàn quốc.

Để đài Phát thanh và Truyền hình Điện Biên thực hiện thành công việc chuyển đổi sang công nghệ truyền hình có độ nét cao (HD) đòi hỏi có sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của các Sở, ban, ngành tỉnh, cùng với sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ công chức, viên chức, tin tưởng rằng Đài PT&TH Điện Biên sẽ thực hiện chuyển đổi thành công và về đích sớm sang sản xuất chương trình, phát sóng số theo công nghệ HD từ nay đến năm 2020, xứng đáng là cơ quan tuyên truyền chủ lực của tỉnh.

 

BBT

.